Làng gốm mộc nỗ lực chuyển mình

03:07, 24/07/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Từ bao đời nay, những sản phẩm mộc mạc ở làng gốm Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) vẫn rất được thị trường ưa chuộng. Các hộ làm nghề nơi đây đang nỗ lực để gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống trước nhiều khó khăn, thách thức.
[links()]
Lưu giữ vết tích của nền Văn hóa Sa Huỳnh
 
Làng gốm Phổ Khánh tập trung ở thôn Trung Sơn và Vĩnh An, nằm ngay bên cạnh đầm nước ngọt cạnh biển lớn nhất Việt Nam là đầm An Khê. Từ hàng nghìn năm trước, người dân địa phương đã biết tận dụng nguồn nước trong lành hòa với đất sét để làm nên những sản phẩm gốm mộc độc đáo. Đây cũng chính là cái nôi khai sinh ra nền văn hóa đặc sắc, Văn hóa Sa Huỳnh.
Mộ chum bằng gốm, nét đặc trưng của nền Văn hóa Sa Huỳnh.
Mộ chum bằng gốm, nét đặc trưng của nền Văn hóa Sa Huỳnh.
Là nền văn hóa cổ có niên đại cách đây 3.500-2.000 năm, Văn hóa Sa Huỳnh có đặc trưng là táng thức mộ chum được làm bằng gốm thuộc giai đoạn gốm tiền sử trong tiến trình gốm sứ Việt Nam.
 
Đồ gốm Sa Huỳnh phong phú về loại hình, đa dạng về kiểu dáng và nguồn nguyên liệu được lấy ngay tại nơi cư dân Sa Huỳnh cư trú. Đó là các loại hình chum, nồi, bình, bát đĩa… với phong cách chế tác đồ gốm độc đáo, thể hiện văn hoá của các cư dân vùng duyên hải Việt Nam từ hậu kỳ đá mới đến thời đại sắt sớm. Nằm ngay vùng lõi của không gian Văn hóa Sa Huỳnh, làng gốm Phổ Khánh đã trải qua thăng trầm, vẫn giữ được nét độc đáo của nghề truyền thống gắn với nền văn hóa cổ.
Làng gốm mộc Phổ Khánh với những sản phẩm mang nét đặc trưng riêng của một nền văn hóa cổ.
Làng gốm mộc Phổ Khánh với những sản phẩm mang nét đặc trưng riêng của một nền văn hóa cổ.
Những người cao tuổi trong làng không còn nhớ nghề gốm được bắt đầu từ đâu. Thời đó, nhà nhà, người người trong thôn, từ già đến trẻ đều biết làm gốm. Bà Đặng Thị Mỹ, người có kinh nghiệm làm gốm hơn 40 năm tại thôn Vĩnh An cho biết, mỗi công đoạn đều phải đúng kỹ thuật.
 
Người thợ phải biết pha trộn nguyên liệu đất sét theo tỷ lệ 2 đất xanh, 8 đất vàng rồi nhào nặn, chuốt đều, công phu, tỉ mẩn mới tạo ra được sản phẩm đẹp và bền. Để có được sản phẩm vừa thanh và chín đều, vừa đẹp lại vừa bền, người thợ phải thận trọng trong từng công đoạn.
 
“Trước hết là phải chọn đất sét vàng, đất sét xanh đem về phơi thật khô rồi đập, sàng lấy đất mịn, nhào nặn, tạo hình, chuốt, phơi khô rồi đem nung. Gốm Phổ Khánh hoàn toàn là gốm mộc, không sử dụng một loại nước men nào. Để có mẻ gốm đạt chất lượng, người thợ phải biết cách xem lửa và dừng đúng lúc. Thông thường, thời gian nung sẽ kéo dài từ 14 đến 24 tiếng”, bà Mỹ chia sẻ.
 
Nỗ lực chuyển mình
 
Nghề gốm giờ không còn hưng thịnh như xưa, nhưng các thế hệ người làm gốm vẫn đau đáu một niềm gìn giữ nghiệp tổ của cha ông. Nhiều lò nung ngày đêm đỏ lửa để cho ra những sản gốm. Trước sự phát triển của đồ men, sứ, làng gốm có nguy cơ bị thất truyền. Anh Nguyễn Tấn Hợp là một trong hai hộ dân ở phường Phổ Khánh đã cố gắng vượt qua nhiều khó khăn để giữ lấy nghề xưa.
Những sản phẩm gốm mộc đang được tiếp thêm sức mạnh để đứng vững trên thị trường.
Những sản phẩm gốm mộc đang được tiếp thêm sức mạnh để đứng vững trên thị trường.
Để giảm thời gian sản xuất ra sản phẩm, tăng năng suất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, anh Nguyễn Tấn Hợp sử dụng nguyên lý quay của chiếc bàn xoay, dùng khuôn thạch cao để tạo hình sản phẩm. Những chiếc nồi đất làm từ máy đều tăm tắp, năng suất một ngày gấp đôi, gấp ba lần trước kia.
 
