Người có công trong khởi nghĩa Cần Vương

09:02, 19/02/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trần Tu (? - 1885) là nhân vật xuất hiện trong khởi nghĩa Cần Vương nổi tiếng ở Quảng Ngãi năm 1885. Lâu nay ít người biết về ông, bởi nguồn sử liệu rất hiếm.
 
[links()]
 
Sách “Đại Nam thực lục” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn có chép về cuộc khởi nghĩa Cần Vương ở Quảng Ngãi sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn và hạ chiếu Cần Vương, trong đó có nhắc đến Hiệp quản là Trần Tu. Cho đến nay, các thủ lĩnh của khởi nghĩa Cần Vương là Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân được biết đến nhiều, còn Trần Tu gần như quá ít ỏi, thậm chí không biết gốc tích ở đâu. Tại Hội thảo quốc gia Lê Trung Đình và phong trào Cần Vương Quảng Ngãi do Viện Sử học Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức năm 1996, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu uy tín trong nước, Trần Tu cũng chỉ được biết đến qua một đoạn trích ngắn trong sách “Đại Nam thực lục” mà không có thêm chi tiết gì khác.
 
Ông Trần Phong, cháu gọi Trần Tu bằng ông cố, bên ngôi mộ Hiệp quản Trần Tu mới xây dựng lại năm 2017. ẢNH: CAO CHƯ
Ông Trần Phong, cháu gọi Trần Tu bằng ông cố, bên ngôi mộ Hiệp quản Trần Tu mới xây dựng lại năm 2017. ẢNH: CAO CHƯ
Một dịp tình cờ tôi được biết Trần Tu quê làng Vạn Lộc, nay thuộc thôn Phước Lộc, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh). Tôi tìm đến nhà thờ họ Trần, gặp ông Trần Phong (82 tuổi), là cháu gọi Trần Tu bằng ông cố. Ông Phong cho biết, ông tổ họ Trần từ tỉnh Thái Bình vào đây lập nghiệp, tính đến nay đã 16 đời. Ông Trần Tu còn có tên là Trần Văn Ty (Tơ) thuộc đời thứ 7, kết hôn với bà Nguyễn Thị Cẩn, sinh hạ 7 con trai và 4 con gái. Ông giỏi cả văn lẫn võ, đậu cử nhân võ ở trường Bình Định và tú tài văn. Nhà khá giả nhưng sự học xưa kia lại thiếu thốn, đêm đêm ông bắt đom đóm làm ánh sáng để học. Truyền ngôn còn lưu truyền nhiều câu chuyện về sự tinh thông võ nghệ của ông Trần Tu, như khi ông tỷ thí với các thí sinh võ trường Bình Định, ông có thể nhảy vọt qua một ngôi nhà lớn, khi chưa làm quan ông ra tay nhận nước cảnh cáo một viên quan địa phương hách dịch mà viên quan nọ không dám trả thù. Chức Hiệp quản là chức quan võ, như phó chỉ huy quân sự của đội binh ở cấp tỉnh.
 
Khi Lê Trung Đình - Nguyễn Tự Tân kéo 3.000 hương binh Bình Sơn chiếm được thành Quảng Ngãi ngày 13/7/1885, bị Việt gian Nguyễn Thân kéo quân về, lập mưu chiếm lại thành 4 ngày sau (17/7/1885). Bắt Lê Trung Đình và các thủ lĩnh, riêng Trần Tu vẫn cố thủ, Nguyễn Thân không dám động đến. Nguyễn Thân bèn cho người về Phước Lộc bắt mẹ Trần Tu. Nguyễn Thân kề kiếm vào cổ bà, Trần Tu mới chịu buông gươm. Ông là một trong 7 thủ lĩnh bị Nguyễn Thân sát hại. Gia đình đưa thi hài ông về quê an táng.
 
Ngôi mộ của Trần Tu không biết được xây dựng năm nào, nhưng rõ là ngôi mộ cổ, xây bằng vôi vữa. Tấm bia không dùng đá mà dùng bằng vôi vữa nên trải qua thời gian đã tróc lở, không đọc được chữ, riêng hai vế đối chữ Hán ở hai bên còn rõ nét. Trải qua thời gian ngôi mộ bị sạt đổ, nên năm 2017 gia tộc xây dựng lại mộ và bia mới, ghi bằng chữ quốc ngữ.
 
Ngôi mộ của Hiệp quản Trần Tu khi chưa xây mới.  ẢNH: PV
Ngôi mộ của Hiệp quản Trần Tu khi chưa xây mới. ẢNH: PV
Cuộc khởi nghĩa Cần Vương do Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân lãnh đạo đánh chiếm thành Quảng Ngãi sẽ rất khó khăn nếu như không có người làm nội ứng mở cửa thành của Hiệp quản Trần Tu và Thành thủ úy Nguyễn Côn (nhân vật này hiện vẫn chưa rõ gốc tích). Nói cách khác, sở dĩ quân Cần Vương Quảng Ngãi nhanh chóng thắng lợi là vì có tiếp ứng với vai trò mấu chốt của Hiệp quản Trần Tu, với tư cách một quan võ của triều đình. Căn cứ chi tiết trong cuộc đời, hẳn Trần Tu đã âm thầm giao kết với các thủ lĩnh nghĩa quân Cần Vương Quảng Ngãi từ trước, trong bối cảnh các quan đầu tỉnh là quyền Bố chánh Lê Duy Thụy và quyền Án sát Nguyễn Văn Dụ đã tỏ rõ tư tưởng nằm chờ quân Pháp.
 
Hành động sẵn sàng xả thân của Trần Tu cho thấy, khi mở cửa thành làm nội ứng không phải là hành động mang tính bột phát nhất thời, mà có mối quan hệ sâu sắc từ trước với các thủ lĩnh nghĩa quân. Khởi nghĩa thất bại, ông đã hy sinh vì nước như các thủ lĩnh Cần Vương khác và được người đời truyền tụng, tên ông mới được chọn làm tên xã Tịnh Sơn sau Cách mạng tháng Tám 1945.
      
CAO CHƯ
 
 

.