(Báo Quảng Ngãi)- Với xu hướng phát triển của du lịch cộng đồng, nhiều nông dân ở các địa phương trong tỉnh tham gia làm du lịch. Đây là hướng đi giúp ngành du lịch Quảng Ngãi có thêm sản phẩm du lịch mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
[links()]
Đưa vào khai thác từ năm 2019, Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, ở thôn Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), được biết đến là một điểm du lịch hoang sơ, hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Tại đây, 37 thành viên hộ gia đình nông dân đã hình thành các tổ dịch vụ như homestay, ăn uống, chèo thuyền... Đến Gò Cỏ, du khách được thưởng thức các món đặc sản từ biển, được nghe hát bài chòi, hát hố, sắc bùa, đặc biệt là hòa mình trong không gian thanh bình, yên ả của làng quê. Bà Nguyễn Thị Đào, người dân ở làng Gò Cỏ cho biết, từ một người nông dân chân lấm tay bùn, nay chúng tôi được học cách làm du lịch, học các kỹ năng, học tiếng Anh cơ bản để giao tiếp với du khách quốc tế...
Đầm An Khê, ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ), cũng là điểm đến hấp dẫn du khách. Đây là đầm nước tự nhiên lớn nhất tỉnh. Quanh khu vực đầm là những di chỉ có giá trị của nền văn hóa Sa Huỳnh như di chỉ Phú Khương, di chỉ Thạnh Đức và di chỉ Long Thạnh. Tham quan du lịch đầm An Khê, du khách có cơ hội trải nghiệm, thưởng thức những món ăn đậm chất dân dã, truyền thống do chính tay người dân địa phương chế biến. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm chèo thuyền dạo quanh đầm và tham quan Khu bảo tồn di tích văn hóa Sa Huỳnh. Ông Hồ Văn Làm, ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh chia sẻ, là thành viên của đội chèo thuyền, mỗi khi có du khách tham quan, anh em trong đội sắp xếp phục vụ. Hy vọng thời gian tới hoạt động du lịch trải nghiệm tại đầm An Khê ngày càng phát triển hơn để người dân có thêm thu nhập.
Học sinh được các nông dân phục vụ trải nghiệm vườn cây ăn quả ở Làng du lịch cộng đồng Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành). Ảnh: Trí Phong |
Một trong những điểm đến thú vị, thu hút nhiều khách du lịch trong thời gian gần đây là rừng dừa nước Cà Ninh, ở thôn Phú Long 3, xã Bình Phước (Bình Sơn). Rừng dừa nước Cà Ninh có diện tích hơn 100ha. Hiện nay, có gần 20 hộ dân địa phương tham gia làm du lịch, phục vụ nhu cầu du khách đến tham quan và trải nghiệm tại rừng dừa nước. Chủ tịch UBND xã Bình Phước Nguyễn Đức Sơn cho biết, chính quyền địa phương đang vận động người dân cùng nhau bảo tồn rừng dừa nước và nguồn lợi thủy sản trong khu vực, để phát triển du lịch cộng đồng, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Sản phẩm chè tươi của đồng bào Hrê ở huyện Minh Long được bán tại các hoạt động, sự kiện du lịch của tỉnh. Ảnh: Trí Phong |
Để các hoạt động du lịch nông nghiệp mang tính ổn định và lâu dài, Sở VH-TT&DL tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân. Trong đó, chú trọng tập huấn cho người dân kỹ năng phục vụ khách du lịch; xây dựng hình ảnh du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, để góp phần thúc đẩy du lịch Quảng Ngãi phát triển bền vững.
TRÍ PHONG