Đã tròn một thế kỷ kể từ khi các nhà khảo cổ người Pháp tìm thấy những di chỉ khảo cổ có niên đại cách ngày nay 2.500 đến 3.000 năm tại cồn cát Sa Huỳnh (Đức Phổ), những di tích mới thuộc văn hoá Sa Huỳnh vẫn tiếp tục được phát hiện, những hiện vật mới bất ngờ và phong phú vẫn được tìm thấy...
Dấu ấn một nền văn hoá nổi tiếng
Năm 1909, trong niên giám của Viện Viễn Đông Bác Cổ đăng thông tin: Phát hiện một kho chum khoảng 200 chiếc nằm cách mặt đất không sâu, trong một cồn cát ven vùng biển Sa Huỳnh. Từ đó đến nay, hàng trăm di chỉ của nền văn hóa này đã được tìm thấy khắp các tỉnh ven biển miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận và lan cả sang một số địa bàn lân cận. Từ đó, các cuộc khai quật tiếp theo của các nhà khoa học trong và ngoài nước đem lại những kết quả khá bất ngờ. Tuy nhiên, phải đến những năm sau 1975 cho đến nay, những cuộc khai quật của các nhà khảo cổ học Việt Nam mới được tiến hành một cách toàn diện.
Các cuộc khai quật được tiến hành trên một địa bàn rộng lớn, dọc duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ mà nhiều nhất là địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, các lần khai quật lớn ở đây lần lượt là: Năm 1976 khai quật tại Gò Ma Vương (Phổ Khánh-Đức Phổ); năm 1997 khai quật tại xóm Ốc (Lý Sơn); năm 2000 tại suối Chình (Lý Sơn); năm 2005 tại Bình Đông (Bình Sơn) và gần đây nhất là năm 2009 tại xã Đức Thắng (Mộ Đức). Hiện vật tìm thấy qua những lần khai quật cho phép tái hiện không gian văn hóa Sa Huỳnh rộng lớn hơn nhiều so với hình dung của các nhà khảo cổ học Pháp trước đây. Các cuộc khai quật này đã phát hiện sự tồn tại của một giai đoạn văn hóa sớm, liền trước, tiền thân của Sa Huỳnh cổ điển, mà ngày nay được định danh là giai đoạn tiền Sa Huỳnh hoặc Sa Huỳnh sớm.
Phát hiện có ý nghĩa khoa học này cho phép khẳng định văn hóa Sa Huỳnh mà người Pháp tìm thấy và định danh có nguồn gốc bản địa, phát sinh, phát triển ngay trên dải đất từ Quảng Bình đến Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, một số hải đảo ven bờ biển miền Trung Việt Nam và có thể rộng hơn, trên nhiều vùng của bán đảo Đông Dương. Với sự phân bố khá đậm đặc và liên tục những di chỉ, hiện vật của một nền văn hóa có quan hệ với các nền văn hóa tồn tại đồng đại và không gian giao thoa, tiếp cận mà không phải du nhập từ nơi khác đến. Những kết quả khai quật, nghiên cứu của các nhà khảo cổ học Pháp và Việt Nam, đã có thể cho chúng ta hình dung một số nét cơ bản về đời sống, sinh hoạt, tín ngưỡng của cư dân Sa Huỳnh. Đó là những nhóm người đã biết sử dụng các công cụ, đồ trang sức, vũ khí bằng đá, xương động vật, thủy tinh, mã não, gốm…, kể cả các công cụ bằng đồng thau và sắt sớm; biết đánh cá để làm thức ăn, biết làm đẹp cho mình bằng những vật trang sức phong phú, chú ý tạo dáng cho các vật dụng, sáng tạo nhiều dạng hoa văn độc đáo, giàu tính thẩm mỹ, đặc biệt là trên đồ gốm.
Những phát hiện mới, nghiên cứu mới
Trong những năm 90 của thế kỷ XX, việc phát hiện và khai quật cụm di tích Giồng Cá Vồ - Giồng Phệt (thuộc huyện Cần Giờ - TPHCM) đã gây "chấn động" giới khảo cổ học và sử học. Đó là những bãi mộ chum lớn với hiện vật vô cùng phong phú, đa dạng về chất liệu cũng như loại hình. Đồ tuỳ táng gồm có kiếm sắt, dao sắt, khuyên tai, hạt chuỗi thuỷ tinh, hạt chuỗi vàng, khuyên tai vàng... Và cuối năm 2008 đầu năm 2009 mới đây, một cuộc khai quật khảo cổ ở di tích Bãi Cọi (xã Xuân Viên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã phát hiện những hiện vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh như khuyên tai hình hai đầu thú, mộ bình, mộ nồi chôn đứng, mộ chum... và rất nhiều hiện vật gốm như chum, vò, bát bồng, nắp nón cụt, khuyên tai ba mấu bằng thuỷ tinh và đất nung, đặc biệt là chiếc chum mai táng hình trái đào. Chính những phát hiện này cho thấy, dù đã tròn một thế kỷ phát hiện và nghiên cứu, nhưng văn hóa Sa Huỳnh vẫn luôn tiềm ẩn những bất ngờ, không những thú vị mà còn là thách thức với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Bên cạnh những phát hiện mới, những năm gần đây, nhiều cuộc khai quật khảo cổ học đã được tiến hành nghiên cứu nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chămpa. Trong nhiều di tích, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mảnh gốm vừa mang đặc điểm của gốm Sa Huỳnh và cả đặc điểm gốm Chămpa. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để chứng minh con đường phát triển từ văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Chămpa. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra từ thư tịch cổ một số "yếu tố Sa Huỳnh" trong xã hội và văn hóa Chămpa.
