*Truyện ngắn của
VŨ YẾN
(Báo Quảng Ngãi)- Ông Vận nằm trên chiếc giường đơn cạnh cửa sổ, cơ thể của ông cứ vang lên những âm thanh rệu rạo mỗi khi ông cố gắng trở mình. Nhìn ra ô cửa, ông Vận thấy mình như cô gái Johnsy đang nhìn ngắm cành cây khô quắt cuối đông chỉ còn đơn độc một chiếc lá đang cố bám trụ trên cành (truyện Chiếc lá cuối cùng của O.Henry). Nhưng chiếc lá của Johnsy được vẽ lên bằng sự thương mến của người họa sĩ già, còn chiếc lá của ông thì đúng là chiếc lá khô mỏng manh trên cành khó lòng trụ vững qua ngày mai... Huy, con trai ông vẫn chưa về, thằng bé ngày nào còn nằm ngay ngắn trong nôi giờ đang ở cách xa ông cả ngàn dặm, còn ông giờ nằm đây với khuôn mặt đầy nếp gấp của thời gian...
***
Huy vẫy chiếc xe taxi trong ánh sáng chập choạng của buổi chiều. Chiếc xe hòa cùng dòng người tan tầm ở thành phố không ngủ này tiến về phía sân bay. Thời gian ngồi trên xe trôi qua thật chậm, lời nói của người cô qua điện thoại cứ tua đi tua lại trong đầu Huy như lời của MC trên chương trình radio giao thông: “Con tranh thủ về thăm bố nhé! Ông ấy không được khỏe lắm. Càng sớm càng tốt con nhé...”.
***
“Mình đã bao lâu chưa về quê nhỉ?”, Huy tự nhủ. Hình như năm nay đã là năm thứ 3. Quê hương anh chỉ cách thành phố này chưa đầy 2 giờ bay, nhưng sao đến 3 năm rồi anh mới trở về? Năm đầu tiên anh không về vì đứa con sắp chào đời, năm thứ 2 vì con còn bé quá vợ anh sợ con không chịu nổi chặng đường dài, năm thứ 3 vì dịch bệnh, vậy còn năm nay anh có ý định về quê không nhỉ? Lâu lâu bố con anh vẫn nói chuyện qua videocall, anh thấy bố mình vẫn bình thường mà, chỉ mới tuần trước bố anh còn bảo năm nay mà không về thì ông sẽ vào thăm anh. Vậy mà... sao lại ra nông nỗi này cơ chứ.
Suốt chặng bay, Huy cứ tự vấn bản thân như vậy. Anh cảm thấy có lỗi với bố mình.
Chiếc taxi vừa trờ đến cổng nhà, tim Huy đã đập thình thịch, một nỗi sợ mơ hồ cứ lởn vởn trong đầu anh từ lúc cô anh gọi điện. Anh gọi to: “Bố”. Ông Vận đang lui cui tưới chậu mai ngay trước thềm nhà từ từ ngẩng mặt lên, ông kéo tà áo chùi vội giọt nước mắt rồi giả vờ dụi dụi kiểu như không tin được rồi thốt lên: “Cha tổ nhà mi, sao lại về giờ này hả con?”. Huy chạy lại tính ôm lấy ông, nhưng anh bỗng khựng lại, xưa giờ bố con anh chẳng bao giờ thân thiết đến đỗi có thể ôm ấp hay nói lời yêu thương, anh bèn nắm lấy vai ông rồi xoay trái, xoay phải. Ông Vận hơi chóng mặt, cơn đau mơ hồ lại cuộn lên từ trong bụng, ông nghiến chặt răng rồi khẽ nhắm mắt nói: “Mày từ từ chứ bố mày đâu còn trẻ mà mày lắc như lắc xúc xắc thế”. “Cô bảo bố ốm, không còn được...”, Huy bỏ dở câu nói khi nhận thấy mình lỡ miệng. Ông Vận la lên: “Trời đất, thế nó bảo tao chết mày cũng tin hả con?”. Huy im lặng, cúi đầu như biết lỗi.
