(Baoquangngai.vn)- Trải qua bao phong ba bão tố và sự tàn phá của chiến tranh, lăng vạn Thanh Thủy, ở xã Bình Hải (Bình Sơn) vẫn sừng sững bên bờ biển trong xanh,
giữ được nét cổ xưa hiếm có và những giá trị văn hóa đặc sắc.
Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, di tích này ngày càng kiên cố hơn. Đó là nhờ vào ý thức và trách nhiệm của nhiều thế hệ cư dân làng chài Thanh Thủy.
Kế thừa “tục xưa, nếp cũ”
Lăng vạn Thanh Thủy ở xã Bình Hải (Bình Sơn). Người dân địa phương còn gọi là lăng vạn Nước Ngọt, lăng Ông, nằm ẩn mình trên mom cát cao, được che chắn bởi những hàng cây dương liễu. Mặt trước của lăng hướng ra biển với khung cảnh thơ mộng, yên bình.
Đứng từ cửa lăng nhìn ra, ông Nguyễn Thanh Tâm (66 tuổi), ngụ ở xóm Hải Hòa, nở nụ cười hiền hậu đón khách. Ông Tâm đã có hai nhiệm kỳ làm chủ vạn, kế thừa trách nhiệm lớn lao của hơn 30 đời chủ vạn trước đây. Đây cũng là niềm vinh dự và tự hào của bản thân ông. Bởi lẽ, để duy trì vị trí này nhiều năm, ông phải là người có uy tín ở làng chài, có đức độ và am hiểu các giá trị văn hóa ở lăng vạn mới được đề bạt.
|
Lăng vạn Thanh Thủy có ý nghĩa rất lớn trong đời sống của người dân địa phương. |
Ông Tâm cho hay, hiện ở lăng vạn có hai quách đựng di cốt cá Ông (thần Nam Hải), cá Bà và được thờ cúng trang nghiêm. Nơi đây còn thờ các bậc tiền hiền đã khai cư, tạo dựng cơ nghiệp cho con cháu đời sau; những vong hồn không nơi thờ tự, hương khói, ngư dân gặp nạn trên biển...
“Ban tế tự gồm có chủ tế, phó tế, thủ tự, chấp sự, xướng lễ, điển văn, người đánh trống chiêng, đội múa dầm, múa gươm, hát bả trạo... Vào mỗi dịp lễ, mỗi người đều cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình theo nhiệm vụ, trách nhiệm mà sổ sách đã lưu lại, các thế hệ đi trước đã hướng dẫn. Đó cũng là một cách để gìn giữ những tục xưa, nếp cũ trường tồn theo thời gian”. Ông NGUYỄN THANH TÂM (66 tuổi), ngụ ở xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn). |
Ngoài ra, lăng vạn còn lưu giữ 6 bản sắc phong thời Nguyễn và các liễn đối chứa đựng nhiều giá trị lịch sử. Bên trong lăng, nội thất chánh điện vẫn còn vẹn nguyên với lối kiến trúc cổ xưa, có tính nghệ thuật cao. Là một chủ vạn, bản thân ông Tâm đề cao trách nhiệm của người đi đầu, gắn kết những cư dân ở làng chài, cùng nhau bảo vệ những phong tục, tập quán tốt đẹp, những hiện vật quý giá còn lưu giữ.
Vào dịp lễ vía thần Nam Hải, tưởng nhớ ngày cá Ông lụy vào bờ, dù bận rộn đến đâu, ông Tâm và các bổn vạn đều sắp xếp thời gian, tề tựu về lo việc chung cho lăng vạn. Nghi lễ được tổ chức trang nghiêm, đầy màu sắc, thể hiện niềm tin, lòng tôn kính của những lao động trên biển với thần Nam Hải, đồng thời thể hiện nét đẹp văn hóa của cư dân địa phương.
