(Báo Quảng Ngãi)- Họa sĩ Phạm Văn Thu, ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) đã gặt hái nhiều thành công và để lại dấu ấn riêng tại các sân chơi hội họa, với sở trường riêng, đó là tranh khắc gỗ, một thể loại khó của hội họa, đòi hỏi am hiểu chất liệu cũng như sự tỉ mỉ, kiên trì.
Họa sĩ Phạm Văn Thu chia sẻ: Tôi vốn đam mê hội họa từ khi còn học phổ thông. Sau khi học Trường Trung học chuyên ngành mỹ thuật (tỉnh Nghĩa Bình cũ), tôi về công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Minh Long. Sau 3 năm công tác ở miền núi, thì chuyển về làm việc tại Phòng Văn hóa - Thông tin, nay là Trung tâm Văn hóa - Truyền thông - Thể thao huyện Tư Nghĩa. Vừa nghỉ hưu sau nhiều năm gắn bó với ngành văn hóa, theo lời họa sĩ này, đây là khoảng thời gian tĩnh lặng để ông tiếp tục với đam mê sáng tạo trong lĩnh vực hội họa đã theo đuổi nhiều năm qua.
Họa sĩ Phạm Văn Thu sáng tác trên tranh gỗ. |
Đến nay, họa sĩ Phạm Văn Thu đã sáng tạo hàng chục tác phẩm hội họa. Trong số đó, ông để lại dấu ấn đậm nét ở thể loại tranh khắc gỗ. So với các chất liệu khác thì gỗ là chất liệu tương đối “khó chơi”, nhưng lại kích thích khả năng sáng tạo rất cao của người nghệ sĩ. “Sáng tác tranh khắc gỗ là công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, cần sự cẩn trọng và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Trước hết phác thảo các chi tiết trên giấy, sau đó đưa ý tưởng lên mộc bản. Khi phác thảo hoàn chỉnh sẽ dùng giấy in các đường nét lên mặt gỗ. Tiếp đến công đoạn đòi hỏi tính kiên trì của người làm nghệ thuật, đó là khắc gỗ. Hoàn thiện trên bản gỗ sẽ được lăn bằng mực trước khi đặt giấy lên in”, ông Thu chia sẻ.
“Tôi sẽ không ngừng sáng tạo để đưa mảng tranh khắc gỗ đến gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật. Mỗi ngày, tôi cố gắng tìm tòi ý tưởng để có những tác phẩm mới cũng như hoàn thiện kỹ năng, theo đuổi dài lâu với niềm đam mê của mình”.
Họa sĩ
PHẠM VĂN THU
|
Tranh khắc gỗ của Phạm Văn Thu đa dạng về đề tài, phong phú về nội dung, nhiều nhất là chủ đề về quê hương, làng nghề truyền thống, biển, đảo, lễ hội văn hóa dân gian... Trong đó, tác phẩm “Phong cảnh vùng cao” năm 1990 là tác phẩm đầu tiên, nhưng đã tạo được tiếng vang khi lần đầu được chọn triển lãm mỹ thuật toàn quốc.
Đến năm 2000, ông tiếp tục có tác phẩm triển lãm toàn quốc cũng với đề tài phong cảnh vùng cao và nhiều tác phẩm được triển lãm ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tiêu biểu có tác phẩm “Lễ hội Tây Nguyên” đoạt giải B (không có giải A) năm 2019 và “Lễ hội mùa xuân Tây Nguyên” đoạt giải khuyến khích (năm 2020), tại triển lãm khu vực miền Trung - Tây Nguyên. “Lễ hội Tây Nguyên” hiện lên chân thật, giản dị và hết sức sinh động. “Qua tác phẩm, tôi muốn truyền tải những giá trị văn hóa, phong tục, tập quán của mảnh đất và con người nơi đây đến với công chúng yêu nghệ thuật”, họa sĩ Thu bộc bạch.
Tác phẩm "Lễ hội Tây Nguyên" đoạt giải B tại Triển lãm Hội họa khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2019. ẢNH: KIM NGÂN |
Ngoài ra, họa sĩ Phạm Văn Thu cũng để lại ấn tượng với tranh chất liệu sơn dầu. Trong đó, tác phẩm “Các cháu hãy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” đoạt giải A Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học-nghệ thuật, báo chí của Quảng Ngãi về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2013. Tác phẩm “Bám biển, giữ biển” của ông cũng đã đoạt giải khuyến khích tại triển lãm khu vực Kon Tum - Quảng Nam năm 2014...
Với nhiều đóng góp trong lĩnh vực hội họa, họa sĩ Phạm Văn Thu vinh dự được kết nạp làm hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2017.
Kim Ngân