Có thể khẳng định ngay nếu Thái Lan rút lui khỏi AFF Cup, không còn đội nào mạnh hơn đội tuyển Việt Nam ở giải đấu nói trên. Nhưng vấn đề là chúng ta có duy trì được sức mạnh với lịch thi đấu dày đặc?
TIN LIÊN QUAN |
---|
Không tính Thái Lan, đối thủ tiến gần đội tuyển Việt Nam nhất là Malaysia, đội này cũng đã vào đến trận chung kết của AFF Cup lần gần nhất.
Nhưng kỳ thực, đội bóng xứ Mã chỉ thường mạnh trên sân nhà, nhờ sự cổ vũ cuồng nhiệt đôi lúc đến mức cực đoan của khán giả nhà, chứ đội tuyển Malaysia không ổn định.
Malaysia gần đây gây chú ý bằng chính sách nhập tịch cầu thủ. Hiện, khoảng nửa đội hình chính thức của HLV Tan Cheng Hoe là cầu thủ gốc nước ngoài, gồm 2 hậu vệ cánh Matthew Davies (gốc Australia) và Corbin-Ong (gốc Anh), tiền vệ Brendan Gan (Australia), tiền đạo cánh Mohamadou Sumareh (Gambia) và mới nhất là tiền vệ gốc Kosovo Liridon Krasniqi.
Ngoài Thái Lan, không còn đội nào mạnh hơn đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup |
Tuy nhiên, càng như thế thì đội tuyển Malaysia càng thiếu ổn định, vì cứ mất thời gian gắn kết giữa các cầu thủ nhập tịch mới đến với các cầu thủ bản địa.
Vả lại, chất lượng của cầu thủ nhập tịch bên phía đội bóng đất Mã chỉ ở tầm trung bình khá, bởi không khó để suy luận rằng những tài năng thật sự, ngôi sao sáng thực thụ chắc chắn sẽ không rời bỏ đất nước mình, để khoác áo các đội bóng thuộc vùng trũng của bóng đá thế giới là Đông Nam Á, cho dù họ chẳng có chút gốc gác gì tại đây.
Điều đó có thể được thấy qua thực tế Malaysia dù sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch, nhưng họ không mạnh hơn so với Thái Lan và đội tuyển Việt Nam.
Đối thủ khác, có tính chất khá giống với Malaysia là Philippines. Đặc thù của bóng đá Philippines hơi khác so với bóng đá Malaysia. Việc sử dụng cầu thủ sinh ra và trưởng từ nước ngoài gần như là điều bắt buộc đối với Philippines, vì cơ bản dân bản địa Philippines không mê bóng đá, nên họ không có nguồn cầu thủ tại chỗ.
Chỉ có điều, riêng ở giải Đông Nam Á, Philippines chắc chắn không bao giờ tập hợp được các cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài, có chất lượng tốt nhất của mình, xuất phát từ quy định của… FIFA, không bắt buộc các CLB nhả cầu thủ cho AFF Cup hay SEA Games (các giải đấu đều nằm ngoài hệ thống của FIFA).
Trường hợp thủ môn có quốc tịch Philippines đang thi đấu nhà nghề tại Anh là Neil Etheridge, ở AFF Cup Cup 2018 là một ví dụ sinh động.
Năm đó, Neil Etheridge chỉ có thể khoác áo Philippines 1 – 2 trận tại AFF Cup, rồi… thôi, bởi đội bóng thuộc giải Ngoại Hạng năm 2018 là Cardiff City của thủ thành này không bao giờ muốn nhượng bộ nhân sự cho một giải đấu mà có khi họ còn chẳng nhớ rõ thể thức.
Dưới Malaysia và Philippines một chút, có Indonesia và Myanmar, nhưng sự ổn định càng là yếu tố sa sỉ của các đội bóng vừa nêu.
Trong khi đội, bóng từng 4 lần vô địch AFF Cup là Singapore, giờ giống như Thái Lan, ở chỗ họ… không còn mấy quan tâm đến ngôi vô địch giải đấu này nữa.
Vả lại, lâu nay, đội tuyển Việt Nam nói riêng, bóng đá Việt Nam nói chung thường chỉ gặp vấn đề về mặt tâm lý khi đối đầu với Thái Lan, chứ chúng ta rất thoải mái khi đá với mọi đối thủ còn lại trong khu vực.
Nếu Thái Lan rút, đội tuyển Việt Nam về lý thuyết, xem như mạnh nhất AFF Cup 2020. Vấn đề chỉ là chúng ta có duy trì được sức mạnh cho giải đấu này, sau khi trải qua vòng loại World Cup đầy căng thẳng ngay sát đó, sau khi trải qua mùa giải V-League kéo dài hơn thường lệ (rồi thêm cả AFC Cup đối với các đội hàng đầu giải trong nước, vốn cung cấp không ít tuyển thủ cho đội tuyển quốc gia, cũng sẽ buộc phải kéo dài ra sau giai đoạn tạm ngưng vì dịch Covid-19).
Các trụ cột quá tải, phần đông các tuyển thủ mệt mỏi vì đá nhiều giải liền trước AFF Cup, đội tuyển Việt Nam khi đó liệu có còn mạnh nhất giải Đông Nam Á như trên lý thuyết?!
Theo Kim Điền/Dân Trí