(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 25 năm gắn bó đời mình với những chiếc nỏ, anh Tạ Nguyên Kiểu (42 tuổi) ở hẻm 156/5, đường Lê Đại Hành, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) là vận động viên (VĐV) và cũng là người truyền dạy nghệ thuật bắn nỏ cho nhiều thế hệ VĐV trong khắp cả nước. Trải qua biết bao thăng trầm với môn thể thao độc đáo, "xạ thủ" Tạ Nguyên Kiểu vẫn quyết tâm theo đuổi niềm đam mê riêng của mình.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mê nỏ từ thời phổ thông
Anh Tạ Nguyên Kiểu hiện lưu giữ nhiều loại nỏ của người dân ở các vùng miền trong cả nước, cùng rất nhiều huy chương, kỷ vật được anh gìn giữ trong suốt hàng chục năm theo nghề. Sinh ra và lớn lên ở thành phố, nhưng anh Kiểu lại mê môn bắn nỏ, môn thể thao phổ biến của đồng bào dân tộc thiểu số.
Anh Tạ Nguyên Kiểu cùng nhiều chiếc nỏ được lưu giữ tại nhà riêng. Ảnh: Internet |
Anh Kiểu bảo: Năm tôi học lớp 11 (năm 1995) khi lên thư viện tỉnh mượn sách để đọc, tình cờ thấy chiếc nỏ của đồng bào Hrê trưng bày trong thư viện. Thích nỏ quá, vậy là về nhà tôi tìm lấy những thanh tre, sợi dây cước câu cá để làm một chiếc nỏ bắn thử. Dần dà tự tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, rồi ghiền môn bắn nỏ lúc nào không hay. Đam mê nỏ vào thời điểm môn thể thao này được đưa vào thi đấu ở Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, nên giai đoạn từ 1996 - 2014, chàng trai trẻ Tạ Nguyên Kiểu được Sở GD&ĐT Quảng Ngãi chọn làm huấn luyện viên (HLV) cho học sinh trong tỉnh đi thi đấu toàn quốc.
Quảng Ngãi vốn không có thế mạnh trong môn bắn nỏ so với các tỉnh miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên, nhưng bằng vốn kiến thức tích lũy, HLV Tạ Nguyên Kiểu truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý báu, giúp các thế hệ học sinh Quảng Ngãi khi thi đấu môn bắn nỏ ở Hội khỏe Phù Đổng, festival đều nằm trong tốp đầu về thành tích.
Hiện tại, anh Kiểu tham gia công tác huấn luyện môn bắn nỏ ở trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Gia Lai, Đà Nẵng... Giữ vị trí HLV môn bắn nỏ ở nhiều cuộc thi trong nước, anh đều dốc hết sức mình truyền dạy kinh nghiệm quý cho các VĐV, đồng thời giúp các đội tuyển bắn nỏ sàng lọc, chọn ra những VĐV xuất sắc để có kế hoạch đào tạo lâu dài, tham gia thi đấu các giải trong nước.
Những kỷ niệm trong nghề
Tham gia công tác huấn luyện cũng như thi đấu ở nhiều nơi, nhưng anh Kiểu nhớ nhất là chuyến thi đấu tại Giải bắn nỏ toàn quốc năm 2013 tổ chức ở tỉnh Bắc Cạn. Mê nỏ, nên khi nghe có môn bắn nỏ được tổ chức thi đấu, anh cùng đồng nghiệp là anh Vũ Châu Long đăng ký tham gia. Lúc ấy, do kinh phí hạn hẹp, nên tỉnh chỉ cấp giấy giới thiệu cho đi thi, các anh tự bỏ tiền túi cá nhân.
Anh Kiểu kể: Vượt hơn 1.000km ra Bắc Cạn thi đấu, thời gian tập luyện, thi đấu kéo dài hơn 10 ngày, nhưng kinh phí hai anh em tự mang theo không nhiều. Nhớ lúc ra Hà Nội, trời mưa như trút nước, cả hai anh em mua hai chiếc áo mưa, nhưng không mặc mà dùng che chắn cho hai chiếc nỏ mang theo thi đấu, nhất quyết không để nỏ bị ướt. Năm đó, qua 6 nội dung thi đấu, đoàn Quảng Ngãi chỉ có vỏn vẹn hai VĐV trên tổng số 100 VĐV trên toàn quốc, nhưng đã xuất sắc giành được 6 huy chương, trong đó có 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 2 huy chương đồng đều là ở các nội dung cá nhân.
Anh Hồ Nhật Thảo, hiện công tác tại Đài PT-TH Quảng Ngãi, tâm sự: Tôi biết anh Kiểu thời còn học sinh phổ thông, nhưng sau 10 năm thai nghén tôi quyết định làm phim về nhân vật này. Đó là phim "Đứng trong gió", sau này đoạt Giải thưởng danh giá mang tên Mention D'Honneur tại Liên hoan Điện ảnh truyền hình thể thao Quốc tế Milano - Italia - Vòng chung kết liên hoan của 5 châu lục.
"Cái đáng quý nhất ở Tạ Nguyên Kiểu là khao khát cháy bỏng theo đuổi đam mê của mình. Mà ở đây là môn bắn nỏ, một môn thể thao hàm chứa nhiều giá trị văn hóa trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số trong khắp cả nước", anh Hồ Nhật Thảo bày tỏ.
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN