Biến bất lợi của vùng đất cát - gió trở thành thương hiệu riêng của Bình Thuận

02:03, 26/03/2023
.
Năm du lịch quốc gia 2023 với chủ đề "Bình Thuận – Hội tụ xanh" là cơ hội để Bình Thuận chuyển mình mạnh mẽ, biến những bất lợi về thiên nhiên trở thành thương hiệu riêng.
 
Tối 25/3, Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề "Bình Thuận – Hội tụ xanh" đã chính thức được tổ chức. Lễ khai mạc có sự hiện diện của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, địa phương trên cả nước; đại biểu đại diện các cơ quan quốc tế tại Việt Nam; các doanh nghiệp và hàng nghìn người dân cùng du khách đã tham dự chương trình.
 
Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 là sự kiện văn hóa, kinh tế, xã hội và du lịch tiêu biểu quy mô cấp quốc gia, sự kiện du lịch thường niên lớn nhất của ngành Du lịch Việt Nam. Năm nay tỉnh Bình Thuận là địa phương đăng cai với chủ đề "Bình Thuận – Hội tụ xanh". Đây là cơ hội để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hóa, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương.
 
Biến bất lợi của vùng đất cát và gió trở thành thế mạnh riêng của Bình Thuận
 
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận – Đoàn Anh Dũng khẳng định, Bình Thuận là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, người dân thân thiện, nồng hậu và mến khách. Là tỉnh cực Nam của vùng Duyên hải miền Trung, đi lên từ gian khó, Bình Thuận đã biết tận dụng các tiềm năng, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để vươn lên mạnh mẽ và đạt được những thành tựu quan trọng trên các hầu hết các lĩnh vực; trong đó, du lịch Bình Thuận đã có những bước chuyển mình kỳ diệu, dần trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
 
Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - "Hội tụ xanh" được tổ chức vào tối 25/3 tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - "Hội tụ xanh" được tổ chức vào tối 25/3 tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Cùng với tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đa dạng, phong phú, Bình Thuận có nhiều dự án du lịch, khu phức hợp nghỉ dưỡng được quy hoạch đồng bộ, hiện đại, tích hợp đầy đủ tiện ích cao cấp, đã và đang là điểm đến nổi tiếng, yêu thích của du khách trong nước và quốc tế. Và để chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2023, Bình Thuận đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về giao thông, hạ tầng dịch vụ du lịch, văn hóa, chỉnh trang, nâng cấp đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, trang trí cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
 
"Năm Du lịch quốc gia 2023 "Bình Thuận - Hội tụ xanh" sẽ có hơn 200 hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc có tầm cỡ quốc gia và quốc tế, diễn ra xuyên suốt trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và 41 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam; đồng thời, lan tỏa thông điệp đến với bạn bè và du khách muôn nơi về một Bình Thuận lấy phát triển xanh, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường làm trụ cột, là nơi giao thoa giữa quá khứ với hiện tại, giữa thiên nhiên với con người, nơi hội tụ của nhiều văn hóa đa sắc màu, góp phần chung tay xây dựng một đất nước Việt Nam mãi mãi xanh tươi, hòa bình, phồn vinh và hạnh phúc" – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết.
 
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định với chủ đề hết sức ý nghĩa "Bình Thuận - Hội tụ xanh", Bình Thuận khẳng định không chỉ phát triển du lịch đơn thuần, mà xa hơn là phát triển du lịch "xanh", du lịch bền vững. Để từ đó, Bình Thuận trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch miền Trung và cả nước.
 
Qua đó, đây là sự khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng - phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Tận dụng "nội lực" này, Bình Thuận sẽ biến bất lợi về thời tiết thiên nhiên khô khan - nắng gió thành thương hiệu của riêng mình "biển xanh - cát trắng - nắng vàng" trong suốt chiều dài phát triển.
 
Đồng chí Phó Thủ tướng cũng chia sẻ rằng chúng ta sẽ tiếp tục kiên định với những giá trị bền vững mà nhiều năm qua đất nước Việt Nam, Du lịch Việt Nam đã tạo dựng và xác lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế. Đó là thông điệp "Việt Nam - đất nước an toàn" và hình ảnh "Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn", "Một Việt Nam thân thiện, hòa bình, hợp tác và hiếu khách".
 
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chỉ đạo ngành Du lịch và các ngành, các cấp phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch gắn với mục tiêu phát triển bền vững, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc - một nhiệm vụ rất quan trọng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
 
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, tỉnh Bình Thuận và các địa phương cả nước tập trung xây dựng các kế hoạch, chiến lược và quyết liệt trong hành động để hướng tới thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch "xanh" như chủ đề của Năm Du lịch quốc gia 2023; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tăng cường và đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các vùng miền, tạo thành chuỗi các điểm đến và phát huy sáng tạo của mỗi người dân trong vùng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch.
 
Để tạo sức mạnh tổng hợp trong phát triển du lịch bền vững, theo Phó Thủ tướng, các địa phương, các cấp các ngành liên quan cần chú ý đẩy mạnh công tác xã hội hóa, hợp tác công tư trong hoạt động và phát triển ngành du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân trên chính mảnh đất quê hương mình; góp phần giảm nghèo, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan, tạo diện mạo mới cho đất nước và quê hương.
 
Cùng với đó là chú trọng làm tốt, làm hay hơn nữa công tác thông tin, truyền thông - quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới bằng nhiều hình thức khác nhau; thực hiện hiệu quả phương châm "Mỗi người dân là một đại sứ du lịch"; chú trọng giới thiệu những địa danh nổi tiếng, những nét đặc trưng riêng có của thiên nhiên, văn hóa và con người Việt Nam, tạo nên sức hấp dẫn, độc đáo nhằm nâng cao tính cạnh tranh.
 
Phát triển du lịch xanh bền vững
 
Bình Thuận là tỉnh cực Nam của vùng Duyên hải miền Trung. Đi lên từ gian khó, Bình Thuận đã biết tận dụng các tiềm năng, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để vươn lên mạnh mẽ và đạt được những thành tựu quan trọng trên các hầu hết các lĩnh vực; trong đó, du lịch Bình Thuận đã có những bước chuyển mình kỳ diệu, dần trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
 
Bình Thuận là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, người dân thân thiện, nồng hậu và mến khách; nơi du khách được đắm mình trong khung cảnh quyến rũ của một Mũi Né "Biển xanh - Cát trắng - Nắng vàng" cùng những nét độc đáo, hoang sơ thuần khiết của bãi biển Cổ Thạch, Cù Lao Câu, đảo Phú Quý thấp thoáng bên những làng chài xinh đẹp và bình yên; được chiêm ngưỡng quần thể tháp Chăm PôshaInư cổ kính, linh thiêng; thăm Trường Dục Thanh - nơi Bác Hồ đã dừng chân dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước và cùng thả hồn trong những lời ca, điệu múa uyển chuyển của các lễ hội đặc sắc, đậm nét văn hóa truyền thống đã được các thế hệ người dân gìn giữ, lưu truyền, trở thành tài sản vô giá cho hôm nay và mai sau.
 
Với lợi thế đường bờ biển dài 192 km, có đảo Phú Quý, khu du lịch quốc gia Mũi Né, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng, môi trường tự nhiên thuận lợi, Bình Thuận hội tụ đủ yếu tố để phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, tham quan dã ngoại, du lịch thể thao giải trí trên biển, trên đồi cát, du lịch mạo hiểm, thám hiểm hệ động, thực vật dưới biển, du lịch văn hóa, tín ngưỡng gắn với các di tích lịch sử - văn hóa và các lễ hội truyền thống đặc sắc như Lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Katê, lễ hội Dinh Thầy Thím, lễ hội Cầu ngư, lễ hội Trung thu...
 
Bình Thuận hội tụ đủ yếu tố để phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng (Ảnh minh họa: Bầu Sen)
 
Bình Thuận cũng là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các địa phương vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; là giao điểm nối liền với các trung tâm du lịch lớn của khu vực phía Nam như Nha Trang, Đà Lạt, TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu,... Trong quá trình phát triển du lịch, Bình Thuận đã tận dụng những đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như "nắng, gió, cát trắng" thành những lợi thế phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nghỉ dưỡng, du lịch golf…
 
Việc Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023 mở ra cơ hội để địa phương quảng bá và giới thiệu hình ảnh, con người, xã hội, văn hóa và thiên nhiên độc đáo, đa màu sắc; thông qua đó chứng minh tiềm năng trở thành địa phương trọng tâm phát triển kinh tế toàn quốc với ngành du lịch đang chuyển mình mạnh mẽ. Chuỗi hoạt động thuộc sự kiện Năm Du lịch Quốc gia 2023 lấy "Hội tụ xanh" làm chủ đề xuyên suốt, thể hiện kỳ vọng của ngành Du lịch Việt Nam: Hội tụ, phát huy và quảng bá hiệu quả, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng. 
 
Theo VTV.vn
 

.