(Báo Quảng Ngãi)- Giữa phố xá đông người, bất chợt gặp những hình ảnh trò chơi dân gian được biểu diễn đây đó, nhiều người bồi hồi nhớ về một thời tuổi thơ...
Hào hứng với trò chơi dân gian
Mới đây, tại Chợ phiên miền núi do Trung tâm Phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi tổ chức thu hút khá đông bạn trẻ đến tham quan tìm hiểu. Bên cạnh giới thiệu các gian dệt thổ cẩm, chế tác nông sản, dụng cụ, hát ta lêu, ca choi miền núi, còn có các gian trò chơi dành cho tuổi thơ như chơi nhảy dây, bắn bi, ô ăn quan, nặn hình bằng đất sét...
Trẻ em thích thú với việc nặn tò he. |
Nhiều bé gái được ba mẹ đưa đến tham quan sà ngay vào gian hàng tham gia dệt thổ cẩm, rồi chơi nhảy dây. Trong khi đó, những bé trai say sưa với trò phóng tên vào gùi, hay thổi bong bóng, tắm lá, bắn bi. Còn phụ huynh nhìn các bé say sưa với các trò chơi dân gian cũng thỏa thuê vui thích. Chị Nguyễn Thị Đồng, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), vui vẻ cho hay: “Quê mình ở xã Bình Trung, huyện Bình Sơn.
Thời bao cấp, Tết đến, xuân về làng quê hồi đó nghèo lắm. Mẹ bán mía, bán mì cũng cố mua cho chị em tôi chiếc áo mới. Ngày Tết đến ở miễu xóm có tổ chức chơi bài chòi, lô tô cho người già và thanh niên, thiếu nữ. Lũ trẻ chúng tôi thì chơi ô ăn quan, bốc thăm trúng thưởng. Giờ thấy những trò chơi dân gian được tái hiện, tôi cảm thấy bồi hồi”. Còn bà Đoàn Thị Thúy, phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ) bộc bạch: “Tổ chức những trò chơi dân gian như thế này thật có ý nghĩa, giúp các cháu hiểu về sinh hoạt văn hóa của thế hệ cha ông xưa”.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi Đoàn Vũ Ánh Dương, việc tái hiện các trò chơi dân gian không phải bây giờ mà mỗi khi Tết về, thông qua lễ hội chợ quê ngày Tết, tại đây có bố trí các gian vẽ tranh Đông Hồ, chất liệu giấy dó, màu thực vật... Các em lấy màu thực vật tô những bức tranh Đông Hồ như đám cưới chuột, hay các con vật gần gũi với đời sống thường nhật của các gia đình nông thôn Việt Nam.
Cũng tại nơi này còn có gian bố trí cho các em tạo hình đồ gốm. Với nguyên liệu đất sét, bàn xoay và sản phẩm mẫu là bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh (Sa Huỳnh) đã được công nhận bảo vật quốc gia để cho các em nặn theo. Những đứa trẻ tham gia nhào đất, tạo hình đồ gốm khá phấn khởi, say sưa. Mặc dù, các em nặn không giống, nhưng thông qua gian hàng gốm Sa Huỳnh, các em hiểu hơn về văn hóa Sa Huỳnh là một trong 3 nền văn hóa lớn ở Việt Nam bên cạnh Đông Sơn, Óc Eo. Còn những phụ huynh, thông qua sự tương tác các trò chơi dân gian như nặn hình tò he, vẽ tranh Đông Hồ, thổi bong bóng, bắn bi... của các em lại gợi nhớ về tuổi thơ êm đềm, ấm áp với các trò chơi dân dã ở quê nhà.
Tiếp tục tổ chức đều đặn
Theo Trung tâm Phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi, từ tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, Trung tâm đã tổ chức 3 đợt trưng bày, hội chợ, lần nào cũng thu hút từ 4.000 - 5.000 người, trong đó có khá đông trẻ em đến tham gia. Từ sự thành công ban đầu này, Trung tâm lên kế hoạch và triển khai mỗi tháng tổ chức một phiên chợ và mỗi tuần đón các đoàn tham quan. Theo đó, Trung tâm tiếp tục củng cố phân khu chức năng trưng bày hình ảnh, tư liệu hiện vật theo chủ đề. Riêng khu dịch vụ văn hóa, trải nghiệm trò chơi văn hóa dân gian cùng nghệ nhân nặn tò he, làng tranh Đông Hồ, trung tâm sẽ nỗ lực duy trì.
Trong cuộc sống hiện nay, trẻ em sau giờ đến trường hay trong những ngày hè thường chơi games online. Nếu trẻ mải say sưa "ôm" điện thoại, máy tính, ti vi với những trò chơi games online là điều nguy hại, mà trước tiên là ảnh hưởng đến thị lực, thể lực của các em. Do vậy, việc tổ chức trưng bày những tư liệu, hiện vật của các nền văn hóa cùng các trò chơi dân gian ở Quảng Ngãi và cả nước cho trẻ em là điều bổ ích, qua đó góp phần trau dồi chân, thiện, mỹ và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Bài, ảnh: MAI HẠ