*Truyện ngắn của
SƠN TRẦN
(Báo Quảng Ngãi)- 1. Đêm đã khuya lắm rồi. Bốn bề yên tĩnh. Trăng giữa tháng hãy còn trong, tỏa ánh sáng ngời ngợi khắp nơi. Đồi keo vừa tròn ba năm tuổi bạt ngàn đẫm dưới trăng, lai láng.
Mùa khô đang về. Ban ngày, từng cơn gió mang theo hơi nóng hầm hập thổi qua khiến cho vạn vật, cỏ cây khô ran, héo úa. Không khí lúc nào cũng bức bí, bầu trời ngột ngạt, những đám mây trắng xốp cứ nhẩn nha bay qua, vô tình khiến cho con người thêm nẫu ruột.
Chú Nhi khó ngủ, nhẹ nhàng mở cửa, tập tễnh bước ra sân, hóng gió. Trời đêm không khí đã dịu. Những cơn gió từ sông cái thổi ngược vào mát rượi. Chú chống nạng, nhìn lên đồi keo. Một không gian bao la bàng bạc dưới trăng như đang vỗ về, kéo ký ức ngược dòng, miên man.
Đã trên hai mươi năm kể từ khi chú trở về từ chiến trường nước bạn, rời trại thương binh nặng để cùng cô Khánh về vùng đất bán sơn địa này. Nếu ai từng sống nơi đây, khi nhắc tới đều lắc đầu, nhiều hộ dân đã bỏ nhà ly hương. Một vùng đất hoang hóa, chỉ cỏ tranh sống nổi, nhất là vào mùa khô. Vậy mà, vợ chồng chú Nhi vẫn kiên trì bám trụ.
Chú Nhi hiền, dễ hòa đồng, nhưng chỉ vì một mắt bị mù và một chân bị cụt trên gối nên mới nhìn trẻ con đều sợ, người lớn thì ái ngại ít tiếp xúc.
Chú Nhi là người siêng năng, chú không để mình rảnh rỗi bao giờ. Chú làm như thể ngày mai không còn làm được nữa vậy. Cả một quả đồi lởm chởm đá tảng, lại mọc toàn cỏ tranh và sim mua cằn cỗi, rộng mênh mông như thế, chỉ vợ chồng chú đốt cỏ, dọn cây, khuân đá, ngày qua ngày đã thành rẫy bắp, thửa đậu xanh ngút mắt. Chú còn bắt dòng nước chảy loanh quanh qua các triền đồi, rồi đổ xuống con suối kia phải rẽ dòng phục vụ cho dải đất sau nhà. Nhờ thế dải đất cằn, toàn đá gan gà đã được hồi sinh, qua năm qua tháng những thửa ruộng lên xanh, mỗi năm hai vụ không nhờ nước trời như xưa nữa. Người trong vùng nhắc đến chú ai cũng đều thán phục. Chú lầm lũi làm việc và kéo thanh niên trai tráng trong vùng khai hoang, biến vùng đất khô cằn dần dần khoác lên màu xanh của hoa màu và cây ăn trái.
Có tiếng sột soạt, rồi tiếng lê dép. Cô Khánh thấy chồng ngủ không được cũng trở dậy, bước ra. Chú Nhi nhìn vợ trìu mến, rồi lại đưa mắt lên đồi keo. Cô Khánh xách chiếc ghế con cho chồng ngồi còn cô đứng bên cạnh, giọng hồ hởi:
- Chẳng mấy chốc là thu được chúng rồi anh nhỉ?
Là cô đang nói về đồi keo đang xanh tốt kia, chỉ còn vài năm nữa là thu hoạch, bán cho công ty giấy. Nhìn đồi keo xanh bạt ngàn, cô không giấu được niềm vui đang trào dâng trong lòng. Duy chỉ có điều, về ở với nhau hơn hai mươi năm, nhưng vẫn chưa có tiếng cười con trẻ hiện diện trong ngôi nhà này. Có lẽ vết đạn xuyên ngang bẹn đã khiến chú Nhi tổn thương ghê gớm và hậu quả của nó là làm cho sự cố gắng của cả hai vợ chồng đều vô ích.
2. Cô Khánh gặp chú Nhi trong trại thương binh nặng. Cô là y tá, kiêm cấp dưỡng. Cô là người phụ nữ kém nhan sắc, nhưng hiền lành, vui tính, lại hát rất hay. Mấy chú thương binh rất quý mến cô, hay yêu cầu cô hát cho nghe mỗi khi rảnh. Mỗi người một hoàn cảnh, lại bị thương theo từng mức độ khác nhau. Có chú mù cả hai mắt, cụt hai chân, chỉ đôi tay còn lành lặn. Có chú cụt một tay, một chân. Có chú phải chịu cảnh nửa nằm nửa ngồi vì vết thương làm tê liệt. Chú Nhi may mắn hơn, nhưng những ngày đầu ở trại cơn đau buốt luôn dày vò chú đến rơi nước mắt. Cô Khánh thương chú lắm. Mà hình như chú Nhi cũng cảm được điều đó nên chú chưa bao giờ nổi nóng với cô Khánh cả. Chú lại rất nhẹ nhàng, từ tốn. Lúc rảnh còn bảo cô Khánh ngồi bên cạnh nói chuyện nữa.