Từ không gian và thời gian, trên cơ sở những tư liệu khảo cổ học, đến nay có thể cho rằng Nhà nước Chămpa là sự tiếp nối văn hóa Sa Huỳnh, được hình thành trên cốt lõi văn hóa Sa Huỳnh dưới ảnh hưởng của những yếu tố văn hóa ngoại sinh Đông Sơn - Việt cổ, Trung Hoa và Ấn Độ.
Cần có Bảo tàng về văn hoá Sa Huỳnh
Những gì chúng ta đang lưu giữ và biết được về cư dân Sa Huỳnh, văn hóa Sa Huỳnh trong 100 năm qua đủ để chúng ta hình dung ra diện mạo của nền văn hóa Sa Huỳnh và cư dân Sa Huỳnh, từ nguồn gốc cho đến các giai đoạn phát triển, từ loại hình di tích di vật cho đến đặc trưng văn hóa ngày càng rõ nét hơn. Tuy nhiên, vấn đề tôn tạo, phát huy giá trị các di chỉ khảo cổ, hiện vật của nền văn hóa Sa Huỳnh đặt ra khá bức bách, đã và đang thu hút sự quan tâm của giới khoa học trong và ngoài nước cũng như đông đảo cán bộ và nhân dân Quảng Ngãi. Vấn đề đặt ra là nên chăng Quảng Ngãi cần xây dựng một bảo tàng về văn hoá Sa Huỳnh mà ở đó, thông qua những bộ di vật đặc sắc và hấp dẫn của những giai đoạn phát triển trước Sa Huỳnh, hậu Sa Huỳnh, tiền Chămpa để giới thiệu một cách toàn diện về đời sống vật chất, tinh thần, hoạt động kinh tế, cơ tầng xã hội, sự phát triển nội tại, sự tiếp thu ảnh hưởng bên ngoài của nền văn hoá này với thế giới.
Đồ gốm và đồ đá văn hoá Sa Huỳnh tại Bảo tàng Quảng Ngãi. |
Năm 1909, trong niên giám của Viện Viễn Đông Bác Cổ đăng thông tin: Phát hiện một kho chum khoảng 200 chiếc nằm cách mặt đất không sâu, trong một cồn cát ven vùng biển Sa Huỳnh. Từ đó đến nay, hàng trăm di chỉ của nền văn hóa này đã được tìm thấy khắp các tỉnh ven biển miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận và lan cả sang một số địa bàn lân cận. Từ đó, các cuộc khai quật tiếp theo của các nhà khoa học trong và ngoài nước đem lại những kết quả khá bất ngờ. Tuy nhiên, phải đến những năm sau 1975 cho đến nay, những cuộc khai quật của các nhà khảo cổ học Việt Nam mới được tiến hành một cách toàn diện.
Các cuộc khai quật được tiến hành trên một địa bàn rộng lớn, dọc duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ mà nhiều nhất là địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, các lần khai quật lớn ở đây lần lượt là: Năm 1976 khai quật tại Gò Ma Vương (Phổ Khánh-Đức Phổ); năm 1997 khai quật tại xóm Ốc (Lý Sơn); năm 2000 tại suối Chình (Lý Sơn); năm 2005 tại Bình Đông (Bình Sơn) và gần đây nhất là năm 2009 tại xã Đức Thắng (Mộ Đức). Hiện vật tìm thấy qua những lần khai quật cho phép tái hiện không gian văn hóa Sa Huỳnh rộng lớn hơn nhiều so với hình dung của các nhà khảo cổ học Pháp trước đây. Các cuộc khai quật này đã phát hiện sự tồn tại của một giai đoạn văn hóa sớm, liền trước, tiền thân của Sa Huỳnh cổ điển, mà ngày nay được định danh là giai đoạn tiền Sa Huỳnh hoặc Sa Huỳnh sớm.
