Hai phe Dân chủ, Cộng hòa đấu khẩu trong phiên điều trần luận tội mở đầu tiên

08:11, 14/11/2019
.
Các nghị sĩ thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đưa ra những lập luận đối chọi gay gắt trong phiên điều trần luận tội tổng thống công khai đầu tiên ngày 13-11.
Các thành viên của Ủy ban tình báo Hạ viện tham gia phiên điều trần mở ngày 13-11 tại tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington - Ảnh: REUTERS
Các thành viên của Ủy ban tình báo Hạ viện tham gia phiên điều trần mở ngày 13-11 tại tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington - Ảnh: REUTERS
Không có gì lạ khi giới truyền thông Mỹ và quốc tế đặc biệt quan tâm tới sự kiện này. Hàng loạt các cơ quan báo chí lớn như New York Times, NBC, Guardian… đã tường thuật trực tiếp phiên điều trần mở.
 
Các nghị sĩ Đảng Dân chủ chủ trì cuộc điều tra luận tội của Hạ viện đã triệu tập 3 nhà ngoại giao Mỹ tham gia điều trần công khai. Cả ba vị này đều đã từng bày tỏ lo ngại trong các phiên điều trần kín trước đó về những hoạt động giao thiệp của ông Trump với Ukraine.
 
Theo kế hoạch, sẽ có 2 phiên điều trần công khai liên quan tới cuộc điều tra luận tội tổng thống của Hạ viện. Ngày 13-11 là cuộc đầu tiên. Phiên thứ hai là ngày 15-11.
 
Hai nhân chứng là những người đầu tiên tham gia điều trần mở ngày 13-11 gồm ông William Taylor, nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ tại Ukraine và ông George Kent, phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Á Âu.
 
Trước vô số ống kính tường thuật của các đài, báo, ông Adam Schiff, dân biểu Đảng Dân chủ, chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện, trịnh trọng mở đầu phiên điều trần lịch sử trong phòng họp chật ních các nhà báo, các nghị sĩ và một số đại diện của công chúng.
 
"Những câu hỏi được đặt ra trong cuộc điều tra luận tội là có hay không việc Tổng thống Trump đã tìm cách khai thác điểm yếu của đồng minh và lôi kéo sự can thiệp của Ukraine vào cuộc bầu cử của chúng ta", ông Schiff nói.
 
"Những câu trả lời của chúng ta cho những vấn đề này sẽ không chỉ ảnh hưởng tới tương lai của chiếc ghế tổng thống, mà còn ảnh hưởng tới tương lai của chính vị trí này, và đâu là việc được gọi là có đạo đức hay phi đạo đức mà người dân Mỹ có thể thấy ở vị tổng tư lệnh của họ", ông Schiff nói.
 
Với hai phiên điều trần mở tuần này, người Mỹ sẽ được nghe trực tiếp, lần đầu tiên, thông tin từ những người có liên quan trực tiếp tới các sự kiện là nguyên nhân dẫn tới cuộc điều tra của Hạ viện.
 
Việc này cũng sẽ dẫn tới một phiên xử ở Thượng viện về việc có thể kết tội ông Trump về những cáo buộc đó không, và có thể phế truất ông khỏi ghế tổng thống không.
 
Tuy nhiên cho tới nay các thượng nghị sĩ Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện vẫn hầu như không ủng hộ việc phế truất ông Trump.
 
Hạ nghị sĩ Devin Nunes của Đảng Cộng hòa, thuộc Ủy ban tình báo Hạ viện, cáo buộc Đảng Dân chủ đã tiến hành một "chiến dịch bôi nhọ được lên kế hoạch bài bản" và lợi dụng phiên điều trần như "một màn diễn kịch được phát trên truyền hình".
 
Ông Devin Nunes ủng hộ chiến lược của Đảng Cộng hòa trong lập luận cho rằng ông Trump không làm gì sai và không thể luận tội khi ông ấy nhờ tân tổng thống Ukraine điều tra về ông Joe Biden, cựu phó tổng thống Mỹ và là đối thủ trong chiến dịch tái tranh cử năm 2020.
 
"Không có gì hơn là một quá trình luận tội để tìm ra một tội", ông Nunes nói.
 
Trọng tâm của cuộc điều tra là cuộc điện đàm ngày 25-7 của ông Trump và tổng thống Ukraine. Trong đó ông Trump yêu cầu ông Volodymyr Zelensky mở cuộc điều tra tham nhũng với ông Biden và con trai ông Biden, anh Hunter Biden; đồng thời điều tra cả về cáo buộc Ukraine chứ không phải Nga đã can thiệp bầu cử Mỹ 2016.
Ông Trump không theo dõi phiên điều trần
 
Theo hãng tin AFP, người phát ngôn Nhà Trắng ngày 13-11 cho biết ông Trump không theo dõi phiên điều trần công khai đầu tiên được truyền hình trực tiếp, mà vẫn tiếp tục làm việc trong khoảng thời gian này. “Ông ấy đang ở Phòng Bầu dục họp. Không xem. Ông ấy đang làm việc”, bà Stephanie Grisham cho biết vào thời điểm phiên điều trần đã diễn ra được hơn một giờ tại tòa nhà Quốc hội.

Theo D. KIM THOA/Tuổi Trẻ Online

 

 

.