***
Sao mình lại hồ đồ như vậy nhỉ? Sao mình không gọi cho bố để xác nhận lại trước rồi hẵng về? Công ty còn một núi việc chưa giải quyết. Chiều qua mình chỉ kịp tạt về nhà gói hai bộ đồ, thằng con còn chưa đi học về, nó về không thấy mình thì có tìm mình không nhỉ? Nó có nhớ mình không? Mình thì nhớ nó quá cơ, nhớ cái tiếng bi bô “Bố, bố chở con”, “Bố yêu, bố yêu” của nó, nhớ cái mùi cơ thể thoang thoảng vị sữa, nhớ bàn tay bé xíu nắm lấy ngón tay anh. Anh mong thằng bé cứ mãi trẻ thơ như thế, đừng vội vàng lớn lên... Huy nhìn đồng hồ, đã hơn 8 giờ sáng, giờ này chắc vợ anh đã chở thằng bé đến trường mẫu giáo rồi. Thôi thì đằng nào tối nay anh cũng được gặp con, không vội.
Huy miên man nghĩ ngợi khi ngồi trước bậc tam cấp, trong khi ông Vận vào bếp nấu bữa sáng. Từ ngoài cổng nhà, bà Thời xồng xộc chạy vào: “Thằng Huy về rồi đấy hả? Thế tình hình mày với bố tính thế nào?”. Huy chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo gì cả, ông Vận đã đứng trước cửa tự khi nào, ông quát: “Cái cô này hay nhỉ? Tính tính cái gì, có gì mà phải tính hả? Tôi còn chưa trách tội cô bịa chuyện trù ẻo tôi đau ốm đấy nhé”, ông Vận trừng mắt với bà, trong chốc lát bà Thời như hiểu ra, bà ú ớ: “Ơ! Em... em...”. “Thôi cô vào ăn sáng với bố con tôi rồi dẫn nó qua nhà mà chào hỏi mọi người, đừng có mà đứng đấy cản trở”, ông Vận khoát tay bảo.
***
Món cháo cá, món ăn yêu thích của Huy đang bốc khói nghi ngút trên bàn. Ba người cùng ngồi quây quần, Huy cảm thấy khá vui vẻ. Anh hào hứng thưởng thức món ăn mà lâu rồi mình chưa được ăn, không để ý ánh mắt dò hỏi của bà Thời đang nhìn ông Vận, ông khẽ lắc đầu, bà cũng đành im lặng. “Sao tô cháo ngon thế này mà mình nuốt mãi chẳng trôi nhỉ?”, bà Thời nghĩ.
Xong bữa sáng, bà Thời dẫn đứa cháu trai đích tôn đi khắp xóm để thăm bà con, ông Vận bảo có công chuyện nên ở nhà. Mỗi nhà vài câu thăm hỏi, mấy người chú, anh chị trong họ còn mời Huy nhấp chén rượu, mới có hơn chục nhà mà anh đã chếnh choáng say. Về đến nhà đã quá trưa, Huy nằm vật ra giường rồi đánh một giấc ngủ thật ngon. Hình như trong lúc ngủ, Huy đã nằm mơ thấy mẹ, đôi bàn tay ấm áp của mẹ cầm lấy tay anh, mẹ còn khóc nữa, trên má anh vẫn còn vương hơi ấm nóng hổi của giọt nước mắt ấy.
Huy choàng tỉnh khi trời đã chập choạng tối. Chuyến bay của Huy là chuyến bay cuối cùng của ngày nên anh không vội mấy. “Từ nhà ra sân bay cũng gần, mình vẫn có thể ăn cơm cùng bố rồi mới đi. Mà lâu rồi mới mơ thấy mẹ, giấc mơ thật quá...”, Huy mơ hồ nghĩ về giấc mơ ban nãy, rồi vươn vai ngồi dậy.
Anh nhìn quanh, căn phòng của anh vẫn vẹn nguyên như trong trí nhớ. Cái bàn học vẫn dán chi chít những tấm giấy khen đã ố màu, vài quyển vở cũ vẫn nằm ngay ngắn trong hộc bàn, trong góc phòng là chiếc nôi mà ngày xưa bố tự tay làm cho anh nằm. Bố anh vẫn giữ nguyên căn phòng này như lúc anh còn ở nhà, chỉ khác, bố đã đổi chiếc giường đơn của anh thành chiếc giường đôi từ khi anh cưới vợ, nhưng thực ra chiếc giường cũng chỉ mới được sử dụng đúng một lần.
