Một thoáng văn- một thoáng người

09:09, 30/09/2020
.
(Baoquangngai.vn)- 27 bút ký, như 27 bức tranh khắc hoạ về những miền quê Quảng Ngãi mà Hồ Nghĩa Phương đã từng đến thăm, với những trăn trở, nghĩ suy về quá khứ, hiện tại, tương lai. Có phố phường, làng mạc, biển đảo, núi non. Có những nơi là thắng cảnh quen thuộc với người Quảng Ngãi từ bao đời, như Thu Xà, Thình Thình, Mỹ Khê… Có những địa danh mới được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây, như Bùi Hui, Gò Cỏ, bàu Cá Cái…
 
Chính xác hơn, thì cũng có lần anh vượt ra ngoài địa giới tỉnh nhà (trong bút ký “Về Quy Nhơn nhớ thời tỉnh Nghĩa Bình”), kể về những đổi thay ở vùng đất Bình Định, từng gắn bó với Quảng Ngãi trong một tên chung Nghĩa Bình. Nhưng đó là chuyến đi để mà nhớ lại, để quay về với những vui buồn của một thời chưa xa lắm.
 
24 trong số 27 bút ký, xúc cảm chủ đạo của tác giả dựa trên nền không gian. Đó là thành phố Quảng Ngãi sôi động nhịp sống hướng về tương lai, “đối xứng” với ngọn núi và ngôi chùa Thình Thình hoang sơ, trầm mặc. Là Lý Sơn quê đảo, nơi lưu giữ nhiều giá trị di sản và giàu có tiềm năng du lịch. Là Bùi Hui núi xa, lạ lẫm, độc đáo, kích thích bước chân của những người ưa khám phá. Có một Thu Xà, quê hương nhà thơ Bích Khê, nối sông về biển, nối phố với làng. Lại cũng có một Bình Dương êm đềm, đẹp như tranh thuỷ mặc, từng nhịp cầu, hàng tre gợi nhớ hình ảnh trong những bài thơ tuổi “hoa niên” của thi sĩ Tế Hanh.
 
Nhưng có lẽ sâu đậm nhất, gắn bó, đi về nhiều nhất trong tập bút ký của Hồ Nghĩa Phương, chính là Chợ Trạm- Sông Vệ quê anh, nơi anh sinh ra, gắn bó một thời thơ trẻ, rồi về lại sau bao năm xuôi ngược đường đời.
 
Người viết bài này, không dám viết thêm một dòng nào ở đây về Sông Vệ, về Chợ Trạm, vì trong bút ký Hồ Nghĩa Phương, từng câu, từng chữ về sông ấy, phố ấy đã mang hơi thở, giọt sống của cuộc đời anh. Tôi chỉ xin phép anh và bạn đọc yêu quý để nói rằng: Ở đó có chợ Trạm và Chợ Trạm, có sông Vệ và Sông Vệ. Rất nhiều khi tên gọi đổi thay lại mang theo nó những đổi thay của một vùng đất. Ban đầu chỉ là một chợ nhỏ ở vị trí trạm Tư Nghĩa, rồi trở thành thị tứ Chợ Trạm. Cũng gần như vậy, nhưng kỳ thú hơn, là chuyện sông Vệ và thị trấn Sông Vệ. 
 
Chỉ 3 trong số 27 bút ký, dòng xúc cảm chủ đạo của tác giả từ thời gian. Nếu “Tháng cuối năm”, nặng mối đồng cảm với những người đồng hương vì nhiều cảnh ngộ phải sống tha hương, luôn khắc khoải lo toan, nôn nao thương nhớ quê nhà khi nhìn cuốn lịch vơi dần trong những ngày tháng Chạp; thì “Cuối năm nhìn lại” là dòng tâm bút của tác giả, tuy chưa phải mượt mà, trác luyện, nhưng lại giàu sức lay động lòng người. “Tiếng vọng” (bút ký có tựa đề thành tên tập sách), vừa kể chuyện, vừa nhỏ nhẹ tâm tình. Chuyện mình, chuyện người. Nhân gian, thế sự, trộn lẫn hồi ức với suy tư thành một trang văn thật đẹp.
 
Văn là người (Le style, c’est l’homme), nhà tự nhiên học và là nhà văn nổi tiếng người Pháp Georges-Louis Leclerc de Buffon ((1707 - 1788) đã nói như thế. Tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc, không khó nhận ra điều này trong bút ký Hồ Nghĩa Phương, và cả trong thơ anh nữa. Đó lả con người sống hồn hậu, chân tình, giàu ý thức công dân, nghiêm cẩn với công việc mình làm, nhưng ứng xử đúng mực, có trước, có sau. 
 
Hồ Nghĩa Phương nhiều lần viết về Tổ quốc, về đảo xa, về núi cao, biển rộng, nhưng tôi chỉ mời quý bạn chầm chậm đọc đoạn trích này, khi anh viết về con sông Vệ quê mình, một đoạn văn thấy chập chờn bóng anh trong đó.
 
“Tôi thử thả mình xuôi về cuối dòng sông, quanh co những tên xóm tên làng thân thương: Vạn Mỹ, Năng An, Đông Mỹ, An Mô… với rặng tre xanh bao bọc, hàng cau thẳng tắp, vườn cây trái xanh màu… Chiếc thuyền của ngư phủ gác mái chèo, cắm sào ở bến sông lơ lửng nước xà hai. Ánh đèn hắt lên lung linh ngời bóng nước trong đêm, tiếng con cá quẫy đuôi làm gợn nước. Con don, con hến cào lên từ khúc cuối dòng sông để cho ta được bát canh hến, tô don nóng hổi. Yêu lắm những hình ảnh ngày xa xưa, khi ghe thuyền là phương tiện chính để vận chuyển hàng hóa nông sản từ trên nguồn đưa xuống tiêu thụ ở đồng bằng, rồi sau đó họ mua những thực phẩm, mắm muối thiết yếu mang về miền ngược. Nếu thời tiết không thuận, trời đã về chiều không kịp trở về, thì bãi cát giữa sông là bến đậu. Bữa cơm chiều sẽ được sửa soạn chính trên chiếc ghe, bếp lửa hồng tỏa khói lam lên trên nóc, vợ chồng con cái quây quần bữa ăn và những chiếc sạp tre trải ra sẽ là nơi gia đình chủ ghe ngả lưng qua đêm. Lợi dụng hướng ngọn gió mùa thổi từ phía Đông Nam lộng bay cánh buồm giăng, cánh tay chèo của họ sẽ nhẹ đi, chiếc ghe lướt trên mặt sông bình yên trở về bến cũ.” (Dòng sông vẫn chảy qua đời tôi và bạn)
 
                                           Làng Thọ Lộc, tiết hạ chí- 2020
                                           Lê Hồng Khánh
 
 
 

.