Việc các cầu thủ trẻ và cả tuyển thủ quốc gia đều không kìm chế được tâm lý cho thấy bóng đá Thái Lan đang bước vào thời kỳ nôn nóng và hoảng loạn.
1. Phút bù giờ thứ 3 trong trận chung kết giải U15 Đông Nam Á, các cầu thủ Malaysia tổ chức câu giờ ở khu vực phạt góc (họ đang dẫn trước với tỷ số 2-1), một cầu thủ U15 Thái Lan đã không kìm chế được mình khi có pha vào bóng quyết liệt.
Kéo theo đó là màn hỗn chiến của các cầu thủ hai đội. Đáng trách hơn, trong tình huống hỗn chiến ấy, có cả sự tham gia của… Ban huấn luyện. Nên nhớ, đó là những “người lớn”, chứ không phải những đứa trẻ chưa đến 15 tuổi. Màn ẩu đả kết thúc khi có sự can thiệp của những nhân vật an ninh.
Suy cho cùng, sự thành bại ở giải đấu cấp độ U15 không giải quyết vấn đề gì. Thậm chí, ở lứa tuổi đó, người ta hướng các cầu thủ trẻ cọ sát, hoàn thiện kỹ năng và triển khai thứ bóng đá đẹp, thay vì màn ẩu đả như vậy.
Có vẻ như, người Thái đã “đặt mục tiêu quá cao” ở giải đấu lần này. Điều đó dẫn tới tâm lý nôn nóng, phải giành chức vô địch bằng mọi giá. Nó đã “ngấm vào máu” của các cầu thủ trẻ, khiến cho họ quên đi tôn chỉ cao nhất của bóng đá, đó là tinh thần fair-play.
2. Xét trên diện rộng, không chỉ lứa U15 Thái Lan mắc “căn bệnh này” mà nó đã mang tính hệ thống. Cách đây vài tháng, trên SVĐ Mỹ Đình, niềm hy vọng lớn nhất của bóng đá Thái Lan là Supachai cũng có khoảnh khắc mất kiểm soát như vậy khi vung tay đấm vào mặt Đình Trọng ở vòng loại giải U23 châu Á.
Sự hoảng loạn này mang tính hệ thống, ở mọi cấp độ đội tuyển của Thái Lan |
Cần nhấn mạnh, đội U23 Thái Lan tham dự giải đấu ấy chỉ để… cọ sát. Ngay cả khi không vượt qua vòng loại, họ cũng nghiễm nhiên có được tấm vé lọt vào vòng chung kết giải U23 châu Á với tư cách chủ nhà.
Hay như trận đấu ở King’s Cup, các cầu thủ đội tuyển Thái Lan đã có rất nhiều pha chơi xấu với các tuyển thủ Việt Nam, dù đó chỉ là giải đấu giao hữu.
Có cảm tưởng như Thái Lan như vị chúa sơn lâm đang đánh mất đi vị thế số 1 ở “khu rừng” Đông Nam Á bởi những thế lực mới như Việt Nam, Malaysia. “Con hổ” ấy đang vùng vẫy bằng mọi cách để chiếm lại vị thế “ông vua của khu rừng ấy”. Nhưng chỉ có điều, họ càng vùng vẫy thì lại càng nôn nóng.
Trước khi bổ nhiệm HLV Akira Nishino, Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan, Somyos Pumpanmuang đã nhấn mạnh chi tiết: “Tôi muốn tìm HLV có thể giúp bóng đá Thái Lan trở lại vị thế số 1 của bóng đá Đông Nam Á”. Sau đó, chính HLV Akira Nishino đã đề ra mục tiêu: “Mục tiêu trước mắt của tôi là giúp bóng đá Thái Lan thống trị Đông Nam Á và xa hơn là xác lập vị thế ở châu Á”.
Có thể hiểu, người Thái đang khát khao như thế nào cho mục tiêu giành lại vị thế số 1 Đông Nam Á. Trong gần 2 năm qua, dù muốn hay không cũng phải thừa nhận rằng họ đang phát triển sau bóng đá Việt Nam. Báo giới Thái Lan từng nhìn nhận thẳng vào thực tế này và họ vẫn hy vọng vào… cuộc phục hận ở vòng loại World Cup 2022.
3. Những người Thái từng được cả châu Á ca ngợi bởi lối chơi ban bật đẹp mắt dưới thời HLV Kiatisak. Chính lối đá đẹp ấy đã đưa “Voi chiến” thành công rực rỡ khi lọt vào vòng loại cuối cùng ở World Cup 2018 khu vực châu Á.
Tới nay, đó vẫn là trang sử khiến bất kỳ người Thái nào cũng phải tự hào. Đó là thời điểm Thái Lan giành chiến thắng trước các đội bóng ở Đông Nam Á “dễ như ăn kẹo”.
Nhưng bóng đá là chuỗi vận động, giờ đây, Thái Lan cần nhìn nhận thẳng vào thực tế rằng họ không còn giữ vị thế số 1 khu vực Đông Nam Á để có bước cải tổ và hướng đi cho phù hợp.
Sự nôn nóng, hoảng loạn ở thời điểm này chỉ càng khiến họ lún sâu hơn.
H.Long/Dân trí