Sau khi xảy ra việc đám đông biểu tình (những người ủng hộ Iran) gây rối loạn tại đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố điều thêm ngay 750 binh sĩ tới khu vực này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Người biểu tình tụ tập đốt phá trước khu đại sứ quán Mỹ tại Baghdad ngày 31-12 - Ảnh: AP |
Theo Hãng tin Reuters, trong tuyên bố ngày 31-12, Lầu Năm Góc cho biết ngoài việc đưa lực lượng thủy quân lục chiến tới bảo vệ nhân sự tại đại sứ quán Mỹ ở Iraq, cơ quan này cũng sẽ điều khoảng 750 binh sĩ từ sư đoàn không vận số 82 tới Trung Đông.
Ngoài ra, lực lượng binh sĩ điều động bổ sung cũng sẽ được triển khai trong nhiều ngày tới.
Thông cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Mark Esper, cho biết: "Việc điều động này là hành động phù hợp và mang tính phòng ngừa để phản ứng trước các mức độ nguy cơ gia tăng với lực lượng nhân sự và các cơ sở ngoại giao của Mỹ, như những gì chúng ta đã chứng kiến tại Baghdad hôm nay".
Hiện có hơn 5.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại Iraq để hỗ trợ các lực lượng địa phương. Theo báo Washington Post, vì Mỹ không có quan hệ ngoại giao với Iran nên Iraq đã trở thành điểm nóng có thể bùng phát xung đột bất cứ lúc nào khi căng thẳng quan hệ giữa Mỹ và Iran gia tăng.
Trong ngày 31-12 rất đông người biểu tình do các dân quân ủng hộ Iran lĩnh xướng đã tụ tập tại đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, phản đối các đợt không kích của Mỹ tại Iraq. Người biểu tình đã ném đá, đốt một chốt an ninh, xung đột với lực lượng bảo vệ sứ quán.
Cuộc tấn công chưa có tiền lệ nhắm vào phái bộ ngoại giao của Mỹ tại Iraq đánh dấu mức độ leo thang căng thẳng gay gắt trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran và cũng đẩy mối quan hệ Mỹ - Iraq xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều năm.
Ngày 27-12 một quả tên lửa nhắm vào căn cứ của quân nhân Mỹ tại thành phố Kirkuk ở phía bắc Iraq, làm một nhân viên người Mỹ thiệt mạng.
Washington cáo buộc một lực lượng ủng hộ Iran đứng sau vụ tấn công, trả đũa bằng một đợt không kích ngày 29-12 nhằm vào các căn cứ của nhóm Kataib Hezbollah dọc theo biên giới của Iraq với Syria, giết chết 25 thành viên nhóm này về làm hơn 50 người khác bị thương.
Cả Tehran lẫn Baghdad đều lên án các cuộc không kích này, cáo buộc đó là sự vi phạm chủ quyền Iraq. Đây là nguyên nhân khiến hàng trăm người, nhiều người có vũ trang, đã xông vào đại sứ quán Mỹ tại Baghdad ngày 31-12 biểu tình phản đối.
Theo D. KIM THOA/Tuổi Trẻ Online