*Truyện ngắn của
VŨ YẾN
(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày đầu tháng 8, Vịnh rời thành phố về một tỉnh miền Tây sông nước, nơi anh nghĩ không ai biết đến mình với ý định bắt đầu thực hiện ước mơ bằng việc mở một quán ăn nhỏ.
Căn nhà Vịnh được giới thiệu đến thuê nằm khép mình trong con hẻm cụt nơi tuyến phố sầm uất, anh cho rằng như vậy cũng không tồi chút nào bởi quán ăn của anh cũng chỉ bán những món bình dân, nếu ở ngay đường lớn thì không đọ lại mấy quán ăn khác, tiền mặt bằng lại cao, như thế anh cũng không đủ khả năng chi trả. Căn nhà này chỉ mới nhìn qua là Vịnh đã ưng ý rồi. Nó chỉ là một căn nhà cấp 4 cũ, nhưng dường như được người chủ bảo dưỡng kỹ, vì thế ngoài những nét rêu phong bởi thời gian của mái nhà và bức tường vàng thì mọi thứ bên trong vẫn còn rất mới. Trước nhà là cây phượng già đổ bóng che mát hết cả khoảng sân be bé. “Mình sẽ trồng thêm một giàn thiên lý ở trước hiên nữa là hoàn hảo”, Vịnh đã nghĩ vậy khi lần đầu tiên nhìn thấy ngôi nhà.
“Không biết cô hai đi đâu rồi héng? Cậu ngồi chờ chút để tui đi gọi bả thử”, người phụ nữ hàng xóm nhiệt tình kéo cậu ngồi xuống bậc tam cấp trước nhà rồi cất tiếng gọi: “Chị hai, có nhà hôn? Người ta tìm tới mướn nhà nè”. Người phụ nữ mặc cái áo bà ba màu nâu sòng, quần đen ống rộng, trên đầu quấn cái khăn rằn che hết cả mái tóc tất tả chạy từ dưới nhà lên rồi sững người khi nhìn thấy Vịnh. “Thầy Vịnh!”, chị gọi. Vịnh hơi ngỡ ngàng, anh bối rối vò mái tóc đã dài quá vành tai vì nhiều tháng chưa cắt, cố gắng lục tìm trong đầu về hình ảnh của người phụ nữ trước mặt, không có tia sáng nào vụt qua. Anh ngập ngừng mở lời: “Chị có quen tôi sao?”. “Chèn ơi, thầy Vịnh, thầy không nhớ tui thiệt hả? Hai Diệp ở U Minh nè thầy”.
Vịnh lại vò mái tóc rối, đó là thói quen của anh khi gặp chuyện gì khó nghĩ. Anh mở lời: “Chị Hai Diệp, chắc chị nhận nhầm người rồi, tôi tên Vịnh thật, nhưng tôi không phải là giáo viên, với cả tôi cũng chưa dạy ai cái gì bao giờ...”.
Nét cười trên gương mặt Hai Diệp hơi chững lại một chút, rồi khóe miệng chị càng cong lên, nụ cười trở nên tươi tắn hơn bao giờ hết. Chị khoát tay bảo: “Không lầm, không lầm. Tui nhớ rõ năm đó mà. Mười lăm năm trước ở U Minh, chính thầy là người dạy cho tui bài học vỡ lòng đầu tiên. Cũng nhờ thầy mà cuộc đời tui khác đi rất nhiều, vì thế tui không có nhớ sai gì đâu. Thầy nhớ hôn? Đợt mùa hè xanh ấy, thầy đã dạy chữ cho các chị em phụ nữ trong ấp ấy”.
Mùa hè xanh? Dạy chữ? Ký ức về những năm tháng tuổi trẻ lẩn khuất ở đâu đó trong tiềm thức của Vịnh bỗng trở nên rõ nét hơn.
