(Baoquangngai.vn)- Không chọn mở một cửa hàng thời trang dễ hái ra tiền như những cô gái 9X khác, chị Phạm Thị Sung, 27 tuổi, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ đã chọn một hướng đi rất riêng. Đó là mở một “bảo tàng” riêng để giao lưu văn hóa, khởi nghiệp từ chính nghề truyền thống của phụ nữ Làng Teng từ bao đời nay.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngôi nhà nhỏ của chị Sung luôn rộn ràng người ra, vào để đặt mua, may các bộ trang phục Hrê cho các em học sinh. Khi những người đàn ông trong nhà lấy chiêng ra đánh trong niềm vui và phấn khởi về bước tiến mới của nghề dệt thổ cẩm ở Làng Teng, chị Sung cùng mẹ và những người chị em trong nhà làm không ngớt việc để dệt vải cho các em học sinh chào đón năm học mới, trong thanh âm rộn ràng nơi đại ngàn.
Lặn lội đoạn đường khá xa từ thôn Gò Đập, xã Ba Vinh xuống, chị Phạm Thị Điết, 26 tuổi- phụ huynh có con học ở Trường THCS Dân tộc nội trú Ba Tơ cho hay, cùng với bộ trang phục quần xanh áo trắng, năm nay chị phải may cho cháu một bộ trang phục truyền thống để mặc khi đến lớp, sinh hoạt ở trường nội trú, khi cháu bước vào một cấp học mới.
“Ngày trước, nhiều phụ huynh than phiền về việc tìm chỗ đặt may trang phục truyền thống Hrê cho con em rất khó do không còn mấy người dệt, may nhưng nay thì dễ dàng hơn khi đồng bào Hrê ở Làng Teng đã quay trở lại với sản phẩm truyền thống”, chị Điết cho biết.
Chị Sung sửa soạn các vật dụng trong cửa hàng. Mỗi một sản phẩm chị xem như một đứa con tinh thần. |
Cửa hàng của chị Sung là một trong những nơi đầu tiên do cá nhân gầy dựng nên để trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kinh doanh sản phẩm dệt của Làng Teng trong cộng đồng. Nụ cười ấm áp, giọng nói nhỏ nhẹ của cô gái người Hrê khi đón khách đến tham quan khiến nhiều người đều cảm thấy ấm áp.
Ngưng chốc lát với tấm vải đang dệt dở, chị Sung cho hay, chị là con cháu của Làng Teng. Trước đây, chị từng được gia đình cho đi học tại Trường Đại học Quảng Nam, sau khi hoàn thành các cấp học ở trường huyện. Tốt nghiệp ra trường nhưng vì ngành học khó xin việc ở địa phương nên chị đành chấp nhận ở nhà, lập gia đình, chăm lo con cái như những cô gái Hrê khác.
“Không thể hoang phí những năm tháng được cắp sách đến trường, tôi suy nghĩ mình phải làm một việc gì đó có ích cho Làng Teng, cho niềm đam mê, sở thích của bản thân và duy trì được nghề truyền thống bao đời nay của gia đình, của người Làng Teng. Ý tưởng mở một cửa hàng chuyên trưng bày, giao lưu các sản phẩm văn hóa truyền thống như dệt thổ cẩm đã xuất phát từ đó”, chị Sung bộc bạch.
Để bắt đầu xây dựng cho ý tưởng này, chị có đến 3 năm để chuẩn bị, hoạch định, vẽ ra cho mình một ước mơ, lối đi hoàn hảo nhất. Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống giữ gìn các giá trị văn hóa của người Hrê nên mọi kế hoạch “dễ thở” hơn khi “cần gì, có đó”.
Một góc trong "bảo tàng" văn hóa của chị Sung. |
Một cửa hàng mang đậm giá trị văn hóa của người Hrê, nơi đó không chỉ có những sản phẩm để bán cho khách hàng mà cần phải có những sản phẩm văn hóa không thể thiếu của đồng bào để trưng bày cho du khách tìm hiểu, chiêm ngưỡng. May mắn thay, chị được người lớn trong gia đình nhượng, tặng lại những chiếc chiêng quí, ché, nỏ, gùi... của người Hrê còn lưu giữ.
“Để có những sản phẩm từ nghề đan lát hay các sản phẩm phổ biến trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào, tôi đã lặn lội khắp các bản làng của người Hrê để tìm hiểu, sưu tầm, đặt mua thêm mang về trưng bày. Tôi còn liên kết với các già làng lớn tuổi trong vùng để đặt hàng thường xuyên các sản phẩm đan lát truyền thống, bán cho du khách khi có nhu cầu”, chị Sung nói.
Đặc biệt, đối với các sản phẩm dệt thổ cẩm Làng Teng đều do chính một tay của chị, mẹ và chị gái hằng ngày tự dệt nên. Mỗi một tấm vải cho bộ trang phục nam, nữ của người Hrê đều tốn đến khoảng 3 ngày và đan liên tục mới có nguồn hàng kịp cung cấp.
Mỗi một sản phẩm toát lên sự tinh tế, kỳ công của người dệt, may, chan chứa cả tấm lòng trân quí nghề truyền thống của cô chủ nhỏ người Hrê. Từ đây chị đã có một nguồn kinh phí làm vốn để mở cửa hàng sau này.
Đúng như dự định sau 3 năm ấp ủ, khi nghề dệt thổ cẩm ở Làng Teng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đó cũng là lúc cửa hàng của chị chính thức được khai trương.
Cửa hàng có diện tích chỉ khoảng chừng 20m2 nhưng hội tụ đủ các sản phẩm truyền thống của người Hrê, từ đồ thổ cẩm nam, nữ, khố, vải điệu, khăn choàng, ví, túi xách đến các sản phẩm thủ công như rổ, mùng, nia, gùi, đục nỏ... đến cồng chiêng của người Hrê. Nơi đây không khác gì một “bảo tàng” văn hóa của người Hrê, dù mới mở nhưng đã có rất nhiều người ở địa phương, trong và ngoài tỉnh đến tham quan và ủng hộ.
Mặc dù mới khai trương nhưng không gian văn hóa tại gia đình chị Sung đón nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu. |
Trước cuộc sống khó khăn nơi vùng cao, cái ăn, cái mặt nhiều khi còn chưa đủ, cửa hàng chị Sung hình thành đã nhận được nhiều lời chúc mừng, ủng hộ của địa phương. Bởi lẻ, nghề dệt thổ cẩm đã từng có thời gian bị mai một. Người trẻ ở địa phương đang bắt đầu quay trở lại khởi nghiệp với sản phẩm truyền thống, với các giá trị văn hóa của địa phương, đó là điều rất đáng mừng.
Phó Bí thư huyện đoàn Ba Tơ Phạm Thị Chiến cho hay, sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm của chị Sung, không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của người Hrê mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho thanh niên, đồng bào Hrê ở địa phương.
"Những nỗ lực của người trẻ ở Làng Teng như chị Sung sẽ góp phần tạo động lực để huyện đoàn xây dựng chương trình “Thanh niên tham gia phát triển du lịch cộng đồng” ở huyện Ba Tơ, một dự án tâm huyết mà huyện đoàn đã trình lên các cấp và nếu được đồng ý sẽ triển khai trong thời gian đến...", chị Chiến cho biết thêm.
Bài, ảnh: Gia Nghi