Phát hiện có ý nghĩa khoa học này cho phép khẳng định văn hóa Sa Huỳnh mà người Pháp tìm thấy và định danh có nguồn gốc bản địa, phát sinh, phát triển ngay trên dải đất từ Quảng Bình đến Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, một số hải đảo ven bờ biển miền Trung Việt Nam và có thể rộng hơn, trên nhiều vùng của bán đảo Đông Dương. Với sự phân bố khá đậm đặc và liên tục những di chỉ, hiện vật của một nền văn hóa có quan hệ với các nền văn hóa tồn tại đồng đại và không gian giao thoa, tiếp cận mà không phải du nhập từ nơi khác đến. Những kết quả khai quật, nghiên cứu của các nhà khảo cổ học Pháp và Việt Nam, đã có thể cho chúng ta hình dung một số nét cơ bản về đời sống, sinh hoạt, tín ngưỡng của cư dân Sa Huỳnh. Đó là những nhóm người đã biết sử dụng các công cụ, đồ trang sức, vũ khí bằng đá, xương động vật, thủy tinh, mã não, gốm…, kể cả các công cụ bằng đồng thau và sắt sớm; biết đánh cá để làm thức ăn, biết làm đẹp cho mình bằng những vật trang sức phong phú, chú ý tạo dáng cho các vật dụng, sáng tạo nhiều dạng hoa văn độc đáo, giàu tính thẩm mỹ, đặc biệt là trên đồ gốm.
Những phát hiện mới, nghiên cứu mới
Trong những năm 90 của thế kỷ XX, việc phát hiện và khai quật cụm di tích Giồng Cá Vồ - Giồng Phệt (thuộc huyện Cần Giờ - TPHCM) đã gây "chấn động" giới khảo cổ học và sử học. Đó là những bãi mộ chum lớn với hiện vật vô cùng phong phú, đa dạng về chất liệu cũng như loại hình. Đồ tuỳ táng gồm có kiếm sắt, dao sắt, khuyên tai, hạt chuỗi thuỷ tinh, hạt chuỗi vàng, khuyên tai vàng... Và cuối năm 2008 đầu năm 2009 mới đây, một cuộc khai quật khảo cổ ở di tích Bãi Cọi (xã Xuân Viên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã phát hiện những hiện vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh như khuyên tai hình hai đầu thú, mộ bình, mộ nồi chôn đứng, mộ chum... và rất nhiều hiện vật gốm như chum, vò, bát bồng, nắp nón cụt, khuyên tai ba mấu bằng thuỷ tinh và đất nung, đặc biệt là chiếc chum mai táng hình trái đào. Chính những phát hiện này cho thấy, dù đã tròn một thế kỷ phát hiện và nghiên cứu, nhưng văn hóa Sa Huỳnh vẫn luôn tiềm ẩn những bất ngờ, không những thú vị mà còn là thách thức với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Bên cạnh những phát hiện mới, những năm gần đây, nhiều cuộc khai quật khảo cổ học đã được tiến hành nghiên cứu nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chămpa. Trong nhiều di tích, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mảnh gốm vừa mang đặc điểm của gốm Sa Huỳnh và cả đặc điểm gốm Chămpa. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để chứng minh con đường phát triển từ văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Chămpa. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra từ thư tịch cổ một số "yếu tố Sa Huỳnh" trong xã hội và văn hóa Chămpa.
Từ không gian và thời gian, trên cơ sở những tư liệu khảo cổ học, đến nay có thể cho rằng Nhà nước Chămpa là sự tiếp nối văn hóa Sa Huỳnh, được hình thành trên cốt lõi văn hóa Sa Huỳnh dưới ảnh hưởng của những yếu tố văn hóa ngoại sinh Đông Sơn - Việt cổ, Trung Hoa và Ấn Độ.
Cần có Bảo tàng về văn hoá Sa Huỳnh
Những gì chúng ta đang lưu giữ và biết được về cư dân Sa Huỳnh, văn hóa Sa Huỳnh trong 100 năm qua đủ để chúng ta hình dung ra diện mạo của nền văn hóa Sa Huỳnh và cư dân Sa Huỳnh, từ nguồn gốc cho đến các giai đoạn phát triển, từ loại hình di tích di vật cho đến đặc trưng văn hóa ngày càng rõ nét hơn. Tuy nhiên, vấn đề tôn tạo, phát huy giá trị các di chỉ khảo cổ, hiện vật của nền văn hóa Sa Huỳnh đặt ra khá bức bách, đã và đang thu hút sự quan tâm của giới khoa học trong và ngoài nước cũng như đông đảo cán bộ và nhân dân Quảng Ngãi. Vấn đề đặt ra là nên chăng Quảng Ngãi cần xây dựng một bảo tàng về văn hoá Sa Huỳnh mà ở đó, thông qua những bộ di vật đặc sắc và hấp dẫn của những giai đoạn phát triển trước Sa Huỳnh, hậu Sa Huỳnh, tiền Chămpa để giới thiệu một cách toàn diện về đời sống vật chất, tinh thần, hoạt động kinh tế, cơ tầng xã hội, sự phát triển nội tại, sự tiếp thu ảnh hưởng bên ngoài của nền văn hoá này với thế giới.
Thanh Thuận