Một cuốn sách quý về địa danh Quảng Ngãi

02:02, 19/02/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đọc sách "Quảng Ngãi - những địa danh ghi dấu qua ca dao, truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian vùng núi Ấn sông Trà", của nhà giáo, nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban, bạn đọc sẽ biết thêm nhiều điều thú vị về quê hương Quảng Ngãi, đặc biệt là Quảng Ngãi xưa. 
 
Sách "Quảng Ngãi - những địa danh ghi dấu qua ca dao, truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian vùng núi Ấn sông Trà" do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2019. Đây là loại sách sưu tầm, biên khảo, gồm có 542 trang. 
 
Ngay trong những trang đầu, tác giả đã cho chúng ta nhận biết sự thay đổi các đơn vị hành chính, các địa danh cách đây hàng trăm năm của tỉnh Quảng Ngãi qua các bản đồ cổ, như Quảng Ngãi toàn đồ (1832), An Nam đại quốc họa đồ (L.Taberd, 1838), “Tỉnh Quảng Ngãi” trong Đại Nam nhất thống chí (biên soạn thời Tự Đức, khắc in thời Duy Tân).
 
Sau chương 1, tác giả giúp bạn đọc có cái nhìn khái lược về diện mạo vùng đất núi Ấn - sông Trà qua các triều đại. Phần chính cuốn sách thuộc về chương 2 và chương 3.
 
Đọc chương 2, bạn đọc sẽ cảm thấy thú vị với nội dung về những câu ca dân gian, bài “Vè các lái”, truyện kể và các trang ghi chép về các địa danh Quảng Ngãi trong bộ sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776), hay các địa danh gắn liền với 10 thắng cảnh ở Quảng Ngãi mà Đạm Am Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767) có thơ vịnh, từ lúc làm Tuần vũ Quảng Ngãi năm 1750. Có thể có những câu chuyện mà nhiều người chưa biết, như vì sao lại có câu ca dân gian: “Tiếc công Bình Định xây thành/ Để cho Quảng Ngãi vô giành thủ khoa/ Tiếc công Quảng Ngãi đường xa/ Để cho Bình Định thủ khoa ba lần”. Để giải thích câu ca này, tác giả giới thiệu về trường thi Bình Định từ năm 1852 - 1918, với 21 khoa thi hương, trong đó Quảng Ngãi 11 lần có các sĩ tử đỗ thủ khoa, 9 lần đỗ á khoa.   
 
Nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban sinh năm 1942, tại xã Vĩnh Trung, TP.Nha Trang (Khánh Hòa). Sau khi tốt nghiệp Ban Việt - Hán, Trường Đại học Sư phạm Huế, ông về giảng dạy và làm quản lý một số trường THPT tại tỉnh Khánh Hòa. Ông đã nhận gần 30 giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và nhiều giải thưởng về văn học - nghệ thuật ở các địa phương.

Ở chương 3, tác giả trình bày các địa danh, hiệu danh trong tỉnh Quảng Ngãi qua ca dao, truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian địa phương, cùng các chú giải khá tường tận về một số địa danh, hiệu danh ở Quảng Ngãi trong nhiều câu tục ngữ, vè, các bài ca dao liên quan đến các huyện, thành phố trong tỉnh. Ví dụ để giải thích các địa danh trong câu “Sa Cần, Châu Ổ bao xa/ Trước mũi cây Quýt, thiệt là Tổng Binh” trong bài “Hải môn ca”, tác giả đã sử dụng tư liệu từ các bộ chính sử, các tư liệu của các nhà nghiên cứu và bằng kiến giải riêng để giải thích địa danh này, qua nguồn gốc chữ Hán, chữ Nôm của từng từ “Châu” và “Ổ”, cũng như địa danh Vũng Quýt, Tổng Binh và các địa danh, hiệu danh gắn liền với khu vực cửa biển Sa Cần. Để giải thích các địa danh trong câu ca “Chim mía Xuân Phổ/ Cá bống sông Trà/ Kẹo gương Thu Xà/ Mạch nha Mộ Đức”, tác giả đã giải thích nguồn gốc các địa danh như Xuân Phổ, đặc biệt là về Thu Xà. Để giải thích địa danh Thu Xà, tác giả giới thiệu khá kỹ về lịch sử hình thành phố cổ Thu Xà, từ những ghi chép của Quốc sử quán Triều Nguyễn trong Đại Nam nhất thống chí, đến những ghi chép của A.Bonhomme trong bài “Đền Chiêu ứng”, in trong tập san Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H) tập I, năm 1914 và bài “Tỉnh Quảng Ngãi” của A.Laborde, cũng trên tập san này, vào năm 1925 (tập XII).

 
Phần cuối là Bảng “Sách dẫn địa danh, hiệu danh” đã được chú giải trong tập sách khá công phu và chú thích thêm về địa điểm, hình thái địa danh, hiệu danh, nằm trong những câu ca dao, tục ngữ, đặc điểm sản vật, nhân vật lịch sử có trong địa danh, hiệu danh đó.
 
Nhìn một cách tổng quát, sách "Quảng Ngãi - những địa danh ghi dấu qua ca dao, truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian vùng núi Ấn sông Trà" là một cuốn sách được tập hợp từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, cả tư liệu điền dã, khá phong phú, được hệ thống lại theo cách nhìn của tác giả, có phân tích, đánh giá, có chú giải một số địa danh tương đối tường tận. Đây là một tập sách dễ đọc, dễ tra cứu, giúp ích cho những người quan tâm đến lịch sử, văn hóa, đặc biệt là về các địa danh vùng đất núi Ấn - sông Trà.
 
NGUYỄN ĐĂNG VŨ
 
 

.