(Báo Quảng Ngãi)- Trong một dịp tình cờ tôi gặp PGS, TS Huỳnh Ngọc Sang và được anh tặng cuốn sách mà anh là tác giả với nhan đề "Góp mật cho đời". Cuốn sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2022, dày 250 trang, đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc.
Tiếp xúc với Huỳnh Ngọc Sang, với phong cách lịch lãm và dáng vẻ trí thức của anh, không ai ngờ cuộc đời anh là cả một quá trình vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, có khi thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Huỳnh Ngọc Sang sinh năm 1952 tại làng Tham Hội, xã Bình Thanh (Bình Sơn), là năm mà cái đói để lại những ký ức đau buồn quay quắt trong nhân dân vùng ven biển Quảng Ngãi. Làng Tham Hội tuy được tiếng là “nhiều lúa”, “gạo trì trì trắng ảu con cá trê vàng hườm”, nhưng đây là hồi kháng Pháp khó khăn đủ bề. Cha của Huỳnh Ngọc Sang tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công chính Đông Dương năm 1932, vào làm ở Nha Địa chính Nam Bộ rồi chuyển về làm Trưởng ty Địa chính Bình Định năm 1944.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông về Quảng Ngãi làm Trưởng ty Địa chính, có thời gian được điều động sang các công trường xây dựng ở Trung, Thượng Lào. Ông đi tập kết ra Bắc khi Huỳnh Ngọc Sang mới 2 tuổi. Huỳnh Ngọc Sang cùng anh chị ở lại quê với người mẹ tảo tần đảm đang, với quê hương Tham Hội, nhưng rồi cuộc chiến lại diễn ra, gia đình chịu đau thương, cay đắng. Năm 1966, quân Đại Hàn đến cắm chốt ở Tham Hội và người mẹ thân yêu cùng nhiều người dân trong làng đã bị bọn lính đánh thuê bắn chết một cách dã man, còn Huỳnh Ngọc Sang nhờ chui vào trong lu mắm mà thoát chết. Anh nếm đủ mùi gian khổ, nỗ lực đi học trung học ở thị xã Quảng Ngãi, vào Sài Gòn học đại học, làm nghề bắt ống nước kiếm sống, học hành và tham gia hoạt động cách mạng cho đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất, rồi gặp lại cha. Sau tốt nghiệp đại học, anh giảng dạy ở Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, rồi làm Trưởng khoa trước khi nghỉ hưu.
Dù đạt tới danh vọng cao nhưng trong suốt cuốn tự truyện của mình, Huỳnh Ngọc Sang không lấy đó làm tự mãn. Ngay cả cái nhan đề cuốn sách "Góp mật cho đời" cũng cho thấy điều giản dị khiêm tốn ở nơi anh. Có lẽ anh quan niệm rằng, mình cũng chỉ là một con ong chăm chỉ hút mật, góp phần cho cuộc sống thêm tươi đẹp. Một cuốn tự truyện nói lên ý chí của một người trai trẻ đã vượt qua nhiều gian khổ, hiểm nguy và hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh để vươn lên. Ở đó anh không đơn độc. Bên cạnh người mẹ tảo tần còn có những người hàng xóm tốt bụng, những người anh, người chị cưu mang, những người bà con đầy tình nghĩa, những người bạn chân tình. Anh có động lực lớn từ người cha nhân ái, bao dung, người ông với ý chí cao từ xưa truyền lại là ông Huỳnh Toản, đỗ cử nhân năm 1870, từng làm quan Án sát tỉnh Phú Yên với tấm gương vượt khó được người đời truyền tụng như một huyền thoại. Quê hương, với ngôi nhà thờ, với khu mộ của ông bà cũng nhiều lần láy đi láy lại ở các trang viết.
Có cảm giác Huỳnh Ngọc Sang viết "Góp mật cho đời" cũng là sự đáp nghĩa với quê hương. Quê anh làng Tham Hội gắn với tuổi thơ ngày đầu tiên đi học, với những buổi đi chăn trâu, với cây cối, đồi núi, đồng ruộng, làng quê, với những con người hiền hòa, chất phác hiện lên khá chân thực và sinh động trong những trang viết của anh. Cả khi quê hương mới bùng lên chiến sự, rồi chiến thắng Ba Gia, chiến thắng Vạn Tường, cảnh quê hương trở nên điêu tàn, người dân bị giết hại... là những gì Huỳnh Ngọc Sang đã trải qua, lắng đọng trong ký ức. Do vậy, đọc "Góp mật cho đời", bạn đọc không chỉ biết về tác giả mà còn hiểu hơn về bối cảnh của làng Tham Hội, xã Bình Thanh nói riêng, hay thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn và thị xã Quảng Ngãi nói chung trong những ngày chiến tranh ác liệt trước năm 1975. Với thế hệ sau, sinh ra và lớn lên trong hòa bình, được biết những điều như vậy cũng thật hữu ích. Ý chí vượt khó vươn lên như một bài học quý giá của mỗi đời người, nhất là với lớp trẻ.
Huỳnh Ngọc Sang là nhà khoa học, nên văn anh không cầu kỳ kiểu cách, mà chú trọng tính chân thực và chính sự chân thực này tự nó toát lên nhiều xúc cảm. Tôi rất thích đọc sách của các nhà khoa học tự nhiên như anh Huỳnh Ngọc Sang viết văn có lẽ cũng bởi điều này.
CAO CHƯ