Nghĩa Hành, khúc bài chòi…

07:01, 05/01/2021
.
Thanh Thảo
 
(Baoquangngai.vn)- Tôi thích bài chòi. Thích từ cách hát, cách sinh hoạt đậm màu làng quê miền Trung hồn nhiên của bài chòi. Thích cả chất giọng mộc mạc ấm áp, đôi khi chen những từ khá lạ, khá khó hiểu của bài chòi. 
[links()]
Nhiều nhà nghiên cứu nói bài chòi có gốc từ phía Bắc được lưu dân Việt mang vào dải đất miền Trung từ thế kỷ 15.
 
Tôi lại nghĩ khác. Bài chòi, giống như những điệu lý, ban đầu được hát bởi người Việt, nhưng hát ngay trên mảnh đất người Chàm cư trú. Nghĩa là ngay từ đầu, nếu cư dân Quảng Ngãi bây giờ là kết quả của những cuộc hòa huyết Việt-Chàm từ nhiều thế kỷ trước, thì bài chòi hay các điệu lý cũng vậy. Nó cũng là kết quả của những cuộc “hòa huyết âm nhạc dân gian” giữa nhạc Việt và nhạc Chàm. Đó là một điều tuyệt vời cho người Việt và cho người Chàm, vì khi âm nhạc cất lên, thì những tiếng va chạm rùng rợn của binh đao lụi tắt. Thanh bình được thiết lập, được tôn vinh, và nghệ thuật tìm được chỗ cư trú trong tâm hồn con người.
 
Đúng sáng Mùng Một Tết Dương lịch năm 2021, tôi may mắn được mời tham dự một buổi lễ đặc biệt, một cuộc ra mắt đặc biệt. Đó là buổi lễ dâng hương đầu năm mới ngay tại ngôi nhà lợp tranh, bây giờ là Nhà  lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng. Khách mời và lãnh đạo huyện Nghĩa Hành, cùng đại diện của các xã trong huyện lần lượt dâng nén hương đầu năm trước bàn thờ Cụ Huỳnh, xin Cụ phù hộ cho huyện nhà vừa qua trận bão hung hãn nhất được hồi sinh. 
 
Nghĩa Hành đúng là đang hồi sinh thật. Và dấu hiệu rất đẹp của sự hồi sinh này chính là buổi ra mắt đặc biệt của Câu Lạc Bộ Dân ca Bài chòi huyện Nghĩa Hành. Đây là CLB Bài chòi thứ Năm được thành lập và hoạt động tại Quảng Ngãi. Anh Nguyễn Tiến Dũng bí thư huyện, anh Đinh Xuân Sâm chủ tịch huyện nói với tôi: Dù CLB Bài chòi huyện mình thành lập hơi muộn, nhưng con số 5 là con số đẹp anh à! Tôi tán thành ngay, vì biết số 5 thuộc hành Thổ-hành trung tâm, và số 5 từ xưa luôn được dân gian ái mộ, là con số tiêu biểu cho Đất. Nghĩa Hành vốn là huyện thuần nông, xưa cấy lúa trồng dâu nuôi tằm, nay thêm nghề trồng cây ăn quả, cũng thuộc hành Thổ luôn, vì gắn với đất. 
 
Nhưng số 5 còn gắn với ngũ cung của âm nhạc dân tộc Việt, mà bài chòi chính là một loại hình dân ca thuộc nhạc ngũ cung. Một con số tình cờ lại mang nhiều ý nghĩa như vậy, đáng cho ta phải suy nghĩ. Nói đến dân ca Trung Trung bộ, người ta nhớ ngay tới bài chòi. Ngày trước, mỗi khi anh hiệu cất lời hô một đoạn thơ lục bát dí dỏm, tinh nghịch, là bà con xúm quanh lại được một trận cười, vui đáo để. Bài chòi là một loại hình hát đi đôi với trình diễn, kiểu bây giờ người ta hát có múa phụ họa, nhưng sự trình diễn trong bài chòi luôn đi sát lời ca, tung hứng với lời ca, nó là một phần không thể tách rời của nghệ thuật bài chòi.
 
Một người bạn tôi là bác sĩ và là một nhà thơ, ở Canada, có viết một tiểu luận về thơ, trong đó anh khẳng định: “Dân gian chính là dân tộc.” Tôi tán thành quan điểm này, nhất là khi soi nó vào một loại hình nghệ thuật dân gian là bài chòi. Khi ta cất lên một điệu bài chòi, hay một điệu lý, ta nghe âm thanh của tâm hồn dân tộc, một âm thanh có sự hòa trộn của hồn Việt hồn Chàm, nhưng cuối cùng, là của Việt Nam ta.
 
