(Baoquangngai.vn)- Trong trận Việt Nam gặp Oman, dù thua 1-3 nhưng Việt Nam là người mở tỉ số. Và bàn thắng ấy rất đáng chiếu đi chiếu lại cho đội Việt Nam xem để thấy sự quyết tâm cao độ trong một tình huống có thể mang lại kết quả như thế nào.
[links()]
Qua 4 trận vòng loại thứ 3, đội tuyển Việt Nam toàn…thua. Ở đời, không ai thích bị thua, nhưng nếu chẳng may mình rơi vào hoàn cảnh không mong muốn ấy, mình phải làm thế nào?
HLV, cựu thuyển thủ Nguyễn Đức Thắng đã nhận xét rất thẳng thắn: “Sân chơi này không dành cho Việt Nam.” Đó là câu nói mà VFF không bao giờ muốn nghe, dù nó đúng chỉ một nửa. Nếu không vào được vòng loại thứ ba, làm sao tuyển Việt Nam có cơ hội gặp được những đối thủ mạnh hơn mình. Đây chính là cơ hội. Mà với cơ hội, thì như người khởi nghiệp, có thể thành công, có thể thất bại. Thành hay bại với người khởi nghiệp đều cần thiết, và nên bình tĩnh chấp nhận, để thành công sẽ đến trong tương lai.
Dù có nhiều cố gắng, nhưng tuyển Việt Nam vẫn thua Oman với tỷ số 1-3 |
Trong trận Việt Nam gặp Oman, dù thua 1-3 nhưng Việt Nam là người mở tỉ số. Và bàn thắng ấy rất đáng chiếu đi chiếu lại cho đội Việt Nam xem để thấy sự quyết tâm cao độ trong một tình huống có thể mang lại kết quả như thế nào. Và cũng chính Tấn Tài, với cú “vung tay quá trán” đã mang về cho Oman một quả phạt đền. May mà đội trưởng Oman sút bóng lên trời. Nhưng trong một trận đấu mà chịu tới 2 quả phạt đền, đều cùng một động thái “vung tay quá trán”, thì có nhiều quá không? Cái này không phải rút kinh nghiệm, mà mỗi cầu thủ Việt Nam phải tự rèn luyện đạo đức sân cỏ cho mình. Bây giờ, mọi động thái của cầu thủ trên sân cỏ đều không qua mặt được công nghệ, dù trọng tài “mắt trần” có thể bỏ qua.
Cũng đừng trách cái công nghệ VAR ấy sao nó cứ nhè đội Việt Nam mà “soi”, thậm chí chưa chắc đã soi đúng. Vì VAR cũng được điều khiển bởi con người thôi mà, nếu mình đá bóng còn cứ thắc mắc hay kiện cáo mãi cũng chả nên kết quả gì. Có những khi, sự công bằng không đứng vê phía mình, không phải do tình huống trên sân, mà sâu xa hơn rất nhiều, do đất nước mình còn nghèo quá. Hãy nghĩ thật sâu về điều đó, đừng “chém gió” một cách vô tội vạ về “tiềm năng, triển vọng”, mà nên nhìn thẳng vào thực tế. Nếu hộ chiếu công dân bây giờ cũng có “hộ chiếu quyền lực”, thì tại sao không có “bóng đá quyền lực” dù ở những mức độ rất khác nhau.
HLV Park đã làm hết sức mình, những gì có thể làm được ông đã làm cho bóng đá Việt Nam, nhưng vì sao bóng đá Việt Nam trong vòng 3 năm không tăng được 48 bậc trên bảng xếp hạng FIFA như Oman đã tăng, thì câu hỏi này bản thân VFF cũng không thể trả lời được. Vì thế, nhìn Oman thi đấu với Việt Nam, rất dễ thấy họ chơi thoải mái và hiệu quả hơn mình rất nhiều. Hàng phòng ngự Oman không cần “vung tay quá trán” vẫn ngăn chặn hầu hết các đợt phản công của Việt Nam (trừ bàn thua họ phải chịu vì Việt Nam quyết liệt hơn). Như thế, Oman tăng bậc một cách “thần tốc” là do họ tiến bộ vượt bậc, chứ không phải do “chạy” FIFA.
Thi đấu ai chả muốn thắng, nhưng nếu mình còn yếu hơn thiên hạ, thì nên chấp nhận thua như một người trọng danh dự. Thua ở chỗ nào thì nhớ ở chỗ đó, và nhìn xa hơn những thất bại của mình. Rồi có những kế hoạch cụ thể để tự nâng mình lên. Nhìn đội hình thi đấu của tuyển Việt Nam, ai cũng thấy những cầu thủ trụ cột phải thi đấu quá nhiều, ấy là vì chưa có những cầu thủ xứng tầm thay thế khi họ đuối sức. Thêm nữa, cách đá bóng “kiểu V-League” đã khiến cầu thủ Việt thích và quen chơi tiểu xảo, chơi “chém đinh chặt sắt”, nhiều khi chơi rất lộ. Cái này hết sức tai hại khi bóng đá thế giới ngày càng văn minh. Và công nghệ thế giới ngày càng hiện đại.
Bây giờ, khi lãnh đạo Việt Nam có tầm nhìn trên 30 năm, thì bóng đá Việt Nam ít ra cũng nên có tầm nhìn 20 năm. Đừng vội ăn xổi, vì như thế không bao giờ đưa bóng đá nước mình đi xa được.
THANH THẢO