Các nhà khoa học Trung Quốc đã phối hợp cùng đồng nghiệp Mỹ để phát triển loại vaccine phòng bệnh do chủng vi rút corona mới đang bùng phát.
Kiểm tra thân nhiệt hành khách trên tàu từ Vũ Hán tới Bắc Kinh ngày 23-1. Ảnh: Getty Images |
Ở thời điểm hiện tại, chưa có biện pháp chữa trị dứt điểm bệnh do vi rút corona mới gây ra có tên 2019-nCoV này.
nCoV xuất hiện tại thành phố Vũ Hán từ cuối năm 2019 và đến nay đã ghi nhận 26 trường hợp tử vong và 835 ca nhiễm.
Tính đến ngày 24-1, nCoV đã lây lan tới Hong Kong, Macau, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Mỹ cùng Singapore.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết, các chuyên gia tại Đại học Texas (Mỹ) cùng tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Huyết học New York và Đại học Fudan ở Thượng Hải đã phối hợp tham gia dự án phát triển vắc xin.
Ông Peter Hotez, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Baylor thuộc Đại học Texas, cho biết: “Việc phát triển vắc xin không phải là quá trình nhanh chóng, không rõ liệu chúng ta có loại vắc xin sẵn sàng để sử dụng trước khi dịch bệnh này kết thúc hay không”.
Ngày 21-1, Mỹ xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm nCoV là một công dân bang Washington từng đến Vũ Hán. Trường hợp nghi vấn nhiễm nCoV thứ hai của Mỹ là một người sinh sống ở Texas.
Một quan chức thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) cho biết, cơ quan này đã khởi động phát triển vắc xin chống vi rút corona mới và có thể thử nghiệm trên người trong 3 tháng tới.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn nhận định của lãnh đạo Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Didier Houssin rằng, hiện vẫn còn "quá sớm" để coi nCoV là “vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu”.
Theo Hà Linh/Báo Tin tức