(Báo Quảng Ngãi) - Quảng Ngãi được các chuyên gia đánh giá là địa phương giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Để các giá trị này phát huy hiệu quả, tỉnh cần phải kết nối các giá trị di sản mang tính hệ thống nhằm phát triển du lịch trên cơ sở giữ nguyên vẹn giá trị hiện có.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tiềm năng du lịch còn rời rạc
Quảng Ngãi hiện có 247 di tích, danh lam thắng cảnh, di sản, bảo vật quốc gia. Điều thuận lợi là có nhiều di sản nằm trong quần thể của các di tích, danh lam, thắng cảnh trên cùng địa bàn.
Đơn cử ở TP.Quảng Ngãi có các di tích nổi tiếng như: Di tích lịch sử văn hóa Mộ và Đền thờ Bùi Tá Hán; thắng cảnh núi Thiên Ấn và mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng; di tích Nhà lao Quảng Ngãi thời Pháp thuộc; di tích bốn dũng sĩ Vạn Tượng; di tích Khu Xà lim của Ty Công an thời Mỹ - ngụy; về phía đông còn có Khu chứng tích Sơn Mỹ, thắng cảnh rừng dừa nước, bãi biển Mỹ Khê...
Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 4 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (Lý Sơn); Lễ hội điện Trường Bà; nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor; nghề dệt thổ cẩm truyền thống Làng Teng (Ba Tơ)...
Du khách đến Lý Sơn chủ yếu là tham quan di tích, văn hóa, chưa có các sản phẩm vui chơi giải trí, ẩm thực đặc sắc. |
Cần kết nối, quy hoạch có hệ thống
Mới đây, thành viên trong Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đã có chuyến khảo sát các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, danh lam thẳng cảnh ở tỉnh ta. Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu nhận định: Tiềm năng du lịch ở Quảng Ngãi rất lớn.
Trong đó, có thể kể đến di sản nghệ thuật bài chòi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại; di tích Quốc gia đặc biệt các địa điểm Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ; di tích Trường Lũy; hệ thống các di sản văn hóa, lịch sử, địa chất nằm trong Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh...
Các giá trị di sản này chẳng khác nào “hạt nhân” trong vùng, nhưng hầu hết mới phát huy giá trị, mang tính độc lập. Vì vậy, tỉnh cần phải xâu chuỗi các giá trị “hạt nhân” này lại thành một chuỗi có hệ thống.
Không chỉ xâu chuỗi các giá trị “hạt nhân” các vùng với nhau, mà ngay trong vùng phải phát huy các các giá trị di tích, tạo các sản phẩm đặc thù ở địa phương để liên kết. Có như vậy, khi trên tuyến trình đến các tour chính, du khách còn có nơi để dừng chân tìm hiểu, tham quan.
“Ví như muốn thu hút du khách đến xem bài chòi thì tỉnh phải xác định chiếc nôi của bài chòi nằm ở vị trí nào. Trên cơ sở này xây dựng các sản phẩm là di tích, văn hóa, ẩm thực, danh lam, thắng cảnh... vệ tinh để đáp ứng nhu cầu du khách”, ông Tiêu nhấn mạnh.
Nhà sử học Dương Trung Quốc thì bày tỏ lo lắng trước thực trạng xây dựng ồ ạt ở Lý Sơn. “Lý Sơn không chỉ có giá trị là hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, mà còn có giá trị văn hóa truyền thống. Thế nhưng, hiện nay cơ sở hạ tầng du lịch dịch vụ xây dựng quá mức, phá vỡ không gian, cấu trúc địa chất trên hòn đảo này. Vì vậy, tôi mong tỉnh cần quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch nằm trong đất liền, khống chế về dân số và cả lưu lượng khách ra, vào đảo, để giữ nguyên vẹn giá trị đặc thù của Lý Sơn", ông Quốc chia sẻ.
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN