Xa rồi những tiếng rao...

08:12, 05/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhìn mẹ ngồi lựa mớ xoong nồi, giày dép cũ chẳng còn dùng được nữa để mang đi bán đồng nát, lòng tôi chợt nhớ về những tiếng rao xưa. Tràng âm thanh: “Ai hàn nồi, hàn dép không?” cứ thế vọng về từ tiềm thức, nhắc nhớ tôi về quãng ngày khó nhọc của những ngày đã xa...
 
Ngày ấy, dép nhựa bị đứt, bị sứt quai... cũng chẳng mấy ai nỡ bỏ đi. Mọi người vẫn thường giữ lại, rồi chờ người thợ vá dép đi ngang qua nhờ họ vá, hàn, khâu chỉ, cột kẽm... Cứ năm lần bảy lượt như thế, đến khi không thể sửa được nữa thì mới bán ve chai. Thau, nồi dùng lâu năm đến nỗi bị mòn, lủng đáy... nhưng mọi người cứ cất đấy, chờ thợ hàn nồi ngang qua, lại gọi vào nhờ “vá” giúp.
 
Cuộc sống thiếu thốn làm người ta trở nên cần kiệm. Tiếng rao “ai hàn nồi, hàn dép không” vì thế mà trở thành âm thanh quen thuộc vang lên khắp mọi nẻo đường ở quê tôi ngày ấy. Cùng với tiếng rao là hình ảnh những người thợ hàn cùng chiếc xe đạp tròng trành, chở theo kềnh càng nồi, chảo cùng bộ đồ nghề hàn nồi, hàn dép rong ruổi khắp nơi. Những chiếc xe đạp ấy thường đi rất chậm, vừa đi, vừa chờ đợi những tiếng gọi nhờ hàn dép, hàn nồi...
 
Trong những năm tháng khó nhọc ấy, tôi từng được mẹ giao nhiệm vụ ra trước nhà chờ bác Trung chuyên hàn nồi đạp xe đi ngang qua. Người thợ hàn nồi ấy tên Trung, nhưng mọi người vẫn quen gọi ông là “ông hàn nồi”. Ông đã lớn tuổi nên tiếng rao cũng không được to, rõ như những người thợ hàn trẻ khác. Nhưng tiếng rao của ông đúng giờ đến mức, mỗi lần vang lên, không cần xem đồng hồ, người dân xóm tôi vẫn có thể biết là đã đến 11 giờ trưa. Cùng với tiếng rao, ông còn gắn thêm cái chuông trên cổ xe đạp. Cứ thế, tiếng chuông leng keng nối tiếp với những tiếng rao trầm trầm của ông, vang vọng khắp nẻo đường, ngõ xóm.
 
Từng là tiếng rao thân thuộc với bao người, nhưng dần dà, khi cuộc sống ngày càng hiện đại, đổi mới, cũng là lúc những lời rao ấy thưa vắng dần. Giờ, không thấy ai hàn nồi, hàn dép nữa. Dép nhựa, thau nhựa hễ hư hỏng là người ta lại bỏ đi rồi mua cái mới. Nồi, chảo cũng vậy! Khi nào sứt đai, lủng đáy thì mọi người lại đổi sang cái mới chứ đâu còn mấy ai nghĩ đến chuyện hàn nồi như ngày xưa. Ông Trung hàn nồi ở quê tôi, thoạt đầu còn bền bỉ đạp xe khắp đường làng, ngõ xóm và cần mẫn rao: Ai hàn nồi, hàn dép? Nhưng rồi, sau dăm tháng không có khách hàng, ông cũng đành xếp lại đồ nghề, rồi “cất đi” những lời rao.
 
Những tiếng rao đi sớm về khuya dần lùi về dĩ vãng. Để rồi thi thoảng, lòng tôi lại nhớ bâng quơ về tiếng rao ngày ấy. Bởi đó không chỉ là tiếng rao, mà còn là bao kỷ niệm về một thời cần kiệm, nhọc nhằn...
 
Ý Thu
 

.