Ngày 13-7, thông tin từ Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cho biết: các vòng đấu cuối của V-League 2019 sẽ được áp dụng công nghệ VAR. Điều đáng nói, phòng điều hành VAR sẽ ở trên 1 chiếc xe ôtô di động.
Phòng VAR di động của V-League được lắp đặt trên một chiếc ôtô 16 chỗ đã cải tiến- Ảnh: NEXT MEDIA |
Cùng ngày, hình ảnh chiếc ôtô VAR di động được tung lên mạng đã gây xôn xao dư luận. Lý do bởi khi xem các trận đấu quốc tế, người hâm mộ thường hình dung VAR được lắp đặt trong một căn phòng bên trong SVĐ diễn ra trận đấu. Thế nhưng, VAR của V-League lại được nằm trọn trong 1 chiếc ôtô và có thể chở đi bất cứ đâu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Anh Tú, chủ tịch HĐQT VPF, cho biết theo kế hoạch cuối tháng 8 trở ra, VPF sẽ áp dụng công nghệ VAR trong một số trận đấu quan trọng ở những vòng cuối V-League. Thời điểm này đơn vị nắm bản quyền truyền hình V-League đồng thời cũng là bên đầu tư kỹ thuật VAR là Next Media đã nhập các thiết bị về VN.
Ông Tú nói: "Toàn bộ thiết bị VAR của V-League được Next Media nhập ở nước ngoài về VN. Toàn bộ hệ thống thiết bị VAR sẽ được lắp trên một chiếc ôtô di động chứ không phải lắp cố định trong một căn phòng của SVĐ nào đó. Vì thế, VPF có thể di chuyển phòng VAR này đến bất cứ SVĐ nào trên cả nước khi cần. Hệ thống VAR di động này tiện lợi hơn so với việc lắp đặt cố định trong SVĐ.
Trong phòng điều hành VAR di động của V-League sẽ có 1 đến 2 trọng tài VAR và 1 kỹ thuật viên. Hiện Next Media đang tiến hành tập huấn cho các trọng tài để thực hiện nhuần nhuyễn công việc này trước khi chính thức áp dụng".
Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, giá cho một hệ thống VAR di động tại Việt Nam là khoảng 8 tỉ đồng. Trước khi được chính thức áp dụng, hệ thống VAR của V-League phải được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) kiểm duyệt và cấp giấy chứng nhận.
Ông Nguyễn Trung Kiên, tổng giám đốc Next Media, cho biết đơn vị này bỏ toàn bộ tiền ra để đầu tư hệ thống VAR tại Việt Nam. Ông Kiên nói: "VAR của V-League sẽ có 4 camera công nghệ VAR. Các camera này sử dụng công nghệ AI nên có những khả năng đặc biệt mà camera truyền hình bình thường không có được. Ngoài 4 camera VAR thì phòng điều hành VAR cũng kết nối với các camera khác của truyền hình. Trong phòng điều hành VAR của V-League vì thế sẽ có tối thiểu từ 4-6 màn hình".
Theo lịch thi đấu của VPF, V-League 2019 sẽ kết thúc vào ngày 20-9. Nếu như việc lắp đặt thiết bị, tập huấn trọng tài… hoàn thành đúng tiến độ thì ở những vòng 22, 23 V-League vào cuối tháng 8 tới V-League sẽ được áp dụng công nghệ VAR.
Điều này chắc hẳn sẽ mang lại sự thu hút đối với giải đấu đỉnh cao của bóng đá Việt Nam. Quan trọng hơn, mục đích của việc áp dụng công nghệ VAR là xác định chính xác tình huống, tránh sai sót trong các quyết định của trọng tài.
Thiết bị kỹ thuật của xe VAR V-League
Thiết bị chính VAR bao gồm: 1 máy chủ VARPMX kích thước 2U, mỗi máy chủ hỗ trợ xử lý 8 kênh đầu vào dành cho việc thu ghi luồng tín hiệu từ các camera trên SVĐ và camera bắt việt vị (cấu hình dự phòng đảm bảo khả năng hoạt động và thu ghi an toàn); Giấy phép phần mềm Xeebra và giấy phép xử lý thể hiện tình huống việt vị ảo; 1 máy trạm kết nối vận hành Xeebra và giám sát được đặt tại phòng điều khiển trên xe VAR; 1 bộ máy chủ dự phòng VAR (gồm máy chủ PMX); Các màn hình và thiết bị chuyển mạch kết nối được sử dụng để kết nối toàn bộ thiết bị do hãng EVS cung cấp.
Giải pháp hệ thống liên lạc nội bộ cho tổ trọng tài và VAR - Intercom: Bộ liên lạc nội bộ cho tổ trọng tài VAR trên xe có tích hợp kết nối với hệ thống liên lạc nội bộ trên sân của các trọng tài hiện có của V-League (Vokkero); Kết nối từ sân tới xe và hỗ trợ kết nối về trung tâm điều hành giải (nếu cần triển khai theo yêu cầu giám sát điều hành tập trung của VFF).
KHƯƠNG XUÂN/Báo Tuổi trẻ