***
Mười lăm năm trước, khi còn ngồi trên giảng đường đại học, Vịnh cũng như bao thanh niên ở độ tuổi ấy đều hừng hực nhiệt huyết. Năm nào Vịnh cũng tham gia chiến dịch Mùa hè xanh, những năm đầu chỉ là những chiến dịch nhỏ ở khu vực ngoại ô thành phố. Mùa hè năm học thứ 3, lần đầu tiên Thành đoàn tổ chức đợt tình nguyện về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, trường Vịnh được phân về một số xã của tỉnh nằm ở vùng cực Nam của Tổ quốc, Vịnh cùng 30 người bạn khác được đưa về đây. Mùa hè đó, những con người ở U Minh trở nên hiếu kỳ vì đám thanh niên mặc áo xanh, đội mũ tai bèo nói đủ thứ giọng Bắc - Trung - Nam. Mùa hè đó, con đường thôn chạy dọc kênh rộn ràng tiếng cười nói, những nếp nhà nhỏ cũng trở nên náo nhiệt hơn hẳn.
Nhiệm vụ đợt tình nguyện năm đó rất nhiều, nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất là dạy chữ cho phụ nữ ở đây. Vịnh nhớ khi đề xuất dạy chữ được nêu ra, đám thanh niên nhìn nhau nghi hoặc, bởi không phải dạy chữ cho đám trẻ con mà là những người phụ nữ. “Đa phần chị em trong ấp này đều không biết chữ, nhiều người chỉ học đủ để viết được cái tên của mình thôi, mà thời đại bây giờ thì bấy nhiêu chữ đó đâu có đủ, lỡ bị lừa cũng chẳng biết. Vì thế tôi mới đề xuất ý kiến vậy. Các cô cậu mà dạy chữ, thì tôi cho vợ tôi ra học đầu tiên”, anh trưởng ấp chỉ mới hơn 30 tuổi vừa nêu ý kiến trong ngày đầu tiên đoàn đến.
Nhờ có vợ của trưởng ấp nên buổi khai giảng đầu tiên có 5 chị đến học. Họ đều là những phụ nữ lớn lên từ mảnh đất này, hầu hết đã lấy chồng sinh con, nhưng chưa bao giờ đặt chân ra khỏi ấp, thế nên “biết chữ hay không thì cũng vậy thôi”, các chị bao biện vậy. Vịnh được cử làm giáo viên đứng lớp bữa đầu tiên, anh nói: “Tôi thấy các chị rất thông minh, tờ tiền mệnh giá bao nhiêu cũng biết, cộng trừ có khi còn nhanh hơn cả tôi. Vậy thì cớ sao các chị lại không muốn mình biết chữ? Chị Năm, chị có tiệm bán cá khô đúng không? Ấp mình giờ còn hoang vu thật, nhưng rất có tiềm năng phát triển du lịch, vài năm nữa khách du lịch đến đây, họ tới tiệm bảo chị bán mỗi loại khô cá vài ký, xong nhờ chị ghi giúp lên mấy cái túi ấy là cá gì để về còn biết đường mà cho họ hàng thì chị nói thế nào? Chị Bảy nữa, chồng chị là trưởng ấp, lỡ hôm anh ấy đau tay không viết lách gì được, mà người ta đến nhờ chồng chị viết giúp cho cái đơn, chị lại không viết giúp được thì làm sao? Chẳng lẽ các chị lại bảo với người ta là tôi không biết chữ sao? Tôi thấy các chị học chữ thì chỉ có được chứ không có mất”. Nói xong mấy lời này, Vịnh chợt nghĩ rằng không biết mình có nói chuyện sáo mòn hay sẽ bị đánh giá vì mấy cái lý luận đầy kẽ hở đó không? Bởi nhiều người ở đây nửa chữ bẻ đôi còn không biết mà vẫn sống khơi khơi ra đó. Rồi có phải ai cũng mù chữ đâu, con cái họ đều được đi học đàng hoàng kia mà? Ấy vậy mà không hiểu sao, các chị phụ nữ lại không hề xì xào gì nữa, họ tập trung học hành, nắn nót từng con chữ, vui vẻ khi hoàn thành đúng bài tập Vịnh giao.
