Theo tin từ người nhà, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã ra đi lúc 17 giờ 40 phút ngày 7-6 tại nhà riêng.
"Hôm nay, các bác sĩ thấy nhà tôi có những biểu hiện khó thể vượt qua, đã cho phép gia đình đưa anh về nhà với bình thở oxy. Dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng nhà tôi đã ra đi trong niềm thương tiếc của gia đình" – bà Thuận, vợ của nhạc sĩ, đã khóc và chia sẻ.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc. |
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã để lại gia tài âm nhạc với hơn 500 ca khúc. Phần lớn trong số đó ông vừa viết nhạc vừa tự viết lời.
Tang lễ của nhạc sĩ Trần Quang Lộc sẽ được tổ chức tại nhà riêng số 179 Trương Hán Siêu, phường Long Toàn, TP Bà Rịa, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh năm 1945, tại Gio Linh, Quảng Trị. Năm 20 tuổi, ông theo học âm nhạc tại Trường Quốc gia âm nhạc Huế và bắt đầu sáng tác vào cuối thập niên 1960. Tuyển tập nhạc đầu tiên của ông là "Hát trong dòng sông xưa" được xuất bản năm 1970.
Những bài hát của ông hầu hết đều mang sắc thái tình người, tình quê hương, như "Về đây nghe em", "Em còn nhớ Huế không", "Có phải em mùa thu Hà Nội", "Chợt nghe em hát",... Ở trong nước, các sáng tác của ông được biết đến và biểu diễn thành công qua tiếng hát của ca sĩ Hồng Nhung và Thu Phương.
Ca khúc nổi tiếng nhất của Trần Quang Lộc là bài "Có phải em mùa thu Hà Nội" hoàn tất năm 1972, phổ từ thơ của Tô Như Châu. Bài bát được đón nhận nồng nhiệt từ các ca sĩ cũng như thính giả vì lời nghe lãng mạn, mơ màng của mùa thu, lồng trong một khung cảnh cổ kính của Thăng Long xưa với "hồn Trưng Vương sông Hát".
Cũng là bài thơ phổ nhạc, nhạc phẩm "Về đây nghe em" trích từ bài thơ của A Khuê. Tác phẩm này ra đời năm 1967 nhưng bị vùi quên sau năm 1975 và mãi đến năm 1990 mới được phổ biến ở Việt Nam. Lời hát nghe mộc mạc, gần gũi với bất cứ ai từng sinh ra và lớn lên trên quê hương Việt Nam.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc lâm trọng bệnh nhiều năm. Ngày 24-5, gia đình đã đưa ông nhập viện cấp cứu do thấy ông bị khó thở. Ông đã từng trải qua 4 lần phẫu thuật. Lần cuối cùng cắt bỏ hẳn bàng quang, được bác sĩ chẩn đoán là có khối u di căn. Cách đây không lâu, đại diện chương trình "Mai Vàng nhân ái" của Báo Người Lao Động đã đến thăm và tặng quà nhằm hỗ trợ một phần để gia đình điều trị bệnh cho ông.
Theo Thanh Hiệp/NLĐO