(Báo Quảng Ngãi)- Cách nay 30 năm, trong tập “Truyện cổ Co” của Vũ Hùng (NXB Đà Nẵng, 1992) có truyện “Cái nhà dài mãi”. Truyện kể rằng người Cor nguyên ở trong hang đá, đi săn được con nai thì con cọp tranh giành bảo là của nó, đe dọa giết luôn con người, nên người Cor mới nghĩ ra cách chặt cây dựng nhà cùng nhau ở chống thú dữ. Các gia đình cùng ở trong nhà chung (như xloup) ấy. Nhưng gia đình không cố định mà sinh sôi, thế là theo thời gian phải nối thêm, và “cái nhà dài mãi”.
[links()]
Vì sao gọi là nhà làng
Tục xưa kể rằng, tất cả mọi người trong làng quây quần, cùng sống, cùng sinh hoạt trong một ngôi nhà duy nhất ấy nên gọi là nhà làng. Sống ở vùng sông núi chia cắt, rừng đại ngàn vây phủ cây cối rậm rịt và muông thú xung quanh, nên người Cor không dựng làng ở nơi đất thấp, mà dựng cheo leo trên sườn núi. Nhưng trật tự ở một “chung cư” ấy vẫn được tính toán kỹ lưỡng. Mặt bằng ngôi nhà hình chữ nhật, được cắt phần đầu hồi để làm hiên chung (a-tưl), còn lại chia dọc làm 3 phần. Phần hành lang chạy dọc giữa nhà gọi là truôk (nối hai cửa trước, sau) tách ngôi nhà làm ba gian: Gian không ngăn vách gọi là gưl, dùng sinh hoạt chung cho làng; đối với gưl qua truôk là tum, gồm các căn nhỏ được ngăn cho từng gia đình; mỗi căn như vậy có cửa mở vào truôk, phía lưng nhà có thể mở cửa nhỏ để trực tiếp đi xuống đất mà không cần vào truôk. Nếu tum dùng cho sinh hoạt riêng của từng gia đình, có bếp riêng để nấu nướng, chỗ ngủ nghỉ, thì gưl là phần sinh hoạt chung cho cả làng, có bố trí một số bếp chung.
Nhà làng cổ của người Cor ở xã Trà Thủy (Trà Bồng) được phục dựng năm 2005, nay không còn nữa. Ảnh: Cao Chư |
Ông chủ làng ở gian đầu hồi nhìn ra cổng làng. Mỗi khi có động (thú dữ, giặc cướp) thì gõ mỏ, các trai tráng trong làng cầm lấy ná, giáo, kéo cửa sổ lên nhìn ra ngoài, sẵn sàng chiến đấu. Khung nhà được dựng bằng cây rừng cứng chắc, sàn nhà lợp bằng lớp lồ ô đập giập, vách nhà được thưng bằng vỏ cây ươi, mái nhà thường lợp bằng mây, lá nón, không lợp bằng tranh vì tranh dễ bén lửa, đề phòng hỏa hoạn hoặc giặc cướp phóng hỏa. Ngoài ra, trên rẫy còn có chòi rẫy, lợp bằng lá bộp, để ở nhiều ngày, giữ rẫy tránh chim thú ăn phá, chòi dựng cao từ 4 - 5m vì phải đề phòng voi, hổ, có thang để leo lên.
Các lễ hội như lễ cưới, lễ tang, lễ mừng nhà mới, lễ ăn lúa mới, lễ ngã rạ... đều diễn ra trong phạm vi nhà làng, sân làng. Kiến trúc ngôi nhà cũng là sản phẩm của văn hóa cổ truyền Cor, nó chứa đựng quan niệm sống, ẩn chứa tư duy quan hệ xã hội...
Cần phục dựng nhà làng Cor
Nhà làng cổ truyền của người Cor nay chỉ còn trong ký ức của các già làng. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, người Cor đã chuyển sang làm nhà ở như người Kinh, và hiện nay ngôi nhà xloup của người Cor đã vắng bóng. Năm 2005, thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng) có phục dựng một ngôi nhà nguyên bản, nhưng do kinh phí ít, vật liệu không chọn kỹ, nên ngôi nhà đã hư hỏng chỉ sau vài năm. Khi xây dựng các nhà văn hóa xã, thôn bằng vật liệu ximăng cốt thép, các địa phương ở huyện Trà Bồng có mô phỏng nhà người Cor, nhưng cái mô phỏng không thể thay thế cái nguyên bản.
Thiết nghĩ, phải nhanh chóng phục dựng một không gian nhà làng cổ truyền của dân tộc Cor theo đúng nguyên bản trên quê hương người Cor. Bởi hiện nay còn rất ít người biết dựng ngôi nhà cổ truyền của người Cor, số ấy đều đã lớn tuổi. Có vậy mới giữ gìn được di sản của người Cor, để thế hệ trẻ biết thuở xưa ông bà tổ tiên của mình đã sống ra sao, và còn có nhiều di sản văn hóa khác gắn chặt với nhà làng.
Ngôi nhà phục dựng không cần quá lớn, nhưng tôn trọng tuyệt đối kiểu dáng, cách thức, vật liệu tự nhiên như xưa kia, do chính các thợ người Cor dựng.
Ngoài phần kiến trúc, trong không gian nhà có thể trưng bày các công cụ lao động, y phục cổ truyền (váy, khố, cườm...), nhạc cụ và cồng chiêng, treo bộ gou của người Cor. Ở sân có thể dựng cây nêu vô cùng độc đáo của người Cor. Bên ngoài cần có một không gian thoáng rộng để tái hiện khung cảnh, cây trồng đặc trưng như cầu dây mây bắc qua suối, cây quế, cây mít, cây chò, chòi rẫy, canh tác rẫy với lúa rẫy, mè đen, nếp, chuối... Và tất nhiên, cần có đội cồng chiêng, múa cà đáo, khi du khách đến thì sẵn sàng phục vụ. Ở không gian nhà sàn có thể phục vụ các món đặc sản của người Cor như củ mì, cơm lúa rẫy, mè đen, rau ranh ốc đá, hay các sản vật như mật ong, vỏ quế... Làm được như vậy sẽ vừa giải quyết được nhiệm vụ bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thiểu số, vừa phát triển du lịch.
CAO CHƯ