(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, đến nay nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt việc đưa võ cổ truyền vào giảng dạy cho học sinh.
[links()]
Các trường học đã lồng ghép đưa võ cổ truyền vào các tiết dạy thể dục và tập thể dục giữa giờ cho học sinh. Tại Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), hơn 2 năm qua, trường đã đưa bộ môn võ cổ truyền vào giảng dạy tích hợp trong tiết học giáo dục thể chất (GDTC) cho học sinh các khối lớp. Thầy Nguyễn Quang, giáo viên GDTC của trường, chia sẻ: “Đa số học sinh thích thú với bộ môn võ cổ truyền. Các em nắm bắt các bài quyền 27 động tác khá nhanh nhẹn”.
Em Lê Chí Long, học sinh lớp 3B, Trường Tiểu học Chánh Lộ phấn khởi cho hay: “Em rất thích học môn võ. Vào mỗi buổi sáng sớm khi thức dậy em thường tập lại các động tác thầy giáo đã dạy trên trường để rèn luyện sức khỏe”.
Học sinh Trường Tiểu học Chánh Lộ học võ cổ truyền trong giờ học thể dục. |
Không chỉ Trường Tiểu học Chánh Lộ mà nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.Quảng Ngãi cũng triển khai hiệu quả việc dạy môn võ cổ truyền lồng ghép vào môn GDTC.
Đối với Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, không những triển khai dạy võ cổ truyền trong giờ học thể dục cho học sinh, mà trường còn thành lập Câu lạc bộ Boxing, để tạo điều kiện cho học sinh đam mê bộ môn võ theo học ngoài giờ. “Câu lạc bộ Boxing thành lập cũng đã gần 5 năm nay, đây là sân chơi bổ ích để các em học sinh rèn luyện sức khỏe, thư giãn sau những giờ học căng thẳng”, Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng Mai Đình Thảo cho hay.
Việc dạy võ cổ truyền được nhiều trường triển khai hiệu quả, tuy nhiên số lượng trường thực hiện chủ trương này còn ít, chỉ khoảng 40%. Đưa môn võ cổ truyền vào chương trình GDTC trong các cấp học phổ thông là nội dung được Bộ GD&ĐT triển khai từ năm 2015. Từ năm 2017 đến nay, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Liên đoàn Võ thuật tỉnh triển khai tập huấn hằng năm cho giáo viên.
Anh Phạm Thanh Lương, cán bộ Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT), cho biết: Đối với bộ môn võ cổ truyền, học sinh tiểu học thì học bài quyền căn bản 27 động tác, học sinh THCS học bài quyền 36 động tác và THPT học bài quyền 45 động tác. Việc đưa võ cổ truyền vào trường học không chỉ giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, kỹ năng tự vệ, mà còn hướng các em nâng cao tinh thần tôn sư trọng đạo của người Việt.
Hiện nay, nhiều trường thiếu giáo viên bộ môn GDTC, nên triển khai dạy võ cổ truyền chưa đạt theo yêu cầu, dạy lồng ghép thời gian ngắn vào giờ thể dục. “Các trường cần chủ động phân công giáo viên, xây dựng lại kế hoạch, chương trình năm học để đưa vào giảng dạy môn võ cổ truyền một cách hợp lý, qua đó giúp học sinh nâng cao thể lực, thể chất phục vụ tốt cho việc học tập”, anh Lương nhấn mạnh.
TRÍ PHONG