Trở về...

02:12, 18/12/2020
.
Truyện ngắn của NGUYỄN DỊU TÂM
 
(Báo Quảng Ngãi)- Chiếc xe ô tô đỗ xịch trên con đường dốc nhấp nhô những hòn đá cuội đủ kích cỡ. Sự có mặt của chiếc xe tương phản rõ rệt với cảnh quan nơi đây. Từ trên xe, Thắng bước xuống, gương mặt nhẵn thín được chăm sóc kỹ lưỡng, bộ quần áo đắt tiền không nếp gấp. Hoa đứng chờ, quanh cô là sấp nhỏ khoảng mười mấy đứa. Mặt mũi lem luốc, dép rách, áo quần sờn đũng... Ở chúng, toát lên vẻ nghèo khó và không được chăm sóc kỹ.  Đứa nắm tay, đứa níu áo Hoa hỏi dồn dập:
 
-  Bao giờ cô Hoa lại về với tụi con. Cô ở đây dạy tụi con đừng về nữa nha cô!
 
- Cô đi, tụi con buồn…
 
- Cô lên sớm nha cô!
 
Hoa rơm rớm nước mắt, khẽ nói: “Ừa, cô sẽ về nhanh!”. Hoa dùng từ về vì nơi đây gắn bó thân thuộc với cô hơn 5 năm kể từ ngày cô tốt nghiệp đại học ra trường. Ngành giáo khó xin việc, chạy vạy mãi cô mới được dạy tiểu học ở một huyện miền núi. Thắng - người yêu của cô đề nghị giúp đỡ, nhưng cô từ chối. Lòng tự trọng không cho phép cô nợ ai bất cứ điều gì. Gạt những giọt nước mắt chực rơi xuống khóe mi, Hoa bảo:
 
- Ở lại ngoan, học giỏi, lúc lên cô sẽ có quà cho tụi con.
 
Cô biết, trong khoảnh khắc chia ly mình đã nói dối. Cô tự trách mình, vì cô vẫn dạy học trò phải sống trung thực... Cô lại nói dối những học sinh cô hết lòng thương quý. Hôm nay là ngày cuối cùng cô ở nơi này, nhận được quyết định chuyển trường về dạy ở trường tiểu học thị trấn gần nhà. Thắng đến đón cô, luôn miệng giục: “Mau lên em, tối rồi!”, giọng nói thoáng chút khó chịu. Lũ trẻ dùng dằng không muốn buông tay. Hoa xách túi chạy ra xe, vội sập cửa... Chiếc xe đề máy chạy xa dần để lại sau lưng một đám bụi, khoảng trời phía sau mờ khuất trong bóng chiều chạng vạng. Hoa biết, không chỉ lũ trẻ trông theo cô mà còn có cả Quân, người đồng nghiệp rất giỏi chuyên môn lại có tài hát hay, đàn giỏi. Và anh, đã yêu cô... 
Hoa khóc. Những giọt nước mắt kìm nén đã bật ra như suối, cô khóc tu tu như một đứa trẻ. Trong khoảnh khắc này, có gì đang đổ vỡ trong lòng, bóp lấy trái tim cô nghẹn ngào, thổn thức. Thắng khẽ bảo:
 
- Em tiếc gì chứ, người ta vui không hết, rời xa cái nơi khỉ ho cò gáy này xuống phố lại không thích!
 
 Thắng là vậy, anh sống rất thực tế. Anh thường bảo với cô mạnh ai nấy sống, mình có thân mình tự lo. Và rằng, không ai có thể sống bằng tình thương. Thương người có mà cạp đất ra mà ăn... Cô hiểu, tính cách như thế vì anh sinh trưởng trong gia đình buôn bán có tiếng ở huyện. Mẹ anh kinh doanh cửa hàng trang sức và mở tiệm tạp hóa lớn nhất vùng. Nhưng anh yêu cô thực lòng...
 
