(Báo Quảng Ngãi)- Cũng như nhiều nhà thơ trong cả nước, đề tài về Bác Hồ được các nhà thơ ở Quảng Ngãi phản ánh một cách đa dạng, đậm nét qua nhiều tác phẩm, với lòng tôn kính và tình yêu sâu sắc đối với Bác.
Ngay từ thuở thiếu thời, Nguyễn Tất Thành đã là một con người mang ý chí tự lực. Trong những năm tháng đất nước khó khăn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã kiên quyết ra đi tìm đường cứu nước. Sự kiện trọng đại này được nhà thơ Thanh Thảo khắc họa: “Anh định đi đâu?/ - Tôi đi tìm một con đường./ - Để dập tắt đám cháy/ - Cỏ vẫn mọc./ - Nhưng đại dương cuồng nộ, bến bờ thì mờ mịt…/ - Đây là hai bàn tay tôi./ - Người thanh niên giơ hai bàn tay nhỏ nhắn nhưng cứng cỏi. Hai bàn tay lớn dần, lớn dần che kín toàn cảnh. Giữa lòng bàn tay như biển cả, người ta thấy tàu “Đô đốc La-tút-sơ Trê-vi-lơ” nhổ neo” (Cỏ vẫn mọc).
Đó là một quyết định táo bạo và dứt khoát trước những câu hỏi lớn đặt ra. Và sau đó là cả một chặng đường gian khổ, khó khăn đi tìm đường cứu nước. Cuối cùng, Người đã tìm đến chủ nghĩa Mác-Lênin: “Nối tiếp con đường gian khổ, thác, ghềnh/ Bác Hồ chúng ta, vượt trên sóng cả/ Đi khắp năm châu - bạn… người cùng khổ/ Đến với Lênin - sáng tỏ cung đường” (Con đường ta đi - Hồng Mão). Đi theo con đường Người đã chọn, toàn dân tộc đã hướng về ngọn cờ của Đảng tiên phong để quyết tâm làm cách mạng cho dù đang bị thực dân giam hãm tại các nhà tù. Ngày 11/3/1945, những người tù ở Căng an trí Ba Tơ đã nhất tề vùng dậy bằng cả sức mạnh của lòng căm thù: “Bỗng thấy thời gian trôi vùn vụt/ Cái thời gian chậm chạp của người tù/ Ngoài kia thư Nguyễn Ái Quốc đã về/ “Dân ta có tội tình gì mà phải kiếp trầm luân dường ấy?”/ Những cánh rừng đứng dậy” (Bùng nổ của mùa xuân- Thanh Thảo). Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, Người đã công bố bản “Tuyên ngôn Độc lập” đầy hào khí trước quốc dân, đồng bào và thế giới: “Giọng Bác vang lên, bản hùng ca “Tuyên ngôn Độc lập”/ Khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…" (Ơn Đảng, lòng dân - Thảo Nguyên).
Với Người, sức mạnh tự lực, tự cường của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân là yếu tố quyết định cho mọi thắng lợi trên con đường làm cách mạng. Bác là trung tâm của tinh thần đoàn kết toàn dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo: “Tư tưởng Bác Hồ” sáng ngời chân lý/ Lương Giáo, Thượng Kinh ai nấy chung đò” (Nhờ ơn Bác Hồ - Đặng Phú Hà). Theo Bác từ những ngày đầu cách mạng, tư tưởng độc lập, tự do, thống nhất nước nhà luôn thường trực trong tâm khảm của nhà thơ Tế Hanh: “Đời từ gặp Bác vui thêm/ Con đường thấy Bác ngày đêm rộn ràng/ Hà Nội đến mục Nam quan/ Nối liền lòng thợ Bắc Nam chúng mình/ Đường ta đường của hoà bình/ Đường ta đường nghĩa, đường tình bền lâu” (Nối liền Bắc Nam).
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc luôn gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Giành được độc lập rồi, toàn dân quyết chung tay “xây nước Việt hùng cường”: “Tuân lời Bác triệu người như một/ Cùng chung tay xây nước Việt hùng cường” (Ơn Đảng, lòng dân - Thảo Nguyên). Thắng lợi Điện Biên Phủ (1954), miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng/ Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển”/ Lời dạy của Người còn mãi với thời gian” (Nhớ mãi lời Bác dạy - Lê Văn Thuận). Đối với Bác, niềm vui hay nỗi buồn của Người luôn xuất phát từ lợi ích của Tổ quốc, từ lợi ích của nhân dân. Bác vui khi thấy người dân no đủ, buồn khi thấy đất nước còn chia cắt: “Bác vui khi thấy dân cày/ Có cơm, có ruộng, bồ đầy thóc thơm/ Bác buồn khi thấy nước non/ Hai miền Nam - Bắc vẫn còn cắt chia” (Bác Hồ sống mãi trong lòng miền Nam - Hồng Mão).
Sinh thời, Bác rất quan tâm đến thế hệ trẻ. Người từng nhắc nhở: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và cần thiết”: “Thiếu nhi như lửa mới nhen/ Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu”/ Đây lời Bác Hồ kính yêu/ Bác lo chăm sóc mọi điều trẻ thơ” (Bác Hồ thương trăng mọc - Vũ Hải Đoàn). Đó là sự nghiệp “trồng người” mà vai trò người thầy giáo vô cùng quan trọng: “Bác nhủ chúng con chuyện lâu dài/ Dốc lòng đào tạo lớp mai sau/ “Hồng, chuyên” hai chữ thâm tình nghĩa/ Nối nghiệp ông cha trọn đức tài” (Nhớ Bác Hồ - Minh Tân).
Người luôn nhắc nhở, đã làm người cách mạng thì lời nói phải đi đôi với việc làm. Trăm ngàn lời nói suông dẫu có hay ho bao nhiêu vẫn không bằng một hành động nêu gương tiêu biểu của bản thân mình. Và chính Bác là tấm gương sáng về “nói đi đôi với làm”, nêu gương cần, kiệm... “Bác rằng: “Chủ tịch nước mà!/ Vẫn mặc áo vá - ấy là phúc dân/ Bác nêu gương sáng kiệm, cần/ Để xây dựng nước cho dân thoát nghèo” (Chủ tịch nước mặc áo vá - Vũ Hải Đoàn).
Đạo đức Hồ Chí Minh tỏa sáng tinh thần “lo trước, vui sau”. Người bôn ba tìm đường cứu nước là lo cho vận nước lúc gian nan. Người hy sinh cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp kháng chiến, giành độc lập, tự do cho toàn dân tộc. Đất nước thanh bình, nhân dân được hưởng niềm vui thì người cộng sản cùng hòa vào niềm vui chung của nhân dân mà vui cùng. Chỉ có như thế, dân nước mới hồi sinh, tương lai dân tộc mới vững bền, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc: “Theo gương Bác cùng vui sau lo trước/ Quyết hồi sinh hình đất nước nhiệm màu” (Theo gương Bác đi tìm hình đất nước - Nguyễn Ngọc Hưng).
Cuối cùng, xin mượn hai câu thơ lục bát chan chứa ân tình của nhà thơ Vũ Hải Đoàn để nói lên tình cảm sâu nặng đối với Bác Hồ: “Tiếc rằng Bác đã đi xa/ Quê hương núi Ấn - sông Trà nhớ thương” (Bác vẫn trong tim - Vũ Hải Đoàn).
MAI BÁ ẤN