(Baoquangngai.vn)- Ca dao đôi khi nó độc đáo ở chỗ hao khuyết và “vô lý” mà không thể giải thích được. Tác giả khuyết danh đã chừa lại một “khoảng trống” để mỗi người đọc tự điền vào theo lý lẽ của riêng mình.
Thấy cháu mình hay mơ mộng, thường ước ao những chuyện không đâu, nhất là ước được cưới… nhiều vợ, bà nội tôi hay hát câu ca dao này:
Ước chi anh có bạc bồ
Anh ra anh cưới sáu cô một lần
Một cô buôn tảo bán tần
Một cô rót nước dưỡng thân mẹ già
Một cô quạt lửa chế trà
Một cô giũ chiếu cho ta đắp cùng
Lúc nhỏ, nghe bà nội hát bài này, tôi thật sự phấn khích vì nó vui quá. Vui không phải vì niềm ao ước được cưới nhiều vợ mà vui ở cái cách phân công công việc cho mỗi cô vợ của anh chồng đa thê, dù chỉ là trong ao ước kia. Đọc kỹ mà xem, cộng tới cộng lui cũng chỉ có bốn cô vợ xuất hiện trong bài, còn hai cô nữa, không biết bà tôi “bỏ quên” hay người xưa cố ý chỉ dừng lại ở đó thôi? Nhưng tôi nghĩ, với bốn cô mà đã “hết việc” rồi, thêm hai cô nữa thì biết phân công vào việc gì? Ca dao đôi khi nó độc đáo ở chỗ hao khuyết và “vô lý” ấy mà không thể giải thích được. Tác giả khuyết danh đã chừa lại một “khoảng trống” để mỗi người đọc tự điền vào theo lý lẽ của riêng mình.
“Hai tay cầm bốn trái dưa
Trái ăn trái để trái đưa cho chàng”
Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần hai câu ca dao trên mà quên mất sự hao khuyết có chủ ý của người xưa, cho đến khi giật mình nhẩm lại thì còn một trái dưa nữa, không biết cô gái ấy đã giấu ở nơi nào? Mỗi người sẽ tự đưa ra cách lý giải của riêng mình về trái dưa còn lại kia vậy.
Trở lại với chuyện ước ao được cưới nhiều vợ của anh chàng ở đầu bài viết này. Rõ ràng “không gian” của bài ca dao là ở vùng quê thời xưa. Chỉ một câu “ao ước” của anh chàng trong bài ca dao đủ biết anh ta ở đâu rồi: “
Ước chi anh có bạc bồ”. Bạc mà đựng trong bồ (lúa) chứ không phải trong tủ trong rương gì. Anh ta cũng tỏ ra là một “nhà tổ chức” không tồi, phân việc cho mỗi bà vợ “đâu ra đó” bằng các thứ tự ưu tiên: Trước hết phải đảm bảo cái ăn đã rồi mới nói chuyện … giũ chiếu đắp cùng.
“
Một cô buôn tảo bán tần”, nên nhớ là cô ấy phải giỏi buôn bán chứ không phải giỏi làm ruộng dù anh ta đang ở nông thôn. Tiêu chuẩn để cưới cô vợ đầu tiên là phải biết buôn bán tảo tần mới có thể đảm bảo cuộc sống cho một seri sáu cô cùng một anh chồng vô tích sự và … một mẹ già.
Chẳng biết anh chàng có nghề ngỗng gì không hay chỉ là gã dài lưng tốn vải nhưng chắc chắn đấy là một người con hiếu thảo. Bằng chứng là, cô vợ thứ hai là phải biết chăm sóc mẹ già. “
Một cô rót nước dưỡng thân mẹ già”. “Dưỡng thân” mẹ mình dù chỉ là việc “rót nước” thì cũng đủ để anh chàng “ưu tiên” thứ hai rồi.
Sau khi đã đảm bảo kinh tế bằng cô vợ đầu tiên buôn tảo bán tần và cô thứ hai hầu hạ mẹ mình, anh ta bắt đầu tính đến việc “hưởng thụ”. Dĩ nhiên rồi, bỏ cả “bạc bồ” thì cũng phải biết “tự thưởng” cho mình chứ ạ? Rất sành điệu nhé: “
Một cô quạt lửa chế trà”. Chỉ lướt qua câu ca dao đã thấy thấp thoáng bóng dáng của anh thầy đồ sau bao lần lều chõng đi thi mà luôn trượt vỏ chuối. Thử tưởng tượng mà xem, mỗi buổi sáng trong lúc bao nhiêu người vác cày giục trâu ra ruộng thì anh chàng dài lưng tốn vải ấy phì phèo thuốc lá rồi nhấp từng ngụm trà bên cạnh một nàng má đào yếm thắm, kể cũng đáng đồng tiền bát gạo.
Phân công công việc cho ba cô xong, anh ta làm nốt công tác tổ chức trong “tổ ấm” của mình cho cô vợ thứ tư. Nhẹ nhàng thôi, chẳng tảo tần buôn bán, cũng chẳng quạt lửa pha trà, phụng dưỡng mẹ chồng lại càng không, cô thứ tư chỉ “giũ chiếu cho ta đắp cùng”.
Có lần tôi thắc mắc là tại sao không “trải chiếu” mà lại “giũ chiếu”, bà tôi bảo rằng, chỉ có nằm thì mới trải, còn đắp thì phải giũ. Thực ra là một cách nói về sex thôi mà: “
Anh đi nhà vắng lặng câm/ Anh về giường chiếu reo ầm cả lên”. Ông bà mình không sỗ sàng như câu ca dao “hiện đại” ấy đâu. Chỉ “giũ chiếu để đắp cùng” là đủ hiểu rồi.
Ước ao cưới những sáu cô vợ nhưng chỉ cho một cô “nối dõi tông đường”. Có bất công với chị em quá không hay đó chỉ là “khoảng trống” trong ca dao?
TRẦN ĐĂNG