Như màu hoa tím...

02:09, 28/09/2019
.
Truyện ngắn của THOẠI VĂN

(Báo Quảng Ngãi)- Trường có ba lớp mười hai. Ba giáo viên Văn, một đi cao học, một nghỉ hộ sản. Tôi dạy hết cả ba. Chưa nói chấm bài, chỉ dạy thôi đã muốn đứt hơi. Hôm đó, sau tiết dạy cuối, ngược chiều gió thổi, tôi chạy gần mười cây số ra bờ sông... Không biết tôi sẽ nói gì sau mười năm. Ừ mười năm, khoảng thời gian không nhiều với một đời người, nhưng quá dài với một chuyện tình buồn.

Chúng tôi biết nhau vào năm cuối đại học. Anh người tỉnh lẻ miền Trung. Bốn năm ở thành phố, anh vẫn nguyên chất làng quê. Lần đó, tôi theo anh về, trên chuyến xe mùa hạ. Ngồi bên anh, tôi nghĩ về vùng quê xa lắc.

Nghĩ về những cánh đồng quê, có những con người lầm lũi, cặm cụi thân cò. Bỗng dưng tôi thấy muốn được yêu miền đất ấy. Có phải tình quê hương từ anh đã chảy sang tôi trong những câu chuyện kể. Anh kể mẹ cha đều vất vả, tháng mười ngập trong bùn ruộng, tháng ba dang mình dưới nắng để cho những đứa con có thêm cái chữ.

Mười hai tuổi, anh biết đội thùng bánh, thùng đường trên đầu, theo mẹ ra chợ bán. Có những bữa cơm mẹ độn nhiều củ quá. Anh lựa phần củ cho mình để dành cơm lại cho những đứa em. Tôi nghe mà ứa nước mắt. Bởi tôi là đứa con gái thị thành. Tôi chưa trải qua cảnh đó bao giờ...

Xe vừa qua khỏi đoạn đèo, anh cười vui nói em đang đặt chân lên miền đất quê anh. Tôi nghe trong gió mùi mặn mòi của biển. Anh nói kia là ruộng muối, những dân diêm đang phơi mình dưới nắng. Những hạt muối mặn tình quê anh đó. Gió vẫn cứ thổi ràn rạt qua khung cửa. Từng dải ruộng xanh hiện trắng những cánh cò. Anh nói quê anh nghèo, không trù phú đâu em. Đây là miền đất chịu nhiều mưa bão. Miền đất nuôi dưỡng những tâm hồn cần cù chất phát. Và đây là dòng sông đi vào thơ ca. Trong thơ ca gọi miền “núi Ấn, sông Trà”.

Tôi nhìn dòng sông chảy miết tận đâu đâu, mà nghĩ về ngọn nguồn của nó. Có lẽ ở đó có những dòng suối nhỏ len lỏi qua những cánh rừng, vách núi để góp lại thành sông. Giống như sự chắt chiu đùm bọc của quê hương để nuôi lớn những tâm hồn. Anh chỉ về phía xa kia là biển. Ở đó có những vạn chài trên sóng nước. Những tàu thuyền vượt khơi xa về với bến bờ. Đem theo những cá tôm mang niềm hy vọng. Anh mải mê nói, tôi mải mê cảm nhận từng lời qua giọng tha thiết yêu thương...

Tôi yêu anh bằng tình yêu lãng mạn của cô gái thị thành. Hai tâm hồn và hai cuộc đời có khác. Giống như hai dòng sông đi về mỗi ngã rồi lại gặp nhau trong một đại dương. Vâng tôi đã gặp anh trong sân trường đại học. Khi trên lầu cao vô tình, tôi đánh rơi kẹp tóc xuống sân. Người sinh viên nhặt được và trả lại cho tôi là anh. Chúng tôi biết nhau từ đó. Anh học lớp Văn 3, tôi Văn 1.

Hôm tình cờ gặp ở căng tin, tôi cùng ba đứa bạn gái ngồi nhấm nháp za-ua, anh bước vào. Lũ bạn nháy nhó nhau bằng những tiếng cười rất lạ. Anh thẹn thùng đỏ mặt. Tôi kéo ghế anh ngồi. Anh lúng ta, lúng túng. Lũ bạn quỷ quái, ngó vào đầu tóc hớt theo kiểu nhà quê ngủn cụt của anh mà đùa một cách tàn nhẫn.

Chúng nó có biết đâu, trong ấy chứa cả một nghị lực và lý tưởng đáng yêu. Chuông reo hết giờ, tôi thở phào nhẹ nhỏm, anh đứng dậy sĩ diện móc tiền ra trả. Tôi ngăn mãi không được, nhìn từng đồng tiền lẻ anh vuốt lại phẳng phiu mà lòng tôi nặng trĩu. Sau này thân nhau, anh nói đó là khoản tiền dùng vào việc lấp trống dạ dạy buổi sáng bằng những nắm xôi. Lời chân thật của anh làm tôi cảm động và hối hận vì phải để anh bụng đói đến trường.

Hôm đó hình như tôi đã khóc. Giọt nước mắt đầu đời vì một người đàn ông đã rơi xuống sân trường đại học. Cuối khóa, anh là một trong những sinh viên được tuyên dương vì có thành tích xuất sắc trong học tập. Bây giờ tụi bạn biết rõ quan hệ của tôi và anh. Anh nghiêm trang đứng trên bục lễ nhìn xuống, tôi bắt gặp ánh mắt hạnh phúc của anh như đang muốn chia sẻ cùng tôi. Sung sướng và cảm động, tôi để tự nhiên cho nước mắt rơi.

Ra trường, anh lên tận cao nguyên, tôi ở lại thành phố. Hồi đó phương tiện thông tin hạn hẹp, lâu lắm mới ra bưu điện gọi cho anh, phải đăng ký, chờ lâu muốn chết. Anh được phân công về dạy ở một huyện xa. Từ thị xã đi qua nhiều cây số trên con đường đất đỏ. Nắng bụi đã đành, còn mưa trơn như thoa mỡ. Anh nói những cánh rừng đào, rừng cà phê bát ngát, từ đồi cao nhìn xuống khác nào một đại dương. Gió cao nguyên từng đêm thổi hoài không dứt. Đó là những tháng ngày chúng tôi nhớ nhau đến thắt lòng. Ba năm chúng tôi liên lạc nhau bằng điện thoại lúc được, lúc không.

Bỗng một hôm, ba nói, con gái lớn rồi, cũng phải nghĩ đến chuyện gia đình. Tự nhiên lòng tôi thấy buồn rười rượi. Thấy nhớ cái chái bếp nhà anh, hôm đó người nhà ra đồng, tôi nhóm lửa nấu cơm. Chái bếp thấp khói bay ra không hết, thổi hoài chẳng cháy vì đun bằng những cùi và lá bắp khô.

Đến trưa mẹ về, nhìn tôi mặt mũi tèm hem, khói bụi đầy đầu mà cơm chưa chịu chín. Bà bảo thôi con ra đi để bác nấu cho. Bác quen rồi. Bà nở nụ cười nhẹ nhõm mà tôi còn nhớ đến bây giờ. Đó là lần đầu tiên trong vai làm dâu nhà người. Bây giờ, nghe ba nói vậy bỗng dưng thấy lo lo. Ba nói thằng Hiên ba thấy được.

Hiên là bạn của anh hai, thỉnh thoảng đến nhà tôi chơi. Hiên là giám đốc công ty xây dựng, to cao và điển trai. Tóc lúc nào cũng láng mượt, đi xe đời mới. Ba nói nếu không nghe lời ba, thì sau này đừng hối hận. Tôi suy nghĩ mãi, giữa anh và Hiên, tôi phải có một lựa chọn. Lúc này, anh biền biệt sơn khê. Những cuộc điện thoại vốn đã thưa giờ cũng không còn khi tôi nói ý của ba cho anh biết.

Thế là chúng tôi xa nhau nhẹ nhàng như chiếc lá. Mười năm. Mười năm quá dài cho những chờ trông. Có ai ngờ giờ anh giảng dạy ở trường cán bộ quản lý trong thành phố này. Nghe nói anh về giữa học kỳ. Anh tìm đâu ra số điện thoại của tôi và gọi.

- A lô. Xin lỗi có phải số điện thoại của Thủy không?  Tôi nhận ra giọng anh ngay, giọng miền Trung không lẫn vào đâu được. “Anh là Tuấn đây”- Tôi hơi lạc giọng. Rồi anh hẹn tôi chiều nay sau tiết cuối gặp nhau ở quán cà phê Dã Quỳ ven sông.

Vẫn giọng nói hiền hiền, nhưng trông anh đỉnh đạc và già đi. Nhắc về chuyện ngày xưa, anh nói lúc đó anh buồn lắm. Lương giáo viên có bao nhiêu, anh còn phải chu cấp cho mấy đứa em. Tiền đâu mà lo chuyện gia đình. Im lặng một lát, anh nói tiếp, “phần vì buồn, một phần để cho em khỏi cùng anh lâm vào túng thiếu”. Lại lời nói chân thành ngày xưa nghe nhói cả lòng. Anh hỏi tôi về chuyện chồng con, tôi không nói. Anh gặn mãi, đành bộc bạch luôn:

- Lấy chồng được một năm tôi sinh con. Khi con bé được sáu tháng, thì hạnh phúc cũng chắp cánh bay xa. Chồng tôi tằn tịu với cô kế toán. Chuyện đến tai tôi vẫn không tin. Cho đến khi tôi bắt gặp chồng mình cặp với tình nhân bước vào khách sạn. Chân tôi khuỵu xuống nước mắt chảy tự nhiên... Rồi sau đó chúng tôi đưa nhau ra tòa.  

Chúng tôi ngồi bên nhau đến khi thành phố lên đèn. Rồi Tuấn đứng dậy, nói lời chia tay vì có hẹn. Tôi nói “Còn anh thế nào?” Anh nửa cười buồn: “Giờ anh vẫn là lính phòng không. Mười năm rồi, anh luôn nghĩ về bếp lửa quê nhà, nơi ấy có giọt mồ hôi em hòa trong khói bụi”.

Tôi nức nở khóc... Phải chi mình có một niềm tin... “Chuyện tình mà bao năm qua, tôi gói ghém từng kỷ niệm”, giờ như đang trôi ngoài kia, giống một loài hoa vừa đi vừa nở, tím cả hoàng hôn mà không hứa hẹn một điều gì.../.
 

 


.