Hoài niệm bờ xe nước sông Trà

11:02, 15/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo thời gian, bờ xe nước sông Trà đã dần đi vào quên lãng. Với tâm nguyện lưu giữ và bảo tồn công trình thủy lợi từng vang bóng một thời, ông Mai Văn Quýt (75 tuổi) ở thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) đã dày công tái hiện lại bánh xe nước mà nhiều thế hệ cha ông từng gắn bó.  
Ký ức về một vòng quay
 
Cho đến bây giờ, dù bờ xe nước được thay thế bằng những công trình hiện đại hơn, nhưng ông Quýt giọng vẫn đầy tự hào khi kể lại chuyện bờ xe nước. Chỉ tay về phía sông Trà Khúc, ông Quýt cho hay: "Trong gia đình, tôi là đời thứ ba kế tục nghề làm “bánh xe nước”. Từ năm 18 tuổi, tôi đã tập vót tre, chẻ nan cùng cha làm xe nước. Vật liệu làm xe nước là tre và những loại dây rừng, không hề có sắt thép. Sức nước làm bánh xe quay đều, đưa nước lên đồng hết tháng nọ đến tháng kia, cho đến trước mùa mưa lũ". 
Mô hình bờ xe nước lớn nhất mà ông Mai Văn Quýt làm tại một khu du lịch ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa). ẢNH: TL
Mô hình bờ xe nước lớn nhất mà ông Mai Văn Quýt làm tại một khu du lịch ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa). ẢNH: TL
 
Theo ông Quýt, thuở xưa thế hệ cha ông phải tốn nhiều công sức tìm đốn tre già, gọt mắt, cắt khúc rồi mang đi ngâm dưới nước nhiều tháng liền. Sau đó, tre được vớt lên phơi khô, rồi làm bánh xe. Việc khó nhất là chọn được địa điểm và xây dựng bờ cừ, làm sao cho nước được dẫn dồn về một chỗ hẹp để tạo dòng chảy mạnh. Ngay tại điểm nước chảy mạnh sẽ đặt bờ xe.
 
“Nghề làm bờ xe nước nhọc nhằn và đòi hỏi kỹ thuật thủ công khá cao để tránh sự cong vênh, ảnh hưởng đến tốc độ quay của bờ xe. Vì vậy, người dân bên sông Trà tôn vinh, gọi người chỉ huy làm bờ xe nước là "ông trùm”, ông Quýt chia sẻ.
 
Từ một người thợ trở thành thợ cả trong số những người làm bờ xe nước, ông Quýt cùng những người thợ đã dựng gần 20 bờ xe nước trên sông Trà Khúc. Nghề này đã ăn sâu vào máu thịt ông, khiến ông gắn bó với nó trọn đời. Mỗi lần nhắc đến nó, ông tự hào như nhắc về thần tượng là chính người cha của mình, một “trùm” xe nước có tiếng một thời.
 
Nhưng rồi, bờ xe nước sông Trà đã trở thành hoài niệm khi công trình Thạch Nham ngăn sông Trà hoàn thành, dẫn nguồn nước tưới cho trên 30.000ha lúa và hoa màu. Những người thợ làm xe nước vui vì có công trình thủy lợi lớn, nhưng họ cũng buồn vì vắng bờ xe mà nhiều đời từng gắn bó.
 
"Hồi xưa các vật liệu chưa có nên phần lớn bờ xe nước được buộc bằng dây lạc, dây mây, còn tôi làm mô hình thì  buộc làm bằng dây kẽm, dây đồng để gắn kết các chi tiết của bánh xe lại với nhau nhằm tăng tuổi thọ sản phẩm. Còn nếu đem bờ xe đặt chỗ nước chảy vừa đủ mạnh, nó vẫn quay đều đặn".
 
Ông MAI VĂN QUÝT, ở thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi)
 
Nỗ lực gìn giữ
 
Những bờ xe nước đã đi vào tiềm thức của người dân xứ Quảng và đi vào thơ ca, nhạc họa của nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh. 
 
Ông Mai Văn Quýt phục dựng mô hình bờ xe nước sông Trà.
Ông Mai Văn Quýt phục dựng mô hình bờ xe nước sông Trà.
 
Ngày nay, bánh xe nước không còn, những kỷ niệm về hình ảnh bờ xe nước cũng rơi vào quá khứ. Với ông Quýt, cách thức lưu giữ nghề "thợ xe" không bị mai một là làm những mô hình thu nhỏ. Ban đầu ông dựng bờ xe nước để kỷ niệm, sau đó có nhiều người đặt mua để đặt tại các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê...
 
Tuy mô hình thu nhỏ, nhưng bờ xe nước làm rất công phu và hoạt động như bờ xe nước lớn. Do làm thủ công nên thời gian hoàn thiện khá lâu, cái nhỏ nhất (2 bánh) cũng phải mất 10 ngày hoặc nửa tháng. "Cái khác ở đây là một số nguyên liệu dùng làm bờ xe. Hồi xưa các vật liệu chưa có nên phần lớn bờ xe được buộc lại bằng dây lạc, dây mây, còn tôi làm mô hình thì buộc  bằng dây kẽm, dây đồng để gắn kết các chi tiết của bánh xe lại với nhau, nhằn tăng tuổi thọ sản phẩm. Còn nếu đem bờ xe đặt chỗ nước chảy vừa đủ mạnh, nó vẫn quay đều đặn", ông Quýt cho biết.
 
Đối với ông Quýt, nỗi lo lớn nhất khiến ông luôn trằn trọc, suy tư là nghề làm bánh xe nước sẽ thất truyền. Có thể điều đó đúng khi thế hệ của ông không còn mấy người thạo và lớp trẻ sau này cũng chẳng ai mặn mà theo học. "Cái nghề truyền thống này không biết sẽ lưu giữ được bao lâu nữa”, ông Quýt trầm ngâm.
 
Song gác lại những trăn trở ấy, ông Quýt dồn hết tình cảm vào những thớ tre, làm ra những sản phẩm có hồn hơn để người đời được chiêm ngưỡng, để những giá trị truyền thống của người Quảng Ngãi mãi được lưu giữ.
 
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
 
 

.