Châu Âu liệu có đổi màu?

09:06, 12/06/2009
.
Bảng công bố kết quả tạm thời bên ngoài Nghị viện Châu Âu ở Brussels, Bỉ.
Bảng công bố kết quả tạm thời bên ngoài Nghị viện Châu Âu ở Brussels, Bỉ.
Cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu cuối tuần qua đã có kết quả bất ngờ khi cánh hữu thắng lớn. Điều này làm dấy lên lo ngại chủ nghĩa dân tộc và những tư tưởng bảo thủ sẽ thắng thế trong việc hoạch định chính sách của Châu Âu trong thời gian tới.

 

Nghị viện châu Âu (viết tắt là Europarl hay EP) được thành lập năm 1952 và là thể chế Châu Âu duy nhất bầu cử trực tiếp theo các thủ tục được đưa ra năm 1979. EP hiện gồm 736 ghế, là một trong ba cơ chế điều hành EU (bên cạnh Hội đồng Châu Âu và Ủy ban Châu Âu). Đây là nghị viện có sức mạnh lớn thứ hai trên thế giới, sau quốc hội Mỹ. Hiện nay, EP có quyền hạn ngang với Hội đồng Châu Âu và nếu đạt được đa số 2/3, nó có thể buộc toàn bộ thành viên Ủy ban Châu Âu phải từ chức.

 

Trong những nhiệm kỳ trước EP thường có xu hướng thiên về cánh tả. Tuy nhiên kết quả bầu cử lại cho kết quả ngược lại. Trên khắp châu lục này cử tri đã nhất loạt quay lưng lại với cánh tả. Trong số 27 nước EU tham gia cuộc bầu cử nghị viện này, chỉ có Hy Lạp, Đan Mạch và Malta bầu cho cánh tả nhưng số phiếu dành cho họ ở những nước này cũng không cao như mong đợi.  Với kết quả này EP sẽ nghiêng về chủ nghĩa dân túy, với các đảng có khuynh hướng bài ngoại, chống thống nhất Châu Âu và chống toàn cầu hóa.

 

Các đảng trung hữu sẽ nắm quyền lực ở EP, chiếm số ghế lớn nhất, tới 267 ghế, trong khi các đảng trung tả chỉ còn 159 ghế. Nhóm đảng Xã hội vốn chiếm đa số áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử lần trước (năm 2004), nay bị đẩy xuống vị trí thứ hai với 184 ghế, mất khoảng 40 ghế. Riêng ở Đức, đảng Dân chủ xã hội đã mất tới 20,8% số ghế, thất bại lớn nhất của đảng này kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Các đảng trung tả có khả năng mất tới 1/4 số ghế. Tuy nhỏ, nhưng nhiều đảng cực hữu lại giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử lần này và đó là một xu hướng nguy hiểm.

 

Theo các nhà phân tính, lý do chính tác động đến lá phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử EP lần này chính là vấn đề kinh tế. Người dân Châu Âu đang rơi vào tâm trạng chán nản, thất vọng do bức tranh kinh tế quá ảm đạm. Họ lo sợ bị cạnh tranh việc làm, lo sợ sự bất ổn do suy thoái kinh tế nên quyết định bầu cho cánh hữu, những người luôn phản đối người nhập cư, quan tâm hơn đến vấn đề an ninh, luật pháp và trật tự.

 

Cuộc bầu cử lần này còn bộc lộ một bước thụt lùi của EU, bởi sau Chiến tranh thế giới thứ II, các nước Châu Âu đã nỗ lực để thúc đẩy quá trình thống nhất Châu Âu, với hy vọng xua đi bóng ma chủ nghĩa dân tộc cực đoan vốn đã tàn phá châu lục này.

 

Theo thống kê có tới 80% chính sách về môi trường và 50% chính sách về xã hội của Châu Âu xuất phát từ EP. Nhưng bây giờ, cơ quan đầy quyền lực này lại đang nằm trong tay các thế lực cánh hữu bảo thủ thì không hiểu các chính sách của Châu Âu sẽ thay đổi thế nào trong thời gian tới?

  Hoàng Lư

.