(Baoquangngai.vn)- Câu chuyện “lớp trẻ, lớp già” trong World Cup Qatar 2022 vẫn được bàn tán hàng ngày trên báo. Nếu chỉ nhìn vào thành tích (ghi bàn, kiến tạo, bảo vệ tốt cầu môn đội nhà…) thì dĩ nhiên, lớp trẻ phải nhỉnh hơn lớp già...
Nhỉnh hơn vì họ trẻ hơn. Mà trong bóng đá, trẻ hơn là chuyện “tròi cho”, là chuyện đương nhiên dễ có thành tích cao hơn lớp cầu thủ già. Nhưng ai cũng đã từng có thanh xuân, ai cũng từng trẻ. Và khi trẻ, Ronaldo thế nào? Nếu muốn so sánh, thì phải so lớp già khi họ đang còn trẻ, với lớp trẻ hiện nay. So sánh như thế mới hợp lý. Có câu chuyện một “bình luận viên” nước ngoài so sánh Ramos (Bồ Đào Nha) với Messi. Nói rằng Ramos chỉ cần 70 phút để ghi một hat trich, trong khi Messi có thể phải cả toàn giải mới ghi được số bàn ngang như vậy (3 bàn). Lập tức, anh BLV này bị fans Messi đập cho tới tả. Cũng khó để anh ấy nhận những gì thân thiện hơn. Vì so sánh ấy quá khập khiễng.
Messi thời trẻ thì sao? Những thành tích của anh trên mọi đấu trường đã đưa anh lên ngôi vị một thiên tài. Ronaldo cũng vậy. Bây giờ, nhiều người bày tỏ thương hại Ronaldo. Nhưng chính họ, thời Ronaldo ở đỉnh cao, đã ca ngợi anh hết lời. Vậy là hợp lý thôi. Tôi nghĩ, trong bóng đá, chuyện “Gừng càng già càng cay” là chuyện hiếm hoi lắm. Đã quá 35 tuổi, thì phải chập nhận mình không thể chơi hay như khi mình 25 tuổi được. Có những cầu thủ lớn tuổi bừng sáng ở giải này, như Giroud, nhưng quả là rất hiếm. Nhưng Messi 33 tuổi vẫn tung hoành, đơn giản, vì anh chưa tới tuổi 35 hay 37. Tới đó, thì dù tập luyện căng sức hàng ngày, chế độ dinh dưỡng tốt hàng đầu thế giới, thì phong độ cũng không còn được như xưa. Ronaldo chẳng hạn.
Từ khi Ronaldo bất mãn với cách xử sự của MU, tôi đã rất ủng hộ anh. Vì tôi biết, chỉ cách nhau một năm thôi, thành tích ghi bàn của Ronaldo đã khác. Không có lĩnh vực nào bạc bẽo với con người cầu thủ hơn bóng đá. Phải chấp nhận thôi, vì khi cầu thủ ở đỉnh cao, họ được chiều chuộng đủ kiểu, được hậu đãi hết mình, thì khi tuổi cao, phong độ xuống, họ phải đi tìm những CLB mới vừa sức mình. Ronaldo nghĩ anh vẫn còn sung sức, vẫn còn ở phong độ cao. Thực ra, đó là khát mong lớn nhất ở những cầu thủ từng là ngôi sao, từng ở đỉnh cao. Nhưng khi thời ấy đã qua, thì phải biết chấp nhận. Tôi nhớ, Michel Platini, danh thủ Pháp đã giã từ sân cỏ khi mới 32 tuổi. Xúc động vì sự “dừng lại đúng lúc” này, tôi đã viết bài thơ tặng anh. Dù sau này Platini dính vào những chuyện lùm xùm khi anh thành quan chức bóng đá, nhưng đời cầu thủ của Platini thì quá đẹp. Rời sân cỏ khi mới 32 tuổi, giữa những đỉnh cao, lạ lắm, phải không ạ? Bài thơ này tôi viết năm 1987, xin tặng bạn đọc yêu bóng đá.
MỘT NGƯỜI DỪNG ĐÚNG LÚC
ở tuổi ba mươi hai Platini lặng lẽ dừng
trên sân Wembley anh chói lên lần cuối
“tôi có thể chơi thêm một vài mùa bóng nữa”
nhưng để làm gì ?
một nghệ sĩ già bao nhiêu năm bị khuất lấp tự khuất lấp
đột nhiên tung những vần thơ nén chặt
những đường banh nghiền ngẫm hoài trong óc
như Platini điều khiển quả đá phạt
như Platini bay người song song mặt đất
cú đánh đầu sáng rực EURO 84
“tôi sẽ không chơi được hay hơn trong mùa bóng tới”
cầu trường rung lên cuồng nhiệt nghẹn ngào
chào một người dừng đúng lúc
biết ra đi là nghệ thuật
“tôi chẳng còn gì để chứng minh”
làm sao nói được câu thật thà thiên tài ấy
lúc đang khoác áo số 10 và đeo băng đội trưởng ?
tự trọng là kính trọng tương lai
và để tương lai kính trọng mình
nếu những đường chuyền bỏ tôi những quả đá phạt bỏ tôi những pha đi bóng xuất thần bỏ tôi
nếu nhịp điệu và nhiệt tình bỏ tôi
nếu chỉ còn là cái bóng của chính mình
tôi chẳng còn gì để chứng minh
trong cơn lốc tốc độ tôi cuốn theo cả hàng rào phòng ngự
khoảnh khắc, bóng dừng
khi tôi treo bóng trước cầu môn đối phương
khoảnh khắc, bóng dừng
người ta có thể trả hàng vạn đô la cho mỗi bàn thắng
nhưng cái phút bóng dừng chết lặng
cái giây phút tuyệt vời
chỉ những ai trong cuộc biết mà thôi
ở tuổi 32 Platini lặng lẽ giã từ
8/1987
THANH THẢO