Chú Nhi có nụ cười đẹp, đầy cuốn hút. Chú thích ghi nhật ký, một cuốn sổ tay đầy chữ, lấm lem bụi đất và ám mùi thuốc súng. Cô Khánh đã đọc và khóc rất nhiều. Một hôm chú Nhi bị sốt, di chứng của những ngày băng rừng lội suối còn sót lại. Người chú run lên từng hồi bần bật, mắt trắng dã trừng trợn. Cả trại nhốn nháo, các y bác sĩ chạy lăng xăng, lo lắng. Chứng kiến sự vật vã của người mình thương, cô Khánh không kiềm lòng được, cô òa lên và ôm choàng cả thân người đang thoắt lạnh, thoắt nóng của chú Nhi. Lạ thay, chừng mười phút sau cơn sốt dứt. Cô Khánh thẹn thùng, e ngại, chú Nhi quờ tay nắm chặt tay cô như thể hàm ơn.
Họ về ở với nhau sau đó mấy tháng. Mà chuyện nên vợ thành chồng của hai cô chú cũng lắm gian nan. Cha mẹ cô Khánh sợ con gái khổ khi phải lấy thương binh nên nhất quyết không chịu. Lại thêm nhà chú Nhi không còn ai, cha mẹ đều qua đời, chú sống dựa vào bà con và mấy người em con ông chú. Theo chú về quê sinh sống là một điều phải tính đối với một cô gái thành thị chưa quen với việc đồng áng, việc nương rẫy. Thế nhưng, tình yêu đã chiến thắng tất cả. Cô chú rời trại trong sự chúc phúc của mọi người. Quà cưới đơn sơ, nhưng ấm tình đồng đội. Đến giờ nghĩ lại, cô Khánh vẫn không tin mọi chuyện đến với cô dễ dàng như thế.
3. Mùa lũ năm nay sớm hơn mọi năm. Rẫy mì mới giâm hom, vạt đậu xanh cũng vừa mới tỉa. Mưa gió từ đêm qua đến giờ chắc xói lở cả rồi. Chú Nhi ngồi trong nhà nhìn từng bọng nước từ máng xối trút xuống, ào ạt chảy ra ngoài cái rãnh trước sân, chép miệng liên tục. Nhìn lên đồi, những tán keo oằn rạp, đung đưa trước gió. Cơn lạnh thốc mạnh, khiến chú rùng mình. Mùa mưa bão về, cả làng co ro trong u ám, lạnh lẽo. Mọi công việc đồng áng, nương rẫy đều ngưng trệ. Cô Khánh đi chợ về, ướt từ đầu đến chân, run lẩy bẩy. Mưa to quá có tấm áo mưa choàng cũng như không. Cô nói qua tiếng mưa:
- Anh à, miền Trung đang chịu lũ lớn đấy. Nghe đâu hướng ngoài tang thương lắm!
Nghe vợ nói thế, chú Nhi thở dài. Chú đang tính phải làm gì đó giúp họ. Trời ngớt mưa, chú sẽ xuống trụ sở thôn xem sao.
4. Chỉ hai ngày thôi, nhưng chú Nhi đã huy động, quyên góp được một lượng hàng khá lớn. Ngoài ra, còn quần áo cũ và tiền bạc nữa. Chú Nhi bàn với cô Khánh rút số tiền dành dụm năm sau sửa lại nhà bếp. Sợ vợ không đồng ý, chú nói thêm rằng thu hoạch keo sẽ bù vào chỗ ấy. Cô Khánh biết tính chồng hay lo nên cầm tay chú Nhi lắc lắc:
- Anh yên tâm, em đã tính đâu vào đấy rồi. Còn người còn của lo gì!
Hôm Hội cựu chiến binh họp tổng kết thi đua, chú Nhi được tuyên dương. Chú bảo, có gì đâu, ai cũng có thể làm như thế mà.
Nhìn chú Nhi tập tễnh ra về lúc ban trưa, tiếng nạng gỗ gõ xuống mặt đường khô khốc, ai cũng chạnh lòng. Nhưng rồi, chính nụ cười lạc quan và mấy câu trêu đùa của chú khiến mọi người thay đổi cách nhìn.
Chú Nhi rất nghị lực và hiểu đời. Dưới bóng mát tàn trứng cá, nhìn lên vạt đồi xanh mướt, chú cảm thấy lòng nhẹ nhõm, yên bình và mọi vất vả, buồn phiền đều tan biến./.