***
Tiếng rên nho nhỏ ở phòng bên cạnh khiến Huy chú ý, anh khẽ đẩy cửa bước vào. Ông Vận nằm trên chiếc giường nhỏ đơn sơ, cơn đau khiến thân thể ông Vận co gập, ông đang cuộn tròn mình trên giường, trong khoảnh khắc Huy tưởng như đang nhìn thấy một đứa trẻ đang cuộn mình lại trong bụng mẹ. Nhưng người đàn ông trên giường trông rất đau đớn, hai bàn tay ông bấu chặt vào bụng, khuôn mặt đầy vết chân chim của ông càng hằn sâu thêm, mồ hôi lấm tấm trên trán...
***
Nằm trên giường bệnh, ông Vận nghĩ vậy là kế hoạch đã bị đổ bể. Tất cả cũng chỉ tại cái miệng của em gái ông. Thấy Huy cứ lăng xăng líu xíu bên mình, ông chỉ biết thở dài. Ông Vận phát hiện mình bị bệnh hiểm nghèo chỉ mới cách đây vài tháng. Những cơn đau cứ tăng dần từng ngày rút bớt đi sức lực của ông. Ông định chấp thuận xạ trị vài lần cho cơ thể ổn định hơn, rồi ông sẽ vào thăm Huy và thằng cháu chỉ mới được thấy qua hình ảnh, video... vậy thì ông mới bình thản mà nhắm mắt được. Ông là người kiên cường, chút ít bệnh tật này đâu có vật đổ ông dễ dàng vậy được chứ, ông cũng còn nhiều việc cần làm, nhiều điều cần nói với con cháu mình, đâu có dễ mà giã từ sớm được... Mà ông cũng không muốn làm rối loạn cuộc sống của con trai mình, không muốn bắt nó phải chăm sóc ông, phải chứng kiến cảnh ông đau đớn trên giường bệnh như thế này.
“Huy này”, ông khẽ gọi. Huy đến bên giường, nắm lấy tay bố mình rồi ngồi xuống. Nhìn thấy con trai đang nhoẻn cười, ông Vận lại không thể thốt ra được lời nào, dù ông muốn nói rất nhiều, muốn bảo rằng bố chẳng sao mà, con hãy về với gia đình, với con trai của mình đi, bố khỏe, bố tự lo được cho mình... Như hiểu những lời ông Vận chưa thể cất lên thành lời, Huy cầm bàn tay chai sần của ông Vận khẽ thì thầm: “Dù con lớn thế này, nhưng con vẫn sẽ mãi là thằng bé con của bố. Vậy nên, bố đừng bảo con đi đâu cả nhé”. Giọt nước mắt nóng hổi chảy ra từ đôi mắt đục ngầu của ông Vận rơi xuống tay Huy. “Sao giống giọt nước mắt của mẹ trong mơ vậy nhỉ?”, Huy hồi tưởng lại.
Ngoài cửa, tiếng đứa trẻ vang lên lanh lảnh: “Bố Huy đâu rồi? Ông nội đâu rồi? Con về rồi nè”.
***
Ông Vận chuyển về nhà đã được 2 hôm, gia đình Huy vẫn ở lại nhà. Anh bảo: “Con dồn phép mấy năm nghỉ ở nhà với bố cả tháng cho thỏa”. Ông Vận vẫn nằm trên chiếc giường nhỏ cạnh cửa sổ, cành cây đã trút chiếc lá cuối cùng, nhưng những chồi non cũng đã nhú lên xanh nõn trên thân cây. Đứa cháu trai ngồi cạnh ông ngọng nghịu: “Ông nội một chăm tủi rồi phải không ạ?, ông nội sống đến hai chăm tủi với con nghen”. Ông Vận đưa tay vuốt mái tóc đen nhánh của thằng bé cười bảo: “Ừ, sống mãi mãi với con luôn có chịu không?”.../.