(Báo Quảng Ngãi)- Cuốn sách "Non nước xứ Quảng" của nhà biên khảo Phạm Trung Việt (1926 - 2008) ra mắt lần đầu tiên vào năm 1962 và đã được tái bản nhiều lần. Đây là cuốn sách quý và sẽ luôn là "cuốn sách mới" với những ai muốn tìm hiểu về đất và người Quảng Ngãi.
Nhà biên khảo Phạm Trung Việt có nhiều cuốn sách được nhiều bạn đọc biết đến như: "Khuôn mặt Quảng Ngãi", "Thi ca và giai thoại miền Ấn Trà", "Tâm sự người cha"... Nhưng "Non nước xứ Quảng" đã trở thành tác phẩm để đời của ông. Đây là một tác phẩm biên khảo tổng hợp về lịch sử, văn hoá và thi ca miền đất Quảng Ngãi.
Nhiều người tìm đọc cuốn sách "Non nước xứ Quảng" của tác giả Phạm Trung Việt để hiểu hơn về đất và người Quảng Ngãi. Ảnh: Di Hà |
Nếu có một cuộc bình chọn cho những tác phẩm viết về quê hương được người Quảng Ngãi yêu mến nhất, trân trọng nhất, thì chắc hẳn "Non nước xứ Quảng" sẽ là cuốn sách xếp lên đầu bảng. Điều gì đã làm nên tình cảm sâu đậm của người đọc đối với "Non nước xứ Quảng"? Có lẽ đó là sự thấu hiểu, đồng cảm với soạn giả về nỗi nhọc nhằn khi sưu tầm, tra cứu các nguồn tư liệu, văn khố trong hoàn cảnh nghiệt ngã của chiến tranh. Và cũng bởi nội dung cuốn sách đề cập đến những điều dễ gợi tính hiếu kỳ của người đọc như: Truyền thuyết về giếng Phật, chuông Thần trên đỉnh đồi Thiên Ấn, giai thoại về những người Quảng Ngãi đóng góp công lao làm rạng danh lịch sử nước nhà... Từng trang sách thấm đẫm tình yêu tha thiết với xóm làng, với hương đường, mật mía, với những con người cần lao, mưa nắng dãi dầu, và như thể cảm nhận được tiếng rì rầm quen thuộc của những guồng xe nước trên dòng sông Trà, sông Vệ... Văn chương, chữ nghĩa trong cuốn sách rất mộc mạc, vậy mà đi vào người đọc một cách sâu sắc.
Đã gần 60 năm trôi qua kể từ lần đầu "Non nước xứ Quảng" đến với bạn đọc, đã có không biết bao nhiêu cuốn sách viết về quê hương Quảng Ngãi, trong đó có không ít tác phẩm thừa hưởng những thành quả biên khảo giàu tâm huyết của tác giả Phạm Trung Việt. Các tác phẩm sau này đã nối bước nhà biên khảo Phạm Trung Việt, bổ sung, chỉnh sửa những điều còn thiếu sót hoặc chưa thể làm được trong điều kiện khó khăn lúc bấy giờ. Mặc dù vậy, "Non nước xứ Quảng" vẫn có chỗ riêng trong lòng người Quảng Ngãi mà không phải cuốn sách nào cũng có thể có được.
Trong nhiều chuyến điền dã ở Lý Sơn, tôi gặp các bậc cao niên để tìm hiểu về giai thoại, tộc ước, gia phả có liên quan đến lớp cư dân Việt đầu tiên đến khai phá miền đất đảo, kiến lập vạn phường, xây đình, dựng miếu... Có lần, tôi gặp một vị cao niên trên đất đảo. Ông cụ lấy cái tráp gỗ trên bàn thờ xuống, lấy ra từ trong tráp tập gia phả viết bằng chữ Hán cùng một số tập sách, sổ ghi chép. Thật bất ngờ, trong số những tài liệu, sách sử mà ông cụ xem như của gia bảo ấy có cuốn "Non nước xứ Quảng". Ông cụ bảo: “Mấy chú đọc đi!”. Chúng tôi hiểu ngầm ý rằng, những điều mà ông cụ ghi chép về gia tộc mình, về đảo Lý Sơn là có sách, có chứng... Những ai đã đọc qua "Non nước xứ Quảng" chắc hẳn không khó để nhận ra chứng cứ được nói đến trong cuốn sách là những dòng viết về đảo Lý Sơn và về những dòng họ đầu tiên đến định cư trên hòn đảo này.
"Non nước xứ Quảng" là cuốn sách quý và sẽ luôn là "cuốn sách mới" với những ai muốn tìm hiểu về non nước xứ Quảng. Đọc "Non nước xứ Quảng" sẽ càng thêm yêu Quảng Ngãi quê hương mình!r
LÊ HỒNG KHÁNH