Trong đợt điều tra khảo cổ học vừa qua, các nhà khảo cổ đã tới hang Son thuộc dãy núi đá vôi phía trước hai ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, trên địa bàn xã Trường Yên (huyện Hoa Lư).
Ngoài ra, trong lòng hang còn xuất lộ rất nhiều vỏ nhuyễn thể biển như ngao dầu, ốc bù giác, hầu biển..., đây là loài nhuyễn thể biển xuất lộ trên địa bàn này khá phổ biến trong giai đoạn biển tiến Holocene, cách ngày nay từ 5.000 đến 7.000 năm. Như vậy, tại hang Son có sự cư trú của con người thời tiền sử ở cả hai giai đoạn có môi trường khá khác biệt nhau. Giai đoạn đầu là môi trường sống quanh những thung lũng đá vôi, sông suối nước ngọt, giai đoạn sau là môi trường vịnh biển, do đợt biển tiến Holocene tạo ra.
Địa điểm hang Son cùng những di chỉ khảo cổ học khác đã được phát hiện và nghiên cứu trong quần thể đá vôi Hoa Lư liền khoảnh (nằm trong tứ giác nước được giới hạn bởi sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Vân và sông Bến Đang) như Hang Bói, mái đá Hang Chợ, mái đá ông Hay, hang núi Thung Bình, núi ốp, hang ốc, hang Trống, hang Đá Máng, chùa A Nậu, núi Liên Sơn... cho chúng ta nghiên cứu một cách tổng thể về con người thời tiền sử, sự di cư của họ cũng như sự thích nghi với sự biến đổi môi trường, đặc biệt là vấn đề biển tiến đang được các nhà khoa học trên thế giới hết sức quan tâm. Hang Son lại nằm trong khu vực Thành Ngoại của Cố đô Hoa Lư, vì vậy việc bảo tồn, làm điểm cho du khách tham quan và nghiên cứu là hết sức cần thiết.
Nguồn: website báo Ninh Bình