(Báo Quảng Ngãi)- Thuở nhỏ, tôi từng được các bậc cha anh dặn chớ có ăn thịt chuột, vì chuột thường mang mầm bệnh dịch hạch. Rồi để chúng tôi nhớ ghi, các bậc cha anh còn kể xưa kia dịch gây chết cả làng. Đó có thể là mặt khác, mặt còn phải “cảnh giác” đối với chuột. Đọc sách báo thấy người Nam Bộ bắt và xơi thịt chuột rất ngon lành. Ở Trường Sơn - Tây Nguyên nước ta, chuột cũng là một món được ưa chuộng của các dân tộc thiểu số, đặc biệt với người Cor cư trú ở tây bắc Quảng Ngãi và tây nam Quảng Nam.
Tại một làng Cor ở huyện Trà Bồng, cách nay hơn chục năm, lần đầu được mời dự tết Ngã rạ, tôi được chứng kiến cảnh cúng bái rất riêng, trong đó nổi bật là món chuột như một lễ vật không thể thiếu. Trước mặt già làng Cor đang cầu cúng, phải nói là một “bầy” chuột to bự. Một cảnh tượng tôi chưa từng thấy bao giờ.
Một lễ cúng chuột của người Cor. |
Cần biết rằng, trước Ngã rạ khoảng một tháng có một lễ khác là lễ ăn cơm mới. Người ta lên rẫy suốt những bông lúa vừa chín gùi về phơi trên giàn bếp cho khô, giã làm gạo nấu cơm cúng với heo, cá suối. Lễ này chưa phải linh đình, bởi chỉ mới là cúng cáo thần xin đưa lúa về, mọi việc còn đang ở phía trước. Đến khi các loại lúa nếp thu hoạch xong thì người một làng mới định ngày cúng lễ, tổ chức hội mùa hay tết Ngã rạ. Bởi tính chất của nó như là tổng kết mùa vụ của cả một năm, tạ ơn các thần và cầu cho mùa sau được bội thu, nên tết Ngã rạ (xa a-ní) mới thật là những ngày vui tưng bừng.
Tết Ngã rạ của người Cor cũng như các dân tộc thiểu số miền núi xuất phát từ tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”, tín ngưỡng hồn lúa. Trong lễ tết Ngã rạ, người Cor dùng rất nhiều lễ tiết, trong đó có cúng các nữ thần Moh Huýt, Moh Rít, Moh Grai vào lúc gà gáy để các bà về lo hồn lúa, nửa buổi sáng thì cúng các nam thần trên trời sinh ra và phò hộ cho lúa tốt như Cơi Âm Ba là thần cho lúa, Cơi Pnon, Cơi Vác là các thần tối thượng, Cơi San Sôi là thần sấm sét... Lại có cả lễ “đổi ma” rước ma tốt, đuổi ma xấu ở nhà và trên rẫy. Lễ tiết có nhiều, ở đây không thể kể hết.
Về món chuột và lễ tiết liên quan với nó là việc cúng các nữ thần. Từ sau khi làm lễ ăn cơm mới xong, người Cor vừa thu hoạch mùa màng, vừa tranh thủ kiếm thịt rừng để dành cho tết Ngã rạ. Trước tết Ngã rạ hàng chục ngày, người ta cầm ná, giáo lên rừng săn bắt, hễ được bất cứ con thú rừng nào cũng để dành cúng trong tết Ngã rạ. Người ta cũng có thể làm bẫy kiếp (bẫy bắt bằng dây), bẫy xốc (bẫy sập) và thường được chuột, khỉ. Đối với chuột, là giống chuyên phá lúa và các loại hoa màu, người Cor rất ghét, nên bẫy bắt chuột cũng là vừa để làm lễ vật dâng cúng hồn lúa, các thần đã sản sinh lúa, để ăn, đồng thời bảo vệ mùa màng.
Chuột (ố kne) có nhiều loại, trong đó có loài chuột chuyên ăn rễ lồ ô, rễ lau lách (chuột lách) gọi là ố xốc. Khi bẫy được chuột, người ta đem về mổ bỏ ruột, thui cho sạch lông, luộc chín rồi phơi hong thật khô trên giàn bếp, để dành cúng các thần. Nó ăn phá lúa thì phải bắt được nó để cúng hồn lúa, cúng thần lúa. Cái lý do tín ngưỡng được cắt nghĩa đơn giản như vậy. Trong quan niệm của người Cor thì các nữ thần chính là những người sinh ra và nuôi dưỡng cây lúa.
Cũng như người phụ nữ Cor, các nữ thần cũng phải dậy sớm và trời vừa sáng cũng đã ra đi. Vì vậy mà cúng các nữ thần người ta cúng từ tờ mờ sáng. Câu vái được lặp đi lặp lại nhiều lần là “Moh Huýt âm ba, Moh Rít âm ba, Moh Crai âm ba” (Bà Huýt cho lúa, bà Rít cho lúa, bà Crai cho lúa), tỏ rõ sự hàm ơn của con người đối với các nữ thần đã sinh ra lúa. Bên cạnh bánh rông là gạo nếp nấu chín trong ống nứa (tựa như cơm lam ở miền Bắc), có thể có một ít thịt rừng khác, nhưng trong mâm cúng không thể thiếu thịt chuột. Chuột chín để khô nguyên con được ngâm rửa trong nước, chiên qua rồi bày biện ra cúng các nữ thần. Có những con chuột lách to, nặng đến 2 - 3 kg là chuyện bình thường.
Sau khi cúng xong, người ta chặt nhỏ thịt chuột ra để đãi khách quý. Tôi vẫn không hết ấn tượng về chuyện chuột nghe được từ thuở ấu thơ, nhưng cũng gắp những miếng thịt chuột ăn ngon lành. Thịt chuột bùi và có những hương vị rất riêng. Người Cor có lễ ăn trâu rất lớn, nhưng trong ăn trâu không cúng thịt rừng. Trong lễ ăn lúa mới có cúng cá, nhưng không cúng thịt rừng. Chỉ có lễ Ngã rạ thì thịt rừng mới được cúng và trong những món dâng cúng thần không thể thiếu món chuột, vi món chuột là vật hiến tế và cũng là một món “đặc sản” đối với người Cor.
Bài, ảnh: Cao Chư