(Baoquangngai.vn)- Ba Tơ là huyện phía tây nam của tỉnh, giáp với các tỉnh Tây Nguyên. Từ nhiều đời nay, người dân địa phương có sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền tạo nên những sắc thái văn hóa độc đáo riêng. Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, sắc màu văn hóa vùng cao Ba Tơ lại được lan tỏa.
Ngày Xuân vọng tiếng chiêng ngân
Khi trên những triền đồi phủ màu xanh biếc, lúa trên đồng vào thời kỳ mạ non cũng là lúc đồng bào Hrê vùng cao Ba Tơ náo nức đón Xuân về. Nhà nhà lấy chóe rượu cần bên bếp để chuẩn bị tiếp khách, lau lại bộ chiêng ba để đánh mua vui.
|
Đồ thổ cẩm Làng Teng được người trẻ Hrê khoác lên mình trong dịp hát, múa vui Xuân. |
Theo ông Phạm Văn Ua (70 tuổi), ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành, với đồng bào Hrê, tiếng chiêng không thể thiếu trong ngày Tết. Bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp, người dân trong làng chuẩn bị lá dong gói bánh, vật lễ để cúng thần linh. Đến ngày cuối cùng của năm cũ là xong phần cúng ông bà tổ tiên, thần sông, núi, cúng thần nguồn nước... Sau phần lễ là đến phần hội, người làng bắt đầu quay quần bên nhau vui đùa. Tiếng chiêng theo đó cũng ngân lên.
Già Ua bảo, tiếng chiêng ngân xa hay gần, trầm hay bỗng... đều có ý nghĩa gửi gắm, linh thiêng. Vì vậy, trước khi đánh chiêng, người già trong nhà làm lễ cúng chiêng. Sau khi làm lễ, trai làng có thể nối tay già làng đánh tiếp tạo nên những tiếng chiêng lúc thủ thỉ như lời tâm tình, lúc sôi nổi, náo nức như mời gọi, giục giã bước chân khách đến chơi Xuân.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ba Thành Phạm Văn Sâm nhớ lại, thời niên thiếu, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng nghe tiếng chiêng là lòng rộn ràng, háo hức, mọi người tập trung tìm đến. Thời gian, không gian đánh chiêng tùy thuộc vào gia chủ. Lúc ban ngày, lúc ban đêm nhưng ấn tượng nhất là đêm xuống. Người làng tập trung bên bếp lửa bập bùng trước sân nhà sàn, trai tráng có cơ bắp khỏe mạnh lấy bộ chiêng ba (gồm ba chiếc) nhảy theo nhịp các cô gái hát múa ta lêu, ca choi. Người làng cũng thả hồn theo tiếng chiêng ngân. “Tập tục của đồng bào Hrê là ăn Tết theo làng, theo xóm. Hôm nay có thể làng này, ngày mai làng khác. Tiếng chiêng theo đó cũng rộn vang khắp núi đồi...”, anh Sâm bày tỏ.
Đa dạng sắc màu
Những ngày Tết, đến vùng cao Ba Tơ, du khách luôn ấn tượng với sắc màu thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành. Từ trên các nẻo đường, đến dịp cúng mừng năm mới, hội làng, lễ cưới của đồng bào Hrê, ngoài cồng chiêng, rượu cần còn có những trang phục độc đáo thổ cẩm. Sản phẩm là niềm tự hào của đồng bào Hrê ở huyện Ba Tơ, với nhiều sắc màu, thể hiện sự khéo léo của nghề dệt thủ công.
|
Rượu cần trở thành nét văn hóa ẩm thực không thể thiếu trong ngày Tết của đồng bào Hrê. |
Theo nghệ nhân Phạm Thị Đú, ở thôn Làng Teng, muốn làm nên tấm vải thổ cẩm, người làng vào rừng lấy cây bông đem phơi nắng, sơ chế thành sợi, nhuộm màu cây rừng rồi dệt. Màu sắc thổ cẩm chủ đạo vẫn là màu đen, đỏ, trắng... Mỗi hoa văn, họa tiết đều gắn liền với không gian sinh sống của người làng như sông, núi, mây, trời, nương rẫy... theo mô típ hình thoi, hình quả trám, chữ nhật, hình vuông... Sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Hrê trước đây rất đơn điệu, chỉ là váy, khố, tấm địu con. Những năm gần đây, lớp trẻ không ngừng sáng tạo, nên các kiểu đồ truyền thống cũng được cách điệu hơn. Nhờ đó, sản phẩm thổ cẩm Làng Teng vươn xa khắp nơi. Bây giờ, đồng bào Hrê xem đồ thổ cẩm là niềm tự hào, nên cứ dịp Tết đến, Xuân về, ai cũng muốn khoác lên mình bộ thổ cẩm để dự lễ, vui Xuân.
Theo Phụ trách Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ Bùi Đình Ngôn, du khách đến tham quan bảo tàng thường hay tìm hiểu về thổ cẩm Làng Teng. Có du khách còn tìm mua cho mình vài sản phẩm áo, túi để làm kỷ niệm chuyến đi.
Đến Ba Tơ trong mùa Xuân, du khách còn được thưởng thức ẩm thực của đồng bào Hrê. Các món ăn của đồng bào dân tộc Hrê được chế biến từ những nguyên liệu mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất, tuy dân dã, nhưng rất hấp dẫn. Mỗi món ăn đều có ý nghĩa và tượng trưng cho mỗi mùa riêng biệt. Bên cạnh đó, du khách cũng một lần tìm đến và thưởng thức món thịt trâu nướng lá lốt hay nấu xà bần, món heo ki luộc, gà re nấu cháo, cá niên nướng chấm muối ớt... kèm theo món rượu cần. Trong tiếng cồng chiêng, xen điệu múa ca lêu, ta choi hòa trong màu sắc thổ cẩm, thưởng thức ẩm thực, chắc chắn, du khách sẽ nhớ mãi sắc màu văn hóa của đồng bào Hrê nơi vùng cao Ba Tơ.
Bài, ảnh:
A.NGUYỆT