(Baoquangngai.vn)- Năm nào cũng vậy, sau khi những cơn mưa lũ vừa đi qua, cái rét mùa đông vừa ập đến là các dòng họ ở quê chuẩn bị cho chạp họ. Ở mỗi dòng họ có ngày ấn định khác nhau nhưng tựu chung lại đây là ngày để con cháu cùng hướng về ông bà tổ tiên, sửa soạn lại mồ mã trước khi chuẩn bị chào đón năm mới, đón Tết cổ truyền của dân tộc.
[links()]
Chạp họ như tên gọi thường diễn ra vào tháng Chạp, mỗi năm một lần. Tùy theo mỗi dòng họ, thời điểm diễn ra chạp họ khác nhau. Như ở dòng họ tôi, các cụ từ xa xưa đã chọn thời điểm gần giữa tháng 11 Âm lịch hằng năm. Đây là thời điểm thong thả hơn so với tháng Chạp. Con cháu trong dòng họ dễ bề sắp xếp công việc.
Trước ngày chạp họ diễn ra nửa tháng, các bậc cao niên trong họ đã liên lạc với nhau đến nhà của một người trong họ để bàn bạc, thống nhất, lên kế hoạch cho ngày quan trọng nhất trong năm. Từ chỗ kê lại tiền quỹ trong đợt chạp họ năm trước, từ đó tính toán số tiền mà mỗi hộ gia đình sẽ nộp trong lần chạp họ này, phân công công việc cho mỗi gia đình, cho cánh đàn ông, thanh niên và chị em phụ nữ trong họ.
Đặc biệt, năm nào cũng vậy, vì đa phần các gia đình đều làm nghề nông nên có được hạt lúa, hạt nếp người trong họ đều rất quí. Vì thế, mỗi gia đình vẫn còn giữ tục lệ góp gạo, góp nếp để nấu cơm, cháo, gói bánh cúng ông bà ngoài việc góp tiền. Trong khoảng thời gian này, các gia đình vừa sắp xếp công việc gia đình, vừa lo việc chung.
|
Sửa soạn lại các phần mộ của những người đã khuất là một tục lệ quan trọng trong ngày chạp họ. |
Ngày quan trọng nhất là 3 ngày cuối cùng sẽ diễn ra chạp họ. Cụ trưởng họ sẽ gọi điện nhắc nhở con cháu ở xa thêm lần nữa để nhớ ngày về. Cận ngày, cánh đàn ông, thanh niên trong làng tay cuốc, tay rựa, không ai bảo ai, tiến về các khu nghĩa địa, khu vực đồi núi, nơi có người trong họ đang yên nghỉ để phát bụi rậm, dọn cỏ xung quanh, sơn sửa các phần mộ.
Ngày nay, đa phần mồ mả được xây kiên cố, vững chắc, đẹp, việc dọn dẹp vì thế có phần nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng, nhiều người trẻ dù công việc bận rộn đến mấy cũng xin phép nghỉ để cùng các bậc cha chú quán xuyến mồ mã, dù chỉ đến để biết ông, biết bà; nghe, tìm hiểu về tiểu sử, danh tính hoặc công lao, đóng góp của những người đã khuất.
Dọn dẹp mồ mã được xem là phần việc quan trọng nhất của chạp họ. Bởi "sống sao chết vậy", "sống cái nhà, thác cái mồ", người trong họ quan niệm, trước khi con cháu đón Tết, ngôi nhà của những người đã khuất cũng cần được tươm tất, thể hiện sự kính trọng, biết ơn với tổ tiên, ông bà trong dòng họ.
Sau khi sửa sang mồ mả, con cháu sẽ thành kính thắp nén nhang lên mộ, mong được tổ tiên phù hộ học hành đến nơi, đến chốn, làm ăn khấm khá, rạng rỡ công danh.
Ngày chính thức diễn ra chạp họ, các gia đình tề tựu rất sớm ở nhà bác trưởng họ. Chị em phụ nữ nấu những món ngon nhất và dĩ nhiên không thể thiếu những món ăn truyền thống ở làng quê từ trước đến nay để dâng lên ông bà.
Trên "nhà trên" của ngôi nhà thờ, cánh đàn ông lo sửa soạn bàn thờ gia tiên. Mọi việc xong xuôi, đại diện những gia đình trong dòng họ thắp nén nhang tâm kính cẩn tạ ơn ông bà, tổ tiên, rồi mời các cụ về thụ hưởng lễ vật của con cháu.
|
Chạp họ là dịp để mọi người trong họ quây quần bên nhau. |
Cúng xong con cháu quây quần bên nhau để ăn uống chuyện trò thật ấm cúng, thăm hỏi họ hàng. Trong không khí ấm cúng, bác trưởng họ cũng ôn lại truyền thống, gia phong của dòng họ, đi từng bàn trò chuyện, khuyên dạy con cháu tích cực phấn đấu trong học tập và lao động, dòng họ đoàn kết, gắn chặt, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, xứng đáng với truyền thống ông cha đã vun đắp, xây dựng. Mọi người nghe và ôn lại nguồn gốc, tổ tông của mình.
|
Nét giản dị trong ngày chạp họ ở quê. Trong ảnh, chị em phụ nữ đang chuẩn bị đồ cúng trong ngày chạp họ. |
Gần kết thúc buổi chạp họ, bác trưởng họ cùng chú "thư ký" của mình công khai các khoản thu, chi của họ, thông báo rành mạch về những việc đã làm và rút kinh nghiệm những việc chưa làm được trong năm, cùng nhau đóng quỹ khuyến học, quỹ chung. Tiếp đến, nêu lên những dự định, quyết tâm sẽ thực hiện trong năm mới vì sự phồn vinh của dòng họ.
Cứ thế, chạp họ được trở thành một tục lệ được bảo tồn, kế thừa và phát huy ở làng tôi, trở thành một nét đẹp từ bao đời nay. Nhờ có những lần họp họ mà con cháu trong họ có dịp nhận ra nhau, quan hệ họ hàng, dòng tộc ngày thêm gắn bó.
X.Y