Chiếc xe chạy êm ru trong bóng tối, những ánh đèn hiện dần xua tan màn đêm  tĩnh mịch. Về đến phố, không khí khác hẳn, điện sáng rực cả một góc trời. Xe cộ ồn ào, huyên náo. Bất giác Hoa nhớ mảnh trời đầy sao và tiếng côn trùng rỉ rả trước khu tập thể cũ. Vào những đêm trăng thanh gió mát, hay những đêm tối trời, Quân vẫn thường vừa đệm đàn vừa hát: “Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu”... Giọng hát trầm ấm, da diết buồn bay chập chùng rồi rơi vào khoảng không sâu thẳm. Tất cả mọi người  trong khu tập thể giáo viên đều hiểu. Hoa hiểu. Nhưng cô đã có người yêu. Người ta bảo, những điểm trường lẻ nơi vùng cao chỉ là trạm trung chuyển. Người ta chỉ dừng chân khi không còn chốn để đi. Và sẽ chuyển trường về xuôi khi có điều kiện. Hoa cũng vậy, cô còn một người mẹ già ở quê. Quân biết, sớm muộn gì Hoa cũng sẽ như bao nhiêu người đồng nghiệp khác của anh sẽ rời mảnh đất này. Người ta không thể chôn vùi tuổi xuân nơi núi rừng heo hút huống chi là nảy sinh thêm một mối quan hệ. Ngày Hoa đặt bộ hồ sơ xin thuyên chuyển xuống bàn Quân, anh nhìn cô, ánh mắt đượm buồn:
 
- Em đã suy nghĩ kỹ chưa?
 
- Dạ rồi! 
 
- Chúc em thuyên chuyển thành công, anh mừng cho em...
 
Kìm lòng lắm, anh mới không nói lời níu giữ. Suy cho cùng, ở lại vùng núi này chỉ là lựa chọn của riêng anh. Ai cũng chọn cho mình con đường bằng phẳng, đường ghập ghềnh mấy ai đi? Sau khi tốt nghiệp đại học ra trường, với tấm bằng loại giỏi, anh xung phong lên miền núi. Nhà anh giàu, có điều kiện. Anh thừa sức xin về dạy một trường ngon lành trong phố, nhưng anh không thích. Anh bảo, anh yêu mảnh đất này và những em học sinh nơi đây. Những đứa trẻ quanh năm mặc quần áo vá, đen sạm và khét nắng. Mọi người trong trường vẫn bảo anh là Quân “hâm”. 
 
Cái biệt danh chết với tên anh từ dạo anh mới về. Anh đem cả tháng lương và tiền thu hút theo chế độ của mình để mua đồ dùng học tập cho lũ trẻ, còn anh ăn mì tôm qua ngày. Bố mẹ anh nhiều lần đến đón, năn nỉ thuyết phục thế nào anh cũng không về phố. Ở người thầy ấy, Hoa nhận ra tình yêu học trò tha thiết. Và anh, sống không màn lợi danh, tiền tài, cô quý anh. Nhưng quý không phải là yêu. Có thể, từ quý đến yêu chỉ là khoảng cách mong manh, nhưng Hoa không muốn rút ngắn khoảng cách ấy, vì cô không muốn thay đổi. Vả chăng, dù ở huyện có bao nhiêu cô gái xinh đẹp giàu có hơn Hoa, nhưng Thắng vẫn chờ đợi cô. Thắng là bức tường thành kiên cố khiến cô không thể xao lòng...
 
Chiếc xe đỗ xịch trước cổng, Hoa bước xuống xe. Thắng bảo: “Em ngủ ngon, mai anh đón em đi ăn sáng và mua đồ. Em cần gạt bỏ cái lốt quê mùa của cô giáo miền núi ấy đi. Quên cái nơi khỉ ho cò gáy, có gì đẹp đẽ đâu mà nhớ cho mệt!”. Cô không phật lòng, chỉ thấy buồn. Hình như, có chút khoảng cách len lỏi trong tâm trí. Mùi nước hoa rất men của anh phảng phất nồng nàn. Tự dưng, cô thấy xa lạ. Cô quen cái mùi mồ hôi, chua chua khen khét của lũ nhỏ, quen những gót chân và những bộ quần áo dính bụi. Ở Thắng, chỉnh chu quá, sang trọng quá. Bất giác, cô rùng mình. Thắng làm sao hiểu được những khoảng lặng trong tiềm thức của cô, khoảng lặng rất đỗi bình yên.
 
Căn nhà cô vẫn vậy, quen thuộc và không có gì thay đổi từ khi cô ra đi. Mẹ cô tay run run, khóe mắt rưng rưng chờ con về. Lòng cô chùng xuống, nếu không vì mẹ, có thể cô sẽ ở lại với các em nhỏ. Thoáng nhìn, bà cụ hiểu được nỗi lòng của con gái. Từ ngày bố mất, hai mẹ con nương tựa vào nhau. Với mẹ, Hoa luôn là đứa trẻ bé bỏng. Dẫu có chọn lựa thế nào bà cũng ủng hộ.
 
Đêm hôm ấy, Hoa sà vào lòng mẹ, trút mọi nỗi niềm. Trái tim người mẹ thấu hiểu. Xoa đầu con, bà khẽ bảo:
 
- Mỗi người có một cuộc đời để sống và có quyền lựa chọn cho cuộc sống của chính mình. Với mẹ, tiền của không quan trọng. Hạnh phúc nhất của mẹ là được nhìn con sống thật vui vẻ, hạnh phúc. Con đường phía trước còn dài, con hãy đi con đường mà con muốn!
 
Lật giở những lá thư, nét chữ non nớt liêu xiêu, lem nhem màu mực tím, cả một miền nhớ ùa về trong Hoa. Từng gương mặt thân quen chợt ẩn chợt hiện. Huy với mái tóc tổ quạ cháy nắng. Bé Hiền với khuôn mặt bầu bĩnh, phơn phớt hồng... Tính ra, cô xa ngôi trường ấy đã gần hai năm rồi. Những lá thư cô và trò vẫn đi về đều đặn. Tuyệt nhiên, Quân chưa một lần gọi điện hay hỏi thăm cô, Hoa cũng thế. Cả hai người đều không muốn khuấy động những gì đã qua. Nhưng ký ức trong Hoa không bao giờ ngủ yên. Vào những đêm trăng, khi ánh sáng bàng bạc xuyên qua kẽ lá rơi xuống mặt đất như những bông hoa li ti. Nỗi nhớ những ngày đã qua hiện lên sống động vô cùng. Những đêm đầy trăng như thế này, vùng núi đẹp lắm. Trăng chiếu mấp mô trên những hòn sỏi cuội. Tụi nhỏ hò hét chơi trốn tìm náo động cả khu tập thể cũ. Là Quân với cây đàn và giọng hát bập bùng... “ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu”... giọng hát quá đỗi thiết tha và ám ảnh. Giọng hát vượt qua tháng năm sao mà trẻ...
 
Mẹ Hoa mất. Chuyện cưới xin vì thế cũng đành gác lại. Giờ đây, căn nhà của cô đầy những sách vở và quần áo cũ. Cô thương tụi nhỏ trên ấy nên gom đồ dùng để chuyển theo những chuyến xe cho các em. Những việc cô làm, Thắng bảo ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Nhiều khi, nhìn cô cặm cụi gom phân loại và giặt giũ những thứ đồ cũ, mặt anh cau có khó chịu, anh gào lên:
 
-  Sao em cứ tha những thứ rác rưởi này về nhà? Vi trùng, vi khuẩn cả ổ ở đây. Anh không chấp nhận!
 
Hoa sững sờ nhìn anh, cô im lặng. Sinh ra ở vạch đích như anh làm sao hiểu được những bữa ăn đầy rau rừng của các em. Thậm chí, đến cơm cũng không có. Làm sao anh có thể hiểu được những ngày mùa đông dài lê thê các em rét như thế nào, làm sao anh hiểu cả tỷ chuyện những người khác đều hiểu? Cô gằn giọng:
 
- Mình chia tay đi!
 
Thắng quay bước, đôi giày bóng loáng gõ mạnh lộp cộp trên nền xi măng. Đó là dấu hiệu anh giận dữ. Với cô, giờ không còn quan trọng nữa. Cô không chạy theo níu kéo. Chỉ lặng lẽ nhặt nhạnh nốt đống đồ còn lại. Nhấc điện thoại, cô gọi vào số máy quen thuộc: 
 
-  Anh Quân à, trên đó còn chỗ cho em không?
 
 

.