(Báo Quảng Ngãi)- Trong diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Số phận dân ta là nằm ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Điều đó đã nói lên vai trò và tầm vóc quan trọng của văn hóa đối với sự tồn tại và phát triển dân tộc. “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, đó là nói về sự tồn tại của một dân tộc khi dân tộc ấy gìn giữ được văn hóa của mình.
Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và 2 hội thảo quốc gia trong năm 2022 về “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” và “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, thì năm 2023 này kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam" (1943 - 2023) một lần nữa nhấn mạnh vai trò của văn hóa đối với sự tồn tại và phát triển của quốc gia, dân tộc.
Dân tộc Việt Nam sở dĩ chiến thắng được nhiều đế quốc (xâm lược) chính là nhờ chúng ta giữ gìn được văn hóa dân tộc từ hàng nghìn năm nay. Từ trong lịch sử, đã bao lần kẻ ngoại xâm muốn thủ tiêu nền văn hóa Việt Nam bằng nhiều hình thức, bằng cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, nhưng đều thất bại. Văn hóa Việt Nam còn là dân tộc Việt Nam còn.
Đã tới lúc chúng ta nhìn lại và đánh giá cả một quá trình bảo vệ, gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, để thấu hiểu vai trò của văn hóa dân tộc trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội, trong sự phát triển các hệ giá trị của cộng đồng, trong ý thức về nguồn gốc tổ tiên người Việt, vì sao người Việt không thể bị đồng hóa, không thể bị mai một, không thể bị chia cắt thành nhiều mảnh vụn, mà luôn giữ được một khối các dân tộc đoàn kết, luôn bảo vệ được bản sắc của mình dù trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc.
Đất nước chúng ta phát triển được như hôm nay, dân tộc chúng ta kết đoàn được như hôm nay là nhờ ý chí của cả dân tộc này. Mà ý chí ấy nuôi dưỡng được, bảo tồn được, vụt sáng được chính là nhờ dân tộc chúng ta gìn giữ được văn hóa Việt Nam.
Nếu nói “văn hóa còn thì dân tộc còn”, thì phải nói sâu hơn “tiếng Việt còn thì văn hóa còn”. Và hãy nhớ, nhận định rất xác đáng của nhà văn hóa Phạm Quỳnh “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn. Tiếng ta còn thì nước ta còn”. Truyện Kiều có thể tiêu biểu cho văn học nghệ thuật (VHNT) của dân tộc Việt Nam, có thể là biểu tượng cho nền VHNT ấy qua nhiều thời đại, thì khi Truyện Kiều thấm sâu vào tâm hồn người Việt qua nhiều đời, qua những gian truân mà dân tộc ta phải vượt qua, thì Truyện Kiều trở thành biểu tượng văn học của tiếng Việt.
Chúng ta vừa vĩnh biệt nhà thơ, dịch giả Dương Tường, người đã thuộc lòng toàn bộ Truyện Kiều từ khi còn nhỏ và lúc đã 87 tuổi, nhà thơ Dương Tường đã bắt đầu thực hiện nung nấu dịch Truyện Kiều ra tiếng Anh. Đó là cú “vượt Trường Sơn” kinh khủng của một nhà văn hóa, một nhà thơ, một nghệ sĩ khi đã bước vào những năm cuối cuộc đời mình ở tuổi “xưa nay hiếm”.
Nhà thơ Dương Tường thổ lộ: "Nhiều lần, tôi định bỏ cuộc vì không thể nhìn nổi gì. Những lúc như vậy, tôi nhắm nghiền mắt rồi trấn an, tự động viên bản thân. Một lát sau, tôi mở mắt ra và lại nhìn được nét chữ. Đó là một trải nghiệm kỳ diệu", dịch giả nói. Dương Tường ví hai năm dịch sách như cuộc phiêu lưu cuối đời ông.
Và nhà thơ Dương Tường đã hoàn thành bản dịch tiếng Anh, một “Truyện Kiều” sống lại dưới một ngôn ngữ khác từ khát khao quyết liệt của một người đã cập kề tuổi 90.
Văn hóa Việt Nam không chỉ còn, mà đã có thể lan tỏa ra thế giới từ ý chí và quyết tâm gìn giữ, lan tỏa của những con người cụ thể như thế.
Mỗi người dân Việt, tùy theo năng lực của mình, đều có thể góp phần bảo vệ và lan tỏa văn hóa Việt Nam. Và khi đó, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” vì cả quốc dân đều góp phần thắp sáng ngọn đuốc văn hóa Việt Nam.
THANH THẢO