Trung Quốc cùng với 13 quốc gia khác đã bỏ phiếu chống lại việc thành lập đội điều tra trong cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 11-7.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông Duterte (áo trắng) ôm một khẩu súng bắn tỉa Galil trong một buổi lễ của Cảnh sát quốc gia Philippines năm 2018 - Ảnh: REUTERS |
Với 18 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 15 phiếu trắng, Hội đồng nhân quyền LHQ gồm 47 thành viên sẽ sớm thành lập một nhóm điều tra chuyên trách về những cái chết trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines.
Đây là nghị quyết đầu tiên của cơ quan này về cuộc chiến chống ma túy đẫm máu và gây tranh cãi của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Nghị quyết cũng kêu gọi chính quyền Manila nỗ lực ngăn chặn các vụ giết người không qua xét xử và hợp tác với Cao ủy LHQ về nhân quyền Michelle Bachelet.
Kết quả cuộc điều tra sẽ được bà Bachelet công bố vào tháng 6-2020.
Chính phủ của ông Duterte cho biết chỉ có khoảng 6.600 người bị cảnh sát bắn chết trong các vụ đấu súng với những nghi phạm buôn ma túy kể từ khi ông đắc cử năm 2016. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền khẳng định con số thực tế lên tới 27.000 người.
Đại sứ Philippines tại LHQ Evan Garcia đã lên tiếng phản đối cuộc bỏ phiếu, nhấn mạnh nghị quyết có động cơ chính trị đảng phái và "một chiều". Phái đoàn Philippines tại LHQ đã vận động hành lang mạnh mẽ để các nước nói không với nghị quyết, theo Hãng thông tấn AFP.
Đại sứ Garcia nhấn mạnh đất nước của ông luôn bảo vệ và thực thi công lý, khẳng định sẽ không bao giờ dung thứ "cho bất kỳ hành động thiếu tôn trọng nào" và cảnh báo "sẽ có hậu quả nghiêm trọng" sau nghị quyết.
Bà Laila Matar thuộc Tổ chức giám sát nhân quyền có trụ sở tại Mỹ đã chỉ trích các phát ngôn của ông Garcia. "Rõ ràng là họ đang muốn đe dọa những người đã ủng hộ nghị quyết. Chúng tôi thực sự lo ngại cho an nguy của những người bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động xã hội dân sự và nhà báo ở Philippines".
Hôm 29-6, bé Myca Ulpina 3 tuổi đã trở thành nạn nhân thiệt mạng mới nhất trong cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte. Cảnh sát giải thích cha của bé, một nghi phạm buôn ma túy, đã sử dụng con gái như lá chắn sống trong cuộc đấu súng.
Trả lời các câu hỏi của phóng viên tại Manila về việc liệu có cho phép các điều tra viên của LHQ nhập cảnh hay không, ông Duterte đáp ngắn gọn: "Cứ để bọn họ nói rõ mục đích của họ là gì rồi tôi mới tính tiếp được".
Quan hệ ngoại giao giữa Philippines với một số nước phương Tây đã gặp sóng gió dưới thời ông Duterte vì cuộc chiến chống ma túy. Đáp lại các tuyên bố bày tỏ quan ngại của các lãnh đạo nước ngoài, tổng thống Philippines không ngại dùng những từ khó nghe để miệt thị và phản pháo.
Theo BẢO DUY/Tuổi Trẻ Online