(Báo Quảng Ngãi)- Căn cứ vào gia phả của những tộc họ đông người qua nhiều đời, giấy tờ khế ước đất đai, cùng với tra cứu lịch sử địa phương thì làng Ba La, nay là xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi), được hình thành cách đây khoảng 350 năm. Lúc đầu dân cư thưa thớt, dần về sau đông đúc hơn, nhất là từ giai đoạn chúa Nguyễn Hoàng đưa dân vào phương Nam lập nghiệp.
[links()]
Câu chuyện lập làng
Giai đoạn sơ khai, dân cư làng Ba La tập trung đông ở dọc bờ nam sông Trà Khúc, kéo dài từ xóm Mỹ Lộc (nay giáp với phường Nghĩa Chánh) xuống xóm Bàu Voi, kéo dài đến giáp xóm Vạn Chài, làng Vạn Tượng. Bến sông gần đình làng ngày ấy có tên là bến Đình. Bến nước nơi cư dân thường thả trâu nằm gọi là bến Trâu. Bến sông nơi cư dân đặt thùng chàm nhuộm vải có tên là bến Thùng Chàm. Bàu thả voi buổi đầu nay vẫn còn tên gọi là bàu Voi... Tất cả những dấu tích đó, tuy giờ đã thay đổi nhiều, một số đã mất, chỉ còn lại trong truyền khẩu dân gian địa phương, nhưng đã phản ánh từng có một làng Ba La từ buổi sơ khai trên vùng đất Quảng Ngãi.
Miếu Thần Hoàng ở thôn 3, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Bùi Văn Tạo |
Nguồn nước sông Phước Giang được người dân tận dụng canh tác nông nghiệp nhờ khai kênh dẫn nước và đắp đập Ba Điện (Ba La- Điện An). Trung tâm hành chính văn hóa của làng dời về giữa làng, nay thuộc phần đất phía nam thôn 3, xã Nghĩa Dõng. Thời làng Ba La hưng thịnh, quần thể gồm đình Ba La, chùa Bửu Tiên, miếu Thần Hoàng, dinh Thần Nông và một nghĩa từ nằm giữa nghĩa địa Gò Đình.
Đình Ba La nổi tiếng một thời
Đình Ba La được xây dựng lại cách đây hơn 200 năm sau giai đoạn sạt lở phía sông Trà. Việc xây dựng đình gắn liền với câu chuyện người làng Ba La được bè gỗ mít lớn do lụt trôi từ thượng nguồn về mắc cạn giữa bãi sông chỗ giáp ranh ba làng Chánh Lộ, Ba La, An Phú. Người làng Ba La có được bè gỗ nhờ gỗ trên bè có khắc 3 chữ nho “Ba La Mật”. Với số lượng khá nhiều cây mít lõi già, làng Ba La đã huy động thợ mộc giỏi trong vùng làm một chánh tẩm thờ thần và một nhà nhóm. Sử dụng chưa hết số gỗ ấy, làng lại cho làm thêm đông đàng, tây đàng. Do vậy mà đình Ba La cổ là một cơ sở hoàn chỉnh cột, kèo, rui mè, vách, sàn nhà đều bằng gỗ mít, mái lợp ngói âm dương, cột đình rất to. Đình Ba La nổi tiếng, mãi về sau trong dân gian còn lưu truyền câu “Rộng thình thình như đình Ba La”.
Đình Ba La hướng mặt về phía nam, lối dài vào đình trồng hai hàng cây mù u. Chỗ tôn nghiêm không ai dám chạm phá nên hai hàng cây to lớn, tán che mát cả một vùng đất. Sau năm 1945, thời kháng chiến chống Pháp đình bị hư hại, dưới hai hàng mù u người dân nhóm chợ chiều và đêm để tránh máy bay khủng bố. Tên chợ Mù U có từ đó, hàng mù u nay không còn nữa nhưng chợ nhỏ làng quê vẫn còn nhóm hằng ngày vào mỗi chiều. Phía tây đình là khu nghĩa địa Gò Đình, phần lớn chôn người quá cố buổi đầu của làng Ba La và mộ dời khi sông Trà xâm thực bờ nam khu vực làng. Giữa Gò Cờ có một nghĩa từ thờ những người không có thân nhân hương khói. Tiếp về phía tây ngoài sát khu nghĩa địa có miếu Thần Hoàng thờ thần Thành Hoàng làng, trong quần thể ấy có dinh thờ Thần Nông. Phía đông nam cách vị trí ngôi đình chừng trăm mét là chùa Bửu Tiên do ông Trương Đình Tố hiến lập.
Đình Ba La nay không còn, nhưng chợ Mù U, miếu Thần Hoàng, dinh Thần Nông, nghĩa từ Gò Đình vẫn tồn tại qua năm tháng, là dấu tích cụm văn hóa làng xã từ buổi đầu lập làng.
Lễ hội đặc sắc ở làng Ba La
Khi xưa, Ba La là làng nông nghiệp phát triển cực thịnh. Thời hưng thịnh ấy, lễ hội Rước sắc Thần Nông tổ chức 3 năm một lần vào dịp sau vụ gặt tháng ba. Kỳ lễ diễn ra trong 3 ngày, đêm đầu tiên là rước sắc Thần Nông từ đá Dựng - đá Thần Nông về đình, rạng ngày cúng và thếch đãi, số mục đồng tham gia rước sắc được đãi trước vì đây là lực lượng nuôi trâu, bò, nguồn sức kéo cày bừa. Hai ngày còn lại làng tổ chức hát bội cho người dân trong làng và ở vùng lân cận xem.
|
BÙI VĂN TẠO