Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý triển khai sứ một mệnh quân sự mới ngoài khơi bờ biển Libya để thực thi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc (LHQ).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhiều người di cư được giải cứu khỏi Libya là những người tị nạn từ các cuộc chiến ở Syria, Iraq và Afghanistan. Ảnh: CGTN |
Đài BBC cho biết 27 chính phủ trong khối EU vẫn phải soạn thảo một văn bản pháp lý cho nhiệm vụ kể trên sau khi đồng ý về mặt nguyên tắc tại Brussels – Bỉ.
Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn nói: "Mục tiêu chính là cấm vận vũ khí". Sứ mệnh liên quan tới hải quân và không quân mới của EU bao gồm hoạt động ở phía Đông Địa Trung Hải, cách xa các tuyến đường buôn lậu người di cư từ Libya.
Theo luật pháp quốc tế, các tàu của EU - dù là quân sự hay dân sự - đều có nghĩa vụ giải cứu những người gặp nạn trên biển. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini từng thể hiện lập trường cứng rắn đối với những chiếc thuyền di cư, đồng thời thực hiện chính sách đóng kín cảng.
Áo trước đó dẫn đầu phe đối lập tái triển khai các cuộc tuần tra của hải quân EU ngoài khơi bờ biển Libya nhưng cuối cùng chấp nhận một nhiệm vụ mới khác với "Chiến dịch Sophia" – trong đó ngăn chặn các băng đảng buôn lậu người.
"Chiến dịch Sophia" bắt đầu vào năm 2015 và kết thúc hồi tháng 3-2020. Vào năm ngoái, Ý phản đối việc triển khai các tàu mới, cáo buộc các đối tác EU thiếu đoàn kết vì để nước này phải đối phó với lượng người di cư bất thường.
Nhiều người di cư được giải cứu khỏi Libya là những người tị nạn từ các cuộc chiến ở Syria, Iraq và Afghanistan. Ngoài ra, họ còn bao gồm tầng lớp nghèo khổ từ châu Phi hạ Sahara, mạo hiểm mạng sống trên những chiếc thuyền không an toàn để chạy trốn bạo lực và lạm dụng ở Libya.
Chính phủ được LHQ công nhận ở Tripoli – Libya đang bị lực lượng của tướng Khalifa Haftar, người kiểm soát phần lớn miền Đông và miền Nam Libya, tấn công.
Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Haftar được sự hỗ trợ từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ai Cập, Pháp và Nga, trong khi chính phủ ở Tripoli được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Ý và một số nước khác hậu thuẫn.
Theo Phạm Nghĩa/NLĐO