Bài chòi xuất phát trên ruộng đồng, là khúc hát của người nông dân. Trong số 23 nghệ nhân đầu tiên của CLB Bài chòi Nghĩa Hành, đã có 13 người là “nông dân toàn tòng”. Và có 5 người là giáo viên, những người sẽ đưa bài chòi dân tộc vào trường học, đưa tới những em học sinh hồn nhiên. Nghệ thuật bài chòi là một nghệ thuật rất hồn nhiên, rất trẻ thơ. Và đầy xúc cảm. 
 
Khi tôi nghe một nghệ nhân bài chòi ở CLB Nghĩa Hành trình diễn bản bài chòi với lời đương đại, là bài thơ “Gửi lòng con đến cùng Cha” của nhà thơ nổi tiếng Thu Bồn, một người đã ngấm bài chòi trong máu, tôi chợt giật mình. Mặc dù đã quen đã thuộc nhiều đoạn của bài thơ nổi tiếng này, tôi nghe trình diễn bài thơ bằng nghệ thuật bài chòi, và có cảm giác như Thu Bồn viết bài thơ này cho bài chòi, và khi được thể hiện bằng bài chòi, bài thơ này gây xúc động nhiều nhất cho người nghe. Xin chép lại bài thơ này để mọi người cùng đọc, và nếu được, cùng hát bài chòi lời thơ “dân gian là dân tộc” này:   
Thu Bồn
                GỬI LÒNG CON ĐẾN CÙNG CHA
 
Có người thợ dựng thành đồng
Đã yên nghỉ tận sông Hồng, mẹ ơi
Con đi dưới một vòm trời
Đau thương nhưng vẫn sáng ngời lòng tin
Đã ngừng đập một quả tim
Đã ngừng đập một cánh chim đại bàng
Niềm đau vô tận thời gian
Nhớ thương nhưng chớ lệ tràn đẫm mi
Hành trang Bác chẳng có gì
Một đôi dép mỏng đã lì chông gai
Cho con núi rộng sông dài
Cho con lưỡi kiếm đã mài ngàn nǎm
Cho con những ánh trǎng rằm
Có quà có bánh lời thǎm ân tình
Bác là Bác Hồ Chí Minh
Qua lòng Bác thấu nghĩa tình bạn ta
Nhẹ nhàng nên Bác đi xa
Bác đi đi mãi vượt qua biên thùy
Tiếc rằng trước lúc chia ly
Con chưa thấy được dáng đi của Người
Hẳn trong đôi mắt sáng ngời
Vẫn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam
Con qua Cẩm Lệ sông Hàn
Ngũ Hành Sơn đứng mơ màng bóng Cha
Hỡi Người những đất cùng hoa
Tấm thân hai cuộc xông pha trường kỳ
Hàng cây Bác đã xanh rì
Bóng râm tỏa mát đường đi loài người
Bác gieo giống bốn phương trời
Một ngòi bút cũng sáng ngời lưỡi lê
Bác nằm lòng trải ven đê
Quả tim khuya sớm đi về miền Nam
Bác đi dưới rặng dừa lam
Bác đi tóc trắng vườn cam chín vàng
Cầu treo lắt lẻo Bác sang
Bác bước nhẹ nhàng như thuở còn trai
Bác như ánh nắng ban mai
Chiếu soi bãi rậm truông dài con đi
Những hòn núi đá gan lì
Sát vai đứng trụ dưới vì sao xanh.
Những nòng súng thép long lanh
Gạt sương rẽ lá bǎng nhanh dập dồn
Bạn từ bãi biển Hirôn
Bạn còn đến kịp để hôn Bác Hồ
Mà con trông đợi Bác vô
Ngắm phương Bắc nhớ Thủ đô quặn lòng
Con xin gửi nắm đất nồng
Chắn che giữ nước sông Hồng đương lên
Cho con làm một mũi tên
Xòe nǎm cánh nhọn giương trên thành đồng
Việt Nam ơi giống Tiên Rồng
Bốn nghìn nǎm lấy máu hồng làm hoa
Gửi lòng con đến cùng Cha
Chiến công đất nước kết hoa triệu vòng 
                                                                  Tháng 9-1969
 
Hãy nghe nhịp phách của bài thơ này, đó là nhịp phách của bài chòi. Bài thơ viết ngay khi Bác Hồ vừa mất tháng 9/1969, đã nhanh chóng lan khắp miền Trung dưới làn điệu bài chòi. Nghệ thuật dân gian đã trở thành sự lan tỏa dân tộc là như thế.
 
 

.