Chất dân ca Hrê trong ca khúc Trần Tuấn

02:09, 29/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 20 năm gắn bó với âm nhạc, nhạc sĩ Trần Tuấn đã để lại dấu ấn trong lòng người yêu âm nhạc tỉnh nhà bằng những ca khúc viết về tình yêu quê hương, đất nước. Mỗi vùng đất anh đã đi qua, những nơi anh đặt chân đến đã khơi nguồn cảm hứng cho những sáng tác âm nhạc của anh. Trong đó, những ca khúc viết bằng chất liệu dân ca Hrê đã để lại dấu ấn sâu đậm cho những người yêu âm nhạc.

TIN LIÊN QUAN

Sáng tác ca khúc luôn là niềm đam mê cháy bỏng của Trần Tuấn. Anh có rất nhiều ca khúc viết về quê hương, về đất và người miền Tây Quảng Ngãi, để lại nhiều cảm xúc trong lòng người yêu âm nhạc như: Nhịp điệu quê hương, Khúc ca xuân, Biển trong tôi... Khúc ta-lêu ngày xuân.

Theo nhạc sĩ Trần Tuấn, người Hrê ngoài tính cần cù trong lao động sản xuất, dũng cảm trong đấu tranh, họ còn rất yêu thích sáng tác thơ ca, ham mê ca hát và chơi các loại nhạc cụ như đàn brook, ching ka-la, sáo ling-la, ống tiêu ta-lía, đàn ống bút của nữ giới, khèn ra-vai, trống...

Âm vang Hrê.                                          Ảnh: T.L
Âm vang Hrê. Ảnh: T.L

Điệu ta-lêu với những làn điệu dân ca quen thuộc đề cập tới tình yêu chung thuỷ, đến những cuộc đọ tài giữa cái thiện và cái ác... luôn có sức hấp dẫn các thế hệ người Hrê từ bao đời nay. Ta-lêu là điệu hát kể, có tính chất tự sự. Người Hrê thường dùng ta lêu để hát kể cho con cháu nghe bên bếp lửa nhà sàn, trên rẫy vào mùa chờ thu hoạch.

Ca khúc “Khúc ta-lêu ngày xuân” ra đời sau một thời gian ấp ủ, thai nghén và sau nhiều lần nhạc sĩ Trần Tuấn về công tác ở các huyện miền núi  Quảng Ngãi. Nhạc sĩ Trần Tuấn chia sẻ: Kho tàng văn hóa dân gian của người Hrê vô cùng phong phú, trong đó có các làn điệu ta-lêu cổ. Loại ta-lêu này có các đề tài như: Kể về các loài vật, cây cối; kể về các huyền thoại của cộng đồng tộc người, về các vị thần linh, về những con người tài trí, dũng cảm...

Đây là loại ta-lêu có cốt truyện, nên khi hát kể ta-lêu, người Hrê gọi là cà eng, vì có những bài ta-lêu được các nghệ nhân Hrê hát suốt cả đêm. Trong các truyện cổ dân gian của người Hrê thường có những đoạn xen bằng văn vần, đó chính là những khúc ta-lêu cổ.

Cũng từ sự đam mê các làn điệu ta-lêu, trong ca khúc “Khúc ta-lêu ngày xuân”, nhạc sĩ Trần Tuấn dùng chính chất liệu là những làn điệu ta lêu độc đáo này. Ca khúc " Khúc ta-lêu ngày xuân" được chia làm hai đoạn đơn, đoạn đầu anh sử dụng tiết tấu chậm đều, ca từ nói về sự mênh mông, hùng vĩ của rừng núi Ba Tơ, đó là ngọn núi Cao Muôn hùng vĩ, là dòng sông Liêng uốn quanh các buôn làng, như mạch nguồn văn hóa Hrê chảy mãi.

Có thể nói, đây là một trong những sáng tác thành công nhất của Nhạc sĩ Trần Tuấn. Ca khúc được viết ra trong niềm dạt dào cảm xúc của người nhạc sĩ, ca khúc có sức khái quát cao về đời sống văn hóa phong phú của người Hrê, đó chính là những điệu chiêng bên bếp lửa, là men rượu cần ngất ngây, là những bàn tay nắm nhau thật chặt của từng đôi trai gái trong mùa lễ hội.

Đoạn B được nhạc sĩ đẩy nhanh tiết tấu, chuyển sang giai điệu rộn ràng "Bên nhau ta hát Ta lêu rộn ràng, thắm tình cô sơn... nữ lêu lêu...". Và chất liệu dân ca của người Hrê đã và sẽ được tiếp nối trong những ca khúc của Trần Tuấn, lời ca tiếng hát và những nốt nhạc của anh đã hòa vào đại ngàn, hòa vào các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Hrê.   

Nhạc sĩ Trần Tuấn tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc Huế, hiện anh là Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi. Anh cũng là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi.


Huỳnh Thế

 

.