|
Các giá trị văn hóa đặc trưng ở lăng vạn Thanh Thủy từ bao đời nay vẫn được người dân gìn giữ. |
Nguyện làm “tôi tớ” cho thần Nam Hải
Đến giờ, ông Huỳnh Nga (58 tuổi), thành viên trong Ban Quản lý lăng vạn Thanh Thủy vẫn không quên lần gặp nạn vào năm 2002. Ngày đó, ông và các bạn thuyền đang đánh bắt trên cửa biển Sa Cần nhưng thuyền không may bị chết máy. Tính mạng tưởng chừng bỏ lại nơi biển khơi do bị nuốt chửng bởi con sóng dữ trong mùa biển động. Ông liền đặt niềm tin vào thần Nam Hải và nguyện cầu. Điều ông mong như ứng nghiệm khi có một tàu thuyền nơi khác liền đến cứu kịp thời.
|
Ông Huỳnh Nga (bên trong) là người dành nhiều tâm huyết cho lăng vạn Thanh Thủy. |
Ông Nga bảo, thần Nam Hải đã trở thành một điểm tựa về tâm linh để ông và bạn thuyền vững tâm vươn khơi mỗi chuyến biển. Từ lần được cứu nạn đó, ông nguyện một đời làm “tôi tớ” cho lăng vạn và thần Nam Hải bằng tất cả tâm huyết, tấm lòng để trả ơn ân nhân. Hiện nay, ông là người giữ vai trò quan trọng trong công tác ngoại giao để vận động, quyên góp, trùng tu lăng vạn hằng năm.
"Người dân hết sức phấn khởi khi lăng vạn Thanh Thủy ngày càng có nhiều người biết đến. Khu vực này đã và đang được đầu tư, quan tâm để phát triển du lịch. Tuy nhiên, các cấp chính quyền cần sớm có định hướng, quy hoạch cụ thể đối với diện tích xung quanh lăng vạn để thuận tiện hơn trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, góp phần phát triển du lịch ở làng chài; tránh tình trạng chiếm dụng đất trái phép, xâm hại đến di tích. Thực tế, tình trạng này cũng đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng chính quyền địa phương chưa vào cuộc. Đây cũng là nỗi trăn trở lớn nhất của người dân làng chài hiện nay".
Ông HUỲNH NGA-
Phó Ban Quản lý lăng vạn Thanh Thủy
|
"Vào lần trùng tu, sửa chữa mới đây, để lăng vạn được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2017, có thời điểm ngư dân địa phương ồ ạt khai thác rong mơ, thu về vài triệu đồng mỗi ngày tôi cũng chẳng màng đến. Trong nhiều tháng liền, tôi tình nguyện có mặt ở di tích để giám sát việc thi công các hạng mục được tôn tạo", ông Nga cho hay.
Không chỉ ông Nga, người dân làng chài, cùng các thành viên trong Ban Quản lý lăng vạn Thanh Thủy, chủ vạn đều ý thức rất rõ việc tôn tạo, bảo vệ lăng. Bằng khả năng của chính mình, mỗi người tự đóng góp hoặc huy động kinh phí để gây quỹ thường niên. Có năm, các thành viên huy động được gần 200 triệu đồng để làm lại mái, sửa chữa sân và một số hạng mục khác. Người không có tiền của thì góp công, tình nguyện quét dọn, trông coi di tích, khiêng đá làm kè chắn sóng, bảo vệ di tích...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL, dọc ven biển Quảng Ngãi có nhiều lăng thờ cá Ông. Cá Ông thờ ở lăng vạn Thanh Thủy là một trong những cá Ông có kích cỡ lớn nhất. Điều đặc biệt là, ngoài kiến trúc, không gian cổ xưa hiếm có thì các nghi thức lễ tế, hát bả trạo, múa gươm… vẫn còn giữ vẹn nguyên giá trị trong các dịp lễ cúng ở lăng vạn.
Bài, ảnh:
THIÊN HẬU