Bóng đá Việt Nam: Chuyện chuyên nghiệp còn dài

04:02, 24/02/2023
.
 
(Baoquangngai.vn)- Năm 2023 đã là năm thứ 23 bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp, thế nhưng cách vận hành thì vẫn chưa thật sự chuyên nghiệp.
 
Cuối tuần qua, sau khi kết thúc các trận đấu ở vòng 4, V-League 2023 phải tạm dừng thi đấu 49 ngày để đội tuyển quốc gia, đội tuyển U22 và cả đội tuyển U20 tập trung, thi đấu quốc tế. Trước đó, V-League 2022 cũng diễn ra tình trạng tương tự. 
 
Nhưng chưa hết, đến ngày 6/4, V-League 2023 trở lại nhưng giải cũng chỉ có thể đá thêm 3 vòng đến hết ngày 17/4 lại phải dừng để đội tuyển U22 quốc gia tập trung tham dự SEA Games 32. Điều này một lần nữa cho thấy, cách tổ chức thi đấu chưa thật sự khoa học, làm ảnh hưởng đến chuyên môn và ảnh hưởng đến chất lượng của V-League.
 
V-League 2023 tạm dừng gần 2 tháng chỉ sau 4 vòng đấu. ẢNH: INTERNET
V-League 2023 tạm dừng gần 2 tháng chỉ sau 4 vòng đấu. ẢNH: INTERNET
 
Qua các phương tiện truyền thông, không ít huấn luyện viên của các câu lạc bộ bày tỏ sự bức xúc, khi cho rằng giải mới thi đấu đã tạm dừng. Thế nhưng, điều đáng nói là, việc V-League 2023 tạm dừng là… theo kế hoạch. Bởi, kế hoạch đã được thống nhất thông qua trước khi giải diễn ra. 
 
Để tổ chức giải, hằng năm Công ty CP Bóng đã chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đều gửi dự thảo kế hoạch cho các câu lạc bộ đóng góp ý kiến, sau đó VPF mới trình Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thông qua. Tuy nhiên, hầu như không có câu lạc bộ nào phản biện về kế hoạch thi đấu của ban tổ chức giải. Đến khi sự việc đã rồi thì lên tiếng bày tỏ bức xúc. Điều này lại cho thấy, các câu lạc bộ cũng chưa thật sự chuyên nghiệp.
 
Trong khi V-League 2023 lình xình về việc tổ chức thi đấu, thì Giải hạng Nhất năm nay cũng mang nỗi buồn “muôn năm cũ”. Cho đến khi chốt số lượng đội tham dự giải thì con số chỉ là 11 chứ không phải 12 theo…kế hoạch ban đầu.
 
Đến phút cuối, câu lạc bộ Cần Thơ đã bỏ giải vì không có nhà tài trợ. Vậy là, giải đấu chỉ còn 11 câu lạc bộ gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Thuận, Hòa Bình, Huế, Long An, Phù Đổng, Phú Thọ, Quảng Nam, Sài Gòn và PVF - Công an nhân dân.
 
Việc PVF - Công an nhân dân dự giải là họ “có suất” từ câu lạc bộ Phố Hiến và đổi tên mới. Việc thay tên, đổi họ (câu lạc bộ) để có suất chơi ở V-League hay hạng Nhất là điều không lạ ở bóng đá Việt Nam và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
 
Năm nay lại có thêm một chuyên khôi hài nữa là, câu lạc bộ Sài Gòn sẽ không thi đấu ở sân vận động Thống Nhất như khi còn chơi ở V-League mà đăng ký thi đấu sân nhà ở… TP.Đà Lạt (Lâm Đồng). Cơ sự là do việc chuyển giao (bán suất chơi) của đội bóng này chưa thành công.
 
Những năm gần đây, bóng đá Việt Nam khá thành công ở cấp độ đội tuyển quốc gia, U23 và cả bóng đá trẻ. Song không vì thế mà chúng ta ngủ quên trên chiến thắng. Hầu hết thành công của các nền bóng đá lớn đều đến từ nền tảng của giải vô địch quốc gia. Bởi một khi chân đế có vững, thì sự thành công mới lâu bền. Do vậy, các giải V-League và hạng Nhất cần phải tổ chức quy củ và khoa học. Đồng thời, đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi của đội tuyển quốc gia và các câu lạc bộ.
 
Rõ ràng, để mang tính chuyên nghiệp thực thụ, thì có lẽ bóng đá Việt Nam sẽ mất thêm một thời gian nữa..
 
THANH NHƯ
 
 

.