Anh Hợp cho biết, trước kia, tôi luôn tâm đắc với nghề gốm. Nhưng làm theo cách cũ thì khó đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng về chất lượng và số lượng. Một người thợ lành nghề mỗi ngày chỉ làm được khoảng 70-90 sản phẩm. Nay nhờ cải tiến ở khâu tạo hình sản phẩm có khuôn, có máy, mỗi ngày, họ có thể làm được 200 sản phẩm với chất lượng vẫn được đảm bảo.
 
Còn anh Lê Phương Nam tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, nhưng quyết định bỏ phố về quê nối nghiệp cha. Cùng áp dụng mô hình hiện đại, gốm tại lò của anh tuy không có tên nhưng hoạt động không nghỉ. Lò gốm của anh Nam đã quy tụ được một số thợ lành nghề. Những người thợ này đến với nghề để mưu sinh và cũng góp phần giữ lấy nghề xưa mà cha ông mình đã từng gắn bó qua nhiều thế kỷ.
 
Vừa duy trì sản xuất bằng máy vừa nhận chuốt hàng thủ công, anh Lê Phương Nam chia sẻ, đây là nghề của cha ông để lại, anh muốn thợ vẫn giữ được nghề truyền thống này. Đối với việc nặn, chuốt thủ công, anh chỉ làm theo đơn đặt hàng bởi đó là những sản phẩm hình dáng khác thường.
Gốm mộc sau khi được nung đủ thời gian lên màu rất đẹp.
Gốm mộc sau khi được nung đủ thời gian lên màu rất đẹp.
Với các loại sản phẩm gốm thông dụng, anh cho đúc khuôn với hình thức khá đẹp, đồng đều, da gốm láng mịn. Hình thức sản phẩm gốm bền đẹp, giá trị sử dụng cao, giữ được nét văn hóa truyền thồng nên khách hàng khắp các tỉnh, thành trong cả nước ưa chuộng, đặt hàng.
 
Làng gốm nổi tiếng với sản phẩm đồ gốm gia dụng như: Nồi niêu, trách, trả, khuôn bánh xèo... Thời hưng thịnh, làng gốm Phổ Khánh có hơn 300 hộ dân làm nghề. Hiện, làng chỉ còn 10 hộ làm nghề, trong đó có hai lò gốm lớn của anh Nguyễn Tấn Hợp và anh Lê Phương Nam. Thu nhập tuy không cao nhưng họ vẫn quyết tâm giữ nghề truyền thống.
 
Chủ tịch UBND xa Phổ Khánh Phạm Kim Oanh cho rằng, tỉnh công nhận là làng gốm truyền thống nhưng làng gốm Phổ Khánh chưa có thương hiệu. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm để gốm Phổ Khánh có thương hiệu cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ để phát triển du lịch kết nối giữa di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh, đầm An Khê, ruộng muối và làng gốm. Đến nay, gốm Phổ Khánh đã có thị trường tiêu thụ ổn định, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.
 
“Để giữ gìn, phát triển nghề truyền thống này, UBND xã Phổ Khánh đã đăng ký đây là sản phẩm OCOP. Chính quyền địa phương vận động người dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; khuyến khích người dân duy trì sản xuất thủ công đồng thời với sản xuất bằng máy để vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường vừa gìn giữ nghiệp tổ”, ông Oanh cho biết.
 
Qua bao nhiêu thăng trầm, nay làng gốm Phổ Khánh đã thay áo và chuyển mình để hội nhập. Những sản phẩm gốm mộc mang hồn cốt của nền văn hóa xa xưa mang sứ mệnh kết nối với hiện tại ra thị trường lớn. Sự nhiệt huyết, yêu nghề của những người nơi đây đã cho gốm một liều thuốc tái sinh để vươn mình trở dậy.
 
Bài, ảnh: T.VƯƠNG

 


.