(Báo Quảng Ngãi)- Ông Nguyễn Hữu Thư (53 tuổi), ở TP. Quảng Ngãi và anh Đàm Văn Thảo (24 tuổi), ở xã Đức Chánh (Mộ Đức) mới bén duyên với nhiếp ảnh hai năm gần đây. Dù vậy, với niềm đam mê, họ đã mày mò, chịu khó học hỏi, sáng tạo để từng bước khẳng định tay nghề ở sân chơi nhiếp ảnh địa phương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Không ngừng học hỏi
Từng trải qua nhiều nghề khác nhau, từ thợ tiện, thợ vàng, chạy xe du lịch và hiện tại là bán quán cơm, ông Nguyễn Hữu Thư tự nhận mình là người hay “xê dịch”. Với ông , nhiếp ảnh là "trạm dừng chân" khi đã luống tuổi. Đây là khoảng thời gian ông sống trọn vẹn với đam mê, lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống.
Gia nhập sân chơi nhiếp ảnh khá muộn, song ông Thư được anh em nhiếp ảnh đánh giá tiến bộ nhanh trong việc tiếp cận công nghệ, tiên phong sử dụng những công nghệ chụp ảnh mới như chụp dưới nước, chụp trên cao...
Tác phẩm “Hồ Nước Trong”. Ảnh: Nguyễn Hữu Thư |
Ông Thư cho hay: Năm 2018, từ một người không biết gì về chụp ảnh, tôi tự mày mò tiếp cận chiếc máy ảnh của con mới mua và bắt đầu chụp ảnh. Càng đi chụp ảnh, tôi càng thích thú và muốn đi sâu hơn để khám phá. Tôi bắt đầu học cách sử dụng công nghệ vi tính, sử dụng máy ảnh, chỉnh ảnh tân tiến hơn và những kỹ thuật chụp ảnh từ đơn giản đến phức tạp.
Từ khi chơi ảnh, ông Thư có dịp ngắm nhìn quê hương mình một cách sâu sắc hơn, ghi lại những hình ảnh đẹp và giới thiệu, quảng bá về quê hương mình. “Anh em chơi ảnh hay chọc tôi là luôn có hình đẹp để "cúng phây”, vì chụp xong là tôi post lên Facebook, tôi rất hạnh phúc khi được góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp quê hương, con người Quảng Ngãi”, ông Thư bộc bạch.
Không ngại khó, không ngại khổ, từ lên rừng cho đến dưới biển, vào lúc bình minh hay hoàng hôn, ông sẵn sàng đi để “săn” được những bức ảnh đẹp. “Để có bức hình ưng ý, tôi đã phải thức dậy từ 3 - 4 giờ sáng để đi chụp, cũng có khi canh từ chiều đến tối nhưng chưa tìm khoảnh khắc đẹp cho bức hình, phải đi nhiều lần mới thành công”, ông Thư cho biết.
Dù mới chơi ảnh hai năm, nhưng ông Thư đã có 7 ảnh được triển lãm tại Cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật, chủ đề “Quảng Ngãi trong tôi” và tác phẩm "Ngày mới trên hồ Nước Trong” được trưng bày triển lãm tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong năm 2020.
“Dù là hai gương mặt hoàn toàn mới, nhưng ông Thư và anh Thảo có nhiều tác phẩm ấn tượng đối với nhiếp ảnh trong tỉnh. Họ luôn chịu khó học hỏi để theo đuổi đam mê sáng tác. Hội đang hoàn tất thủ tục kết nạp hai “tân binh” này vào Chi Hội Nhiếp ảnh tỉnh để tạo sân chơi giao lưu, học hỏi, bồi dưỡng kiến thức nhiếp ảnh cho anh em mới gia nhập”.
Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Nguyễn Đăng Lâm
|
Nhiếp ảnh không phải là cuộc dạo chơi
Chàng trai Đàm Văn Thảo đến với nhiếp ảnh vào năm 21 tuổi. “Tôi đến với nhiếp ảnh cũng rất tình cờ từ một chuyện khá buồn cười khi bị một số bạn chê chụp hình xấu. Để xóa “ấm ức” này, tôi quyết tâm mua máy ảnh và mày mò học cách chụp ảnh để nâng cao tay nghề”, anh Thảo dí dỏm kể.
Tác phẩm "Văn minh lúa nước". Ảnh: Đàm Văn Thảo |
Anh Thảo kiên trì học hỏi từ những kiến thức đầu tiên của nhiếp ảnh, dành thời gian xem các bài dạy trên Youtube... Hiện tại anh Thảo làm công việc kinh doanh cùng với gia đình tại TP. Hồ Chí Minh. Lợi thế của anh là được đi nhiều tỉnh, thành, khám phá vẻ đẹp của cuộc sống qua từng góc máy. Mỗi tháng, anh Thảo đều tranh thủ về Quảng Ngãi "lên rừng, xuống biển" đi chụp hình với anh em trong câu lạc bộ nhiếp ảnh tỉnh.
Sau thời gian nỗ lực, chàng trai “9X” cũng đã gặt hái một số thành tích đầu tiên ở sân chơi nhiếp ảnh trong tỉnh và khu vực. Tác phẩm “Văn minh lúa nước” của anh đã đoạt giải Bạc tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Cũng trong năm 2020, tác phẩm “Gặt lúa vùng cao” của anh Thảo đạt giải nhất Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Quảng Ngãi trong tôi”. Ngoài ra, một số ảnh của anh Thảo đã được triển lãm tại Quảng Ngãi và Hồ Chí Minh...
Những thành quả bước đầu đã tạo đà để các tay máy giàu sức sáng tạo tiếp tục chinh phục những thành công phía trước. Họ tự tin khẳng định: “Đến với nhiếp ảnh không phải là một cuộc dạo chơi, mà đến để ở lại và miệt mài sáng tạo, đưa cảnh đẹp của quê hương, đất nước đến gần hơn với người xem”.
KIM NGÂN