Vài ngày sau, chị Bảy dẫn đến một người phụ nữ giới thiệu: “Đây là Hai Diệp, nó ở căn nhà gần kênh xáng chỗ đường rẽ vào ấp ấy, thầy Vịnh cho nó với thằng con vào học cùng nhé”. Đó là người phụ nữ tầm 34 - 35 tuổi, bận bộ bà ba đã ngả màu, nhưng trông sạch sẽ gọn gàng, nấp sau lưng chị là cậu bé đen nhẻm tầm 7 tuổi. Hai Diệp vào lớp sau, nhưng chị học rất nhanh, cả cậu con trai tên Thiện cũng rất hào hứng với quyển sách tô chữ có bìa xanh đỏ. Nhưng chị Hai Diệp cũng hay nghỉ học, cứ dăm bữa lại nghỉ một ngày. Có hôm chị đi học lại với vết bầm trên cánh tay, Thiện thì trông lấm lét hơn hẳn, chốc chốc thằng bé cứ liếc nhìn ra cửa lớp.
Một buổi tối, Vịnh chuẩn bị sách vở rồi cùng người bạn dạy chung rảo bước trên bờ kênh để đến lớp học thì bị níu lại bởi bàn tay vô cùng rắn chắc. “Mấy cô cậu từ đâu đến mà dạy vợ tui đi đêm vậy hả? Tui cấm, đừng bao giờ rủ rê nó đi ra khỏi nhà nữa nghen chưa?”. Sau đó, Vịnh mới biết đó là chồng Hai Diệp, anh ta làm việc trong rừng, nên dăm bữa mới về nhà một lần. Mỗi lần về đều đánh đập hai mẹ con, nhiều lần Hai Diệp đòi ly dị, nhưng anh ta cứ vừa cười vừa bảo: “Mày tự viết đơn đi rồi tao mới ký được”. Vì Hai Diệp không biết chữ, Thiện đã đến tuổi đi học, nhưng chồng chị chưa cho thằng bé đến lớp. Hàng xóm lại ngại người chồng vũ phu, nên không giúp được gì cho chị. Những chị em muốn giúp chị thì cũng chỉ biết chữ được chữ mất, không thể nào viết một lá đơn hoàn chỉnh...
***
“Năm đó, nhờ thầy mà tui đã biết chữ. Tui tự tay mình viết đơn ly hôn rồi dẫn thằng Thiện về nhà bà con ở đây này. Tui có nghề may, công việc cũng ổn định. Thằng Thiện vẫn đi học đều, còn tui đi học lớp bổ túc buổi tối. Tui học đến hết lớp 9 đó thầy”, chị Hai Diệp hồ hởi khoe.
Lát sau, một người đàn ông nhỏ thó bước vào phòng khách đã nắm lấy tay Vịnh. “Thầy Vịnh đây hả bà xã? Ôi gặp được thầy tui mừng quá trời. Vợ tui nhắc thầy hoài mà tui không biết khi nào mới có thể gặp được thầy. Cảm ơn thầy nghen, nhờ thầy mà tui mới cưới được vợ tui đây này”.
Vịnh nhìn vợ chồng Hai Diệp cười nói vui vẻ mà chỉ biết cười trừ. Anh cũng không ngờ rằng chức danh thầy giáo bất đắc dĩ của mình vào 15 năm trước lại tạo nên sự hạnh ngộ thú vị như vậy.
“Mà anh Hai, chị Hai đừng gọi em là thầy nữa. Em không xứng với cái danh xưng đó đâu. Em chỉ là anh đầu bếp quèn thôi”, Vịnh nói. “Không được. Trên sách có câu gì tui đọc rồi nè... À! “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, mà thầy Vịnh đâu có dạy tui nửa chữ, thầy dạy tui biết 24 chữ cái, rồi còn ghép vần nữa mà, không là thầy sao được?”.
Nắng lấp lóa xuyên qua tán phượng chiếu qua khung cửa nhỏ, chú ve cất tiếng ca cuối cùng chào hè, góp lời cùng cuộc trò chuyện giòn giã mà chất phác, mộc mạc. Vịnh nghĩ, có là thầy giáo hay là đầu bếp thì anh vẫn rất vui, vì việc làm của mình đã giúp đỡ được cho ai đó./.