(Báo Quảng Ngãi)- Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa dân gian vào tháng 9/2021. Qua đó góp phần lan tỏa ý thức giữ gìn giá trị di sản văn hóa truyền thống trong học sinh là người dân tộc thiểu số Ca Dong.
[links()]
Tại phòng truyền thống của Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) nội trú THCS Sơn Tây, học sinh (HS) hào hứng trong không gian sinh hoạt văn hóa. Các em trong trang phục truyền thống, say sưa học đàn, học hát các làn điệu dân ca của đồng bào Ca Dong. Nhiều em lần đầu tiên học cách đánh cồng chiêng; chỉnh cung, nỏ và các loại nhạc cụ truyền thống...
Học sinh người Ca Dong học hát dân ca và cách sử dụng nhạc cụ truyền thống. Ảnh: KIM NGÂN |
Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây Lê Hoài Thạnh cho biết, trường thành lập CLB Văn hóa dân gian và xây dựng không gian văn hóa trong nhà trường, nhằm góp phần giáo dục cho HS ý thức giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ca Dong. Thông qua CLB giáo dục cho HS kỹ năng tiếp cận, khai thác văn hoá truyền thống, vận dụng trong đời sống và có thái độ trân trọng, trách nhiệm với di sản văn hoá dân tộc mình. Định kỳ hằng tháng, trường tổ chức sinh hoạt CLB, mời các nghệ nhân đến dạy HS hát dân ca, đánh cồng chiêng...
Em Đinh Thị Hằng, HS lớp 8 Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây cho biết, bây giờ nhiều gia đình sử dụng đồ nhựa với màu sắc bắt mắt, nhưng với em nó không thể quý như những vật dụng làm thủ công mộc mạc, tinh tế của đồng bào Ca Dong, bởi đây là nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Còn em Đinh Rêu Du, bạn cùng lớp với Hằng, thì hăng say giới thiệu về những nhạc cụ truyền thống. “Đây là đàn Bróc Krau, Bróc Tru của ông ngoại em để lại. Em rất thích các loại nhạc cụ này. Em sẽ cố gắng học để biết đàn các loại nhạc cụ truyền thống”, Du chia sẻ.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây tìm hiểu các vật dụng truyền thống của dân tộc Ca Dong. Ảnh: KIM NGÂN |
Các nghệ nhân ưu tú Đinh Thanh Sơn, Đinh Văn Phú thường đến trường chỉ dạy cho HS những làn điệu dân ca. Ông Đinh Thanh Sơn chia sẻ, tôi rất vui khi thấy HS yêu thích, ham học hỏi những làn điệu dân ca của người Ca Dong. Hết lớp tới lớp, những người lớn tuổi chúng tôi muốn truyền dạy văn hóa truyền thống của người Ca Dong cho thế hệ trẻ.
Ông Lê Hoài Thạnh cho biết, thời gian tới trường sẽ thường xuyên tổ chức cho HS trải nghiệm thực tế tại các thôn và sưu tầm ca dao, dân ca... Đồng thời tổ chức hội thi bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa để bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc trong HS, từ đó lan tỏa đến gia đình và xã hội. Nhà trường cũng mong muốn nhân rộng mô hình CLB Văn hóa dân gian đến các xã để cộng đồng cùng giữ gìn vốn quý văn hóa truyền thống của dân tộc Ca Dong.
KIM NGÂN