Tín ngưỡng thờ cá Ông: Nét văn hóa của cư dân vùng biển

08:12, 17/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ nhiều đời nay, cư dân vùng biển Quảng Ngãi đã dựa vào biển, bám biển mưu sinh. Biển không chỉ là không gian sinh tồn, mà còn là không gian phản chiếu của lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán... Trong đó, nét văn hóa tiêu biểu là tín ngưỡng thờ cá Ông. Và việc tìm hiểu tín ngưỡng này cũng sẽ mang đến cho du khách một trải nghiệm thú vị, nhất là khi những nơi thờ phụng bước vào mùa lễ hội.
[links()]
Lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống 
 
Tín ngưỡng thờ cá Ông gắn với lễ hội cầu ngư là sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cư dân ven biển miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, góp phần gìn giữ và nâng cao giá trị của tín ngưỡng, lễ hội truyền thống trong kho tàng văn hóa dân tộc. Với ngư dân, cá Voi hay còn gọi là cá Ông có vị thế đặc biệt.  
Lăng Tân (Lý Sơn) - nơi thờ bộ xương cá Ông có niên đại gần 200 năm.                      Ảnh: T.L
Lăng Tân (Lý Sơn) - nơi thờ bộ xương cá Ông có niên đại gần 200 năm. Ảnh: T.L
Tương truyền rằng, xa xưa Phật Bà Quan Thế Âm đã xé pháp y thành muôn mảnh thả trên mặt biển, hóa phép cho chúng thành cá Voi và lấy xương voi ban cho loài cá này, giúp chúng có sức mạnh để có thể cứu dân. Từ đó, mỗi khi có thuyền gặp nạn là cá Voi lại xuất hiện để cứu người, dìu ghe thuyền vào bờ. Sự tích cá Voi và sự thiêng hóa của nó còn được ghi chép trong các thư tịch cổ. Sách "Đại Nam nhất thống chí" có đoạn: “Cá Voi được gọi là Đức Ngư, tánh từ thiện hay cứu giúp người đi qua biển do mắc nạn. Đầu niên hiệu Minh Mạng, vua đặt tên cho là Nhân ngư, đầu niên hiệu Tự Đức gọi là Đức Ngư”...
 
Tại huyện Lý Sơn, tín ngưỡng thờ cúng cá Ông trở thành văn hoá tâm linh, gắn bó không thể tách rời đối với cư dân đất đảo. Ông Phạm Trai, ở xã An Vĩnh, nhiều năm quản lý lăng Tân chia sẻ: "Trong tâm thức của ngư dân, cá Ông chính là thần Nam Hải, vị thần sinh ra từ mảnh áo cà sa của Quan âm Bồ tát. Dù cá Ông được thờ cúng nhiều nơi, nhưng Lý Sơn là nơi có nhiều lăng cá Ông nhất". Huyện Lý Sơn hiện có 13 lăng, miếu thờ cá Ông. Trong đó lăng Tân đang thờ tự bộ xương cá Voi lớn nhất Việt Nam, được tôn vinh là lăng Đồng Đình Đại Vương, vị thần có quyền lực nhất trên Biển Đông. Bộ xương cá Voi ở đây có chiều dài 24m, niên đại hơn 400 năm. Các lăng thờ cá Ông trên đảo là địa điểm tín ngưỡng, tâm linh, là nơi tổ chức các lễ hội văn hóa dân gian liên quan đến tục thờ cúng cá Ông, các lễ hội cầu ngư, đua thuyền gắn với nghi lễ tế cá Ông mang đậm sắc thái văn hóa biển.
 
Ở các địa phương ven biển trong tỉnh nhiều nơi có lăng thờ cá Ông. Một số lăng hiện còn giữ khá nguyên vẻ đẹp kiến trúc cổ cách đây vài trăm năm như: Lăng Đông Yên, Mỹ Huệ, Cù Lao, Thanh Thủy (Bình Sơn), lăng An Chuẩn (Mộ Đức), lăng Thạch Bi - Sa Huỳnh (Đức Phổ)...
“Trong tâm thức của ngư dân, cá Ông chính là thần Nam Hải, vị thần sinh ra từ mảnh áo cà sa của Quan âm Bồ tát. Dù cá Ông được thờ cúng nhiều nơi, nhưng Lý Sơn là nơi có nhiều lăng cá Ông nhất”.
 
Ông PHẠM TRAI, quản lý lăng Tân ở xã An Vĩnh (Lý Sơn)
Khát vọng vươn ra biển lớn  
 
Thờ phụng cá Ông và tổ chức lễ hội cầu ngư của các cư dân vùng biển hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, hướng con người đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đó là tư tưởng tôn trọng và sống hài hòa với tự nhiên - nơi mà từ bao đời nay, con người vừa phải chống chọi, vừa phải nương tựa để tìm kế sinh tồn, phát triển bền vững. Tín ngưỡng ấy còn phản ánh một đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Sự thiêng hóa một loài vật trong thực tế để thờ phụng từ thế hệ này sang thế hệ khác, không chỉ phản ánh khát vọng về cuộc sống bình yên, mà còn mang tính cố kết cộng đồng. Các ngư dân vùng biển đã và đang hằng ngày bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa quan trọng ấy cho con cháu đời sau tiếp nối. Lão ngư Trần Phát, ở làng chài Gành Cả, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết: "Khi chưa cúng cá Ông thì bà con mình chưa thể xuất hành đi biển được. Đầu năm, các chủ vạn đều phải cúng xin thần Nam Hải để ngư dân xuất hành đánh bắt an toàn, bội thu".
 
Trải qua thời gian, nhiều lăng thờ cá Ông đã xuống cấp, hư hỏng. Người dân các địa phương ven biển đã đóng góp tiền của, công sức để tu sửa, giữ gìn các lăng thờ nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống từ bao đời nay ở vùng ven biển.
 
KIM NGÂN 
 